Bỏ phiếu ở Ý có thể châm ngòi khủng hoảng ngân hàng châu Âu

30/11/2016 10:54 GMT+7

Đợt trưng cầu dân Ý sẽ diễn ra vào ngày 4.12 có thể châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ngân hàng mới ở châu Âu. Đây là ý kiến của một nhà kinh tế.

Theo CNBC, nhà kinh tế trưởng Megan Greene tại hãng Manulife Asset Management cho biết: “Theo quan điểm của tôi, nguy cơ lớn nhất thực sự là cho ngành ngân hàng, thậm chí còn nhiều hơn so với rủi ro chính trị. Cũng sẽ có một số bất ổn chính trị”.
Cử tri Ý được yêu cầu chấp thuận các cải cách hiến pháp của đất nước, song đa phần cử tri nhìn nhận cuộc trưng cầu sắp tới là cuộc bỏ phiếu về thủ tướng và chính phủ hiện thời. Thủ tướng Ý Matteo Renzi trước đó tuyên bố ông sẽ từ nhiệm nếu cải cách không được đồng thuận. Nhiều dự báo cho rằng người dân Ý sẽ nói “không” với cải cách, đem bất ổn chính trị và tài chính về lại nền kinh tế lớn thứ ba khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone).
“Nếu bạn có một cuộc khủng hoảng lần nữa trong ngành ngân hàng Ý, nó không chỉ có thể lây lan khắp châu Âu mà còn ảnh hưởng đến giải pháp mà ông Renzi có thể đưa ra để phá vỡ quy tắc và giải cứu các ngân hàng. Trong trường hợp đó, ông sẽ phá hủy nhiều liên minh ngân hàng vốn là khu vực duy nhất mà họ thực sự đạt được tiến bộ ở châu Âu kể từ đầu khủng hoảng”, ông Greene nói.
Một cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Ý được cho là có thể xảy ra nếu giới đầu tư quyết định ngừng đóng góp cho giải pháp nhắm đến một số nhà băng yếu nhất nước Ý. Các nhà quản lý tài sản, hãng bảo hiểm và ngân hàng đầu năm nay lập quỹ 5 tỉ EUR, tương đương 5,3 tỉ USD để cứu trợ các nhà băng yếu hơn. Động thái này kiềm chế các lo ngại về sự ổn định của khu vực ngân hàng Ý, vốn chịu gánh nặng vì nợ xấu cao.
Theo bài báo đăng tải trên tờ Financial Times hôm 28.11, giới chức và giám đốc cấp cao các ngân hàng cho rằng có thể có đến tám nhà băng Ý gặp rắc rối nếu cử tri chọn “không” trong cuộc trưng cầu dân ý. Nếu trường hợp này tức việc ông Renzi thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý xảy ra, giới phân tích cho rằng ông sẽ bị buộc phải thành lập chính phủ mới song cuộc bầu cử sớm sẽ khó diễn ra.
Lúc này, giới chức Ý đánh giá thấp tác động mà kết quả cuộc trưng cầu dân ý có thể có lên các nhà băng và châu Âu. Ngoại trưởng Ý Paolo Gentiloni nói rằng mối quan tâm của thị trường về trường hợp vỡ nợ là không đáng. Theo ông Gentiloni, mối lo này hợp lý trong năm 2011 song quốc gia châu Âu đã cải thiện đáng kể từ thời điểm đó. Ngoài ra, Gentiloni cho biết không có nguy cơ tình hình ở Ý lây lan khắp châu Âu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.