Bộ TN-MT đã rất thận trọng khi phê duyệt ĐTM dự án Cần Giờ

21/07/2020 06:19 GMT+7

Theo lãnh đạo Bộ TN-MT, ĐTM của dự án Cần Giờ được thẩm định bởi các nhà khoa học hàng đầu, tiến hành cẩn thận và tuân thủ đúng các quy định pháp luật.

Đó là khẳng định của Bộ TN-MT tại cuộc họp báo thường kỳ hôm qua (20.7), xung quanh những thắc mắc về công tác thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (TP.HCM).
Theo lãnh đạo bộ này, ĐTM của dự án được thẩm định bởi các nhà khoa học hàng đầu, tiến hành cẩn thận và tuân thủ đúng các quy định pháp luật.

Được thẩm định bởi những nhà khoa học hàng đầu

Tại cuộc họp, các PV đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm thẩm định, phê duyệt ĐTM của Dự án Cần Giờ do Công ty CP đô thị du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư, nhất là việc phê duyệt kèm tới 15 điều kiện...
Ông Nguyễn Xuân Hải, Vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT), xác nhận Bộ TN-MT đã phê duyệt ĐTM của Dự án Cần Giờ. Khi thực hiện thẩm định, phê duyệt ĐTM dự án này, luôn ý thức rõ trách nhiệm xem xét dự án để đảm bảo phát triển kinh tế nhưng phải phát triển bền vững. “Bộ TN-MT nhận thức, đây là dự án có quy mô lớn, nằm kế cận vùng chuyển tiếp khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ nên rất thận trọng khi thẩm định và phê duyệt ĐTM. Qua nhiều bước bổ sung, chỉnh sửa, ĐTM của dự án đã được thông qua một cách cẩn trọng và tuyệt đối tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, Bộ TN-MT nhận thấy ĐTM đã nhận diện, đánh giá khá đầy đủ, thận trọng các tác động có thể có và đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động môi trường, xây dựng chương trình quản lý giám sát môi trường, ứng phó sự cố môi trường. Ngoài ra, chủ đầu tư còn cung cấp các hồ sơ kỹ thuật, chuyên đề về nghiên cứu, báo cáo đánh giá độc lập được thực hiện bởi các đơn vị uy tín trong nước và quốc tế.
Ông Hải khẳng định Quyết định số 220 ngày 28.1.2019 của Bộ TN-MT về phê duyệt ĐTM của dự án lấn biển Cần Giờ được thực hiện theo đúng quy định tại luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 18 và Thông tư số 27. ĐTM của dự án được tiến hành cẩn trọng và tuyệt đối tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật, trải qua nhiều bước bổ sung, chỉnh sửa. Báo cáo ĐTM của dự án cũng đã được thông qua bởi hội đồng thẩm định gồm các nhà khoa học hàng đầu.
Để đảm bảo khách quan, hồ sơ ĐTM về dự án lấn biển Cần Giờ còn có các báo cáo chuyên đề của các cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài có uy tín thực hiện, gồm: báo cáo ĐTM của Khu đô thị du lịch Cần Giờ từ các chuyên gia quốc tế; báo cáo ĐTM chiến lược quy hoạch khu đô thị Cần Giờ; báo cáo đánh giá tác động giao thông do Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải; báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học.

Phù hợp pháp luật Việt Nam và khung pháp lý UNESCO

Theo ông Hải, quyết định phê duyệt ĐTM của dự án đã tuân thủ các quy định của luật Bảo vệ môi trường, gồm 3 phần chính: xác định nội dung, quy mô dự án; yêu cầu về bảo vệ môi trường; các điều kiện kèm theo.
Tất cả các quyết định phê duyệt, theo quy định đều có điều kiện kèm theo, chứ không riêng gì dự án này. “Việc có các điều kiện kèm theo là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với quy định. Vì ĐTM phải phân tích, đánh giá, dự báo tác động đến môi trường của một dự án cụ thể và đưa ra biện pháp bảo vệ cũng như triển khai giải pháp bảo vệ môi trường. Do đó, ĐTM có thể có những vấn đề cần tiếp tục theo dõi, đánh giá, điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án để đảm bảo phát triển bền vững. Về các điều kiện kèm theo đối với dự án có quy mô lớn, triển khai trong thời gian hơn 11 năm được đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi dự án lại càng hợp lý và cần thiết”, ông Hải nói.
Ông Hải cho biết theo các văn bản của UNESCO Việt Nam và Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ đã xác định, dự án nằm kế cận vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Như vậy, việc thực hiện dự án không thuộc vị trí ranh giới rừng phòng hộ Cần Giờ, tại khu vực kế cận vùng chuyển tiếp, là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam và khung pháp lý của UNESCO. Với các biện pháp thi công xây dựng tiên tiến, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam cao nhất. Kết quả đánh giá tác động môi trường thông qua các mô hình tính toán cho thấy, dự án không tác động đáng kể đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Cũng theo ông Hải, ĐTM đã phê duyệt chưa bao gồm hoạt động khai thác vật liệu san lấp và việc khai thác vật liệu san lấp sẽ tiếp tục được thực hiện đánh giá tác động môi trường khi có thông tin chi tiết về dự án đầu tư cụ thể, chính xác hơn về nguồn, vị trí, phương án khai thác và vận chuyển. Cụ thể, Bộ TN-MT cũng đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu khai thác tại chỗ, tận dụng tối đa tài nguyên nạo vét, nhận chìm; hạn chế tối đa khai thác vật liệu từ bên ngoài và sẽ được xem xét quyết định theo đúng các quy định của pháp luật.
Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ nằm cách vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ khoảng 18 km về phía bắc; nằm ngoài ranh giới diện tích đất lâm nghiệp và rừng ngập mặn và kế cận với khu vực chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển. Quy mô dân số dự kiến là hơn 228.000 người và khoảng 9 triệu lượt khách du lịch/năm; tạo việc làm cho 25.000 lao động. Dự án sẽ tạo ra quỹ đất đủ lớn, tạo điều kiện tăng thu ngân sách qua tiền thuê sử dụng đất, cho thuê đất, mặt nước, hoạt động sản xuất kinh doanh... Khi hoàn thành, dự án dự kiến sẽ đóng góp khoảng 2.900 tỉ đồng/năm cho ngân sách và khoảng 2 - 3% tổng mức bán lẻ và doanh thu hàng hóa cho TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.