Bỏ 'siết' rượu bia, 'vẽ đường cho hươu chạy'?

24/05/2019 07:17 GMT+7

Một số điều khoản siết lạm dụng rượu bia bị loại khỏi dự thảo luật khiến các đại biểu lo ngại có dấu hiệu cài cắm.

Ưu ái doanh nghiệp, “quên” trẻ em

Sáng 23.5, trước khi thảo luận về luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Quốc hội (QH) nghe báo cáo tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH). Đa phần các đại biểu (ĐB) ủng hộ ban hành luật, nhưng một trong những vấn đề còn tranh cãi tại kỳ trước như “cấm bán rượu bia nồng độ cồn hơn 15% trên internet” đã bị loại ra khỏi dự thảo lần này.
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) băn khoăn khi không hiểu vì sao vấn đề này bị bỏ ra. “Tình trạng ngày càng phổ biến của internet và độ tuổi tiếp cận ngày càng trẻ hóa thì việc bỏ chế định trên có phải là “vẽ đường cho hươu chạy”?; bỏ được phần nào rào cản phát triển của doanh nghiệp sản xuất bia, rượu, nhưng lại quên đi những nguy cơ tác hại đến trẻ em. ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cũng đồng tình phải kiểm soát nội dung quảng cáo, bán rượu bia trên internet; để trẻ em nhận thức rằng không phải rượu bia là tốt, được khuyến khích sử dụng.
Bên cạnh đó, cũng theo bà Hiền, hiện nay các loại bia chiếm áp đảo thị trường trong nước, đa số có độ cồn từ 4,2 - 5%. Tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới nêu rõ bia đang là đồ uống phổ biến ở VN. Trong khi đó, dự thảo luật lại đưa ra mốc cấm quảng cáo bia có nồng độ cồn từ 5,5% trở lên. “Tôi nghĩ quy định độ cồn từ 4% trở lên thay cho mốc 5,5% và khung giờ quảng cáo cần điều chỉnh lại từ 18 - 21 giờ thay cho những quy định theo chủ đích hiện tại của luật là 19 - 20 giờ”, ĐB Hiền đề nghị.

“Dấu ấn quá nặng của Bộ Y tế”

Tiếp tục góp ý, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nói cách tiếp cận của dự thảo luật là sai; báo cáo trình QH của Chính phủ rõ ràng mang dấu ấn của Bộ Y tế quá nặng và có xu hướng biệt lập, thậm chí cực đoan thay vì tiếp cận từ văn hóa.
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng các ý kiến khi phát biểu dường như đang coi ngành sản xuất rượu bia như một “tội đồ”. Ông đồng tình việc phải ban hành luật để chống lạm dụng rượu bia nhưng phải có lộ trình và phù hợp với thực tiễn; không thể phủ nhận sạch trơn nguồn thu hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm; hàng trăm ngàn lao động đang kiếm sống hằng ngày.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề xuất, nên quản lý bằng các công cụ kinh tế, tăng chế tài. “Một quy định đổi 100 USD phạt đến 90 triệu mà vẫn vi phạm. Tôi đi các nước tôi thấy rằng xử phạt cực kỳ nghiêm khắc, rất cao và chính vì thế mới răn đe, cảnh báo được”, ông Phương nói và đề nghị cần bổ sung quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia ở mức tỷ lệ phần trăm cao bởi giá đắt chắc chắn người dân sẽ giảm uống.

Cấm xúi giục, ép người khác uống rượu bia

Dự thảo luật sau chỉnh lý quy định các địa điểm không được uống và bán rượu bia gồm: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở hoặc khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; cơ sở bảo trợ xã hội; trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.
Các hành vi bị nghiêm cấm điển hình gồm: Quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên; Khuyến mãi hoặc sử dụng rượu bia để khuyến mãi cho người chưa đủ 18 tuổi và khuyến mãi trong hoạt động kinh doanh rượu từ 15 độ cồn trở lên hoặc sử dụng rượu từ 15 độ cồn trở lên để khuyến mãi dưới mọi hình thức; Bán rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi khi biết rõ người mua chưa đủ 18 tuổi, người đã có dấu hiệu say rượu bia; Cho người chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia; Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia...

Đại biểu lo lộ mật khi cấp quyền truy cập dữ liệu cho kiểm toán viên

Thảo luận tại tổ chiều 23.5 về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN), nhiều ĐB bày tỏ phân vân về quy định cấp quyền truy cập dữ liệu cho kiểm toán viên, vì lo ngại có thể lộ thông tin của các đơn vị được kiểm toán.
ĐB Phạm Phú Quốc (TP.HCM) cho rằng các dữ liệu điện tử có nhiều bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, nên không thể không quan tâm đến khả năng lộ lọt thông tin. Do đó, ĐB đề nghị có giới hạn chặt chẽ quyền truy cập dữ liệu, phải khoanh vùng nội dung, thời gian và chỉ làm việc tại văn phòng của đơn vị được kiểm toán để tránh lộ bí mật của doanh nghiệp. ĐB Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) cũng cho rằng theo tinh thần bảo vệ bí mật nhà nước thì kiểm toán viên thuộc đoàn kiểm toán không có quyền này.
Liên quan đến thẩm quyền mới được dự thảo bổ sung là ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Tổng KTNN, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết đa số ý kiến tán thành việc bổ sung thẩm quyền cho Tổng KTNN ký thông tư liên tịch với bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao để quy định phối hợp trong công tác phòng chống tham nhũng. Song cơ quan này yêu cầu cần nghiên cứu để bảo đảm tương thích với luật Ban hành VBQPPL. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của KTNN cũng được một số ĐB đồng tình bổ sung, nhưng đề nghị không đưa vào luật này những hạn mức cụ thể, vì như thế là “vừa thiếu lại vừa thừa”. Giải pháp đúng, theo ĐB Dương Ngọc Hải (TP.HCM), là dẫn chiếu luật Xử phạt vi phạm hành chính để áp dụng. Liên quan đến chức năng giám định tư pháp, các ý kiến cơ bản tán thành, nhưng cũng yêu cầu KTNN chỉ thực hiện được yêu cầu, chứ không áp dụng rộng rãi vì sẽ tạo ra sự chồng chéo với nhiều cơ quan khác có chức năng tương đương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.