Biến đất hoang thành vườn rau công nghệ

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
26/03/2020 07:44 GMT+7

Từ những khu đất bỏ hoang đầy rác thải tại Đà Nẵng, một số nhà đầu tư đã thuê, mượn để xây dựng vườn rau công nghệ cao, vừa tạo cảnh quan vừa cải thiện môi trường.

Tuy nhiên, để những vườn rau như này nhân rộng và phát triển, các chủ vườn cho rằng cần có quy định cho mượn, cho thuê đất bỏ hoang…

Vườn rau sạch từ bãi rác

Thời gian gần đây, khi ngang qua ngã ba Trần Thánh Tông - Phạm Huy Thông (P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng), nhiều người dân tỏ ra ngạc nhiên khi thấy một vườn rau xanh mướt trên những máng nhựa. Đó là vườn rau thủy canh của ông Lê Thanh Bình (Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Phú Farm). Ngạc nhiên là vì khoảng 3 tháng về trước, nơi đây chỉ là khu đất trống rộng 5.000 m2, nhếch nhác và ô nhiễm nghiêm trọng. Thỉnh thoảng lực lượng PCCC lại nhận tin báo đến… dập lửa do người dân đốt rác tự phát.

Tôi mong TP, quận có cơ chế, chính sách phù hợp để cho thuê những lô đất bỏ hoang, bãi rác làm vườn công nghệ cao tạo ra nguồn rau sạch vừa xây dựng môi trường trong lành cho TP.
Chúng tôi sẵn sàng thuê nhưng chính sách cho thuê cũng cần có sự ổn định để an tâm đầu tư

Ông Lê Thanh Bình, chủ đầu tư vườn rau công nghệ ở P.Nại Hiên Đông

Chuyên “săn” các khu đất trống tập kết rác thải để biến thành vườn rau, vừa xóa điểm ô nhiễm vừa làm kinh tế, ông Bình đã làm đơn trình bày nguyện vọng xin thuê, mượn với UBND P.Nại Hiên Đông và được đồng ý. Ông Bình đã thuê nhiều nhân công dọn dẹp vệ sinh trong vòng 1 tháng, vì khu đất rộng đang tập kết rác của nhiều năm. “Tôi đã đầu tư gần 2 tỉ đồng lắp đặt hệ thống nhà lưới, ống nuôi cây, phun sương… để xuống giống các loại rau thủy canh”, ông Bình cho biết. Khoảng 1/3 diện tích còn lại, ông trồng dâu tây Nhật Bản, nho Pháp…
Không chỉ biến lô đất trở thành “điểm xanh”, ông Bình còn xây dựng nơi đây thành nơi giải trí của trẻ em sinh sống tại hàng chục block chung cư lân cận. “Đây không phải là bãi rác đầu tiên được tôi cải tạo để làm vườn rau. Trước đó, tôi đã mượn khu đất trống rộng 600 m2 trên đường Đinh Công Trứ (P.Thọ Quang) rồi dựng nhà lưới để làm vườn rau thủy canh”, ông Bình chia sẻ. Vườn ở Nại Hiên Đông là mô hình đầu tiên ông tích hợp “4 trong 1” (vườn rau, siêu thị mini, khu vui chơi trẻ em, vườn thực nghiệm cho học sinh).
Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND P.Nại Hiên Đông, cho biết địa phương có chủ trương tạo điều kiện cho người dân sử dụng tạm các lô đất trống, đặc biệt là ưu tiên cho các hội viên hội nông dân trên địa bàn triển khai các mô hình rau sạch. Sau khi Việt Phú Farm đề nghị, UBND phường đã đồng ý và đề nghị chủ vườn giảm giá rau sạch cho người nghèo, biến khu vực thành điểm tham quan, nghiên cứu cho học sinh…
Tương tự, ông Huỳnh Kim Toàn (54 tuổi, trú P.Khuê Mỹ, Q.Ngũ Hành Sơn) cũng đã mượn đất trống làm nông nghiệp công nghệ cao, nhờ hội nông dân phường đứng ra hỗ trợ việc mượn khu đất gần nhà rộng 3.000 m2 để trồng rau hữu cơ. Khu đất đầy rác thải, nham nhở hầm hố được ông Toàn bỏ công san ủi. Từ ngày có khu vườn này, bãi đất hoang trước kia nhộn nhịp cảnh người lui tới mua bán rau.

Nhà đầu tư cần cơ chế ổn định

Ông Toàn cho hay lô đất được hội nông dân phường “bảo lãnh” để ông mượn tạm. “Tôi biết trong nay mai, tôi phải hoàn trả nhưng vì trước mắt thiếu quỹ đất thử nghiệm dây chuyền tự động trong làm vườn nên tôi phải mượn tạm lô đất này để vận hành thử”, ông Toàn nói. Là một người từ TP.HCM trở về quê hương để làm nông nghiệp công nghệ cao, ông cho biết trước mắt rất cần những lô đất nhỏ tại TP.Đà Nẵng đang hoang hóa để làm vườn, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. “Ước mơ của tôi là biến những khu bãi rác thành phân bằng công nghệ của mình, rồi lấy nguồn phân đó bón cho vườn rau để vừa xử lý môi trường vừa làm vườn rau làm đẹp đô thị”, ông Toàn nói. Mặc dù được địa phương hỗ trợ cho mượn đất, nhưng ông mong muốn có cơ chế cho thuê đất hoang, nhằm gạt bỏ những lo âu vì sợ bị đòi lại bất cứ lúc nào.

Phụ thuộc sự linh động của chính quyền địa phương 

Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND P.Thọ Quang, cho biết hiện chưa có văn bản quy định việc cho mượn, thuê các lô đất bỏ hoang nên các hộ đầu tư chịu nhiều rủi ro. “Trên địa bàn phường có rất nhiều lô đất trống, bỏ hoang nhiều năm. Phường phải thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh nên khá tốn kém kinh phí. Đối với những lô đất thuộc sở hữu của nhà nước chưa triển khai các dự án, chúng tôi kiến nghị TP nghiên cứu cho phép những hộ, công ty có nhu cầu được thuê để vừa tránh ô nhiễm vừa xây dựng cảnh quan, tạo công ăn việc làm cho người địa phương… Trung tâm quản lý quỹ đất TP có thể làm việc cùng địa phương, doanh nghiệp ký kết những ràng buộc để khi lô đất bị thu hồi không gây thiệt hại cho các bên”, ông Công nói.
Trong khi đó, đại diện Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng cho biết việc quản lý các lô đất bỏ hoang thuộc thẩm quyền của các địa phương là phường, xã. Để tránh ô nhiễm môi trường, các địa phương thường linh động, tận dụng cho mượn, thuê… Hiện chưa có quy định nào về việc cho mượn, thuê đất các dự án bỏ hoang để làm nông nghiệp công nghệ cao.
Nỗi lo bất ngờ bị đòi đất cũng ám ảnh ông Lê Thanh Bình. Bởi ông là người từng phải chịu lỗ hàng trăm triệu đồng khi bất ngờ lô đất 600 m2 tại đường Đinh Công Trứ bị một doanh nghiệp đòi lại. Ông kể lô đất này bỏ hoang gây ô nhiễm suốt 10 năm qua. Thế nhưng, khi ông mới đầu tư tiền tỉ vào để làm nhà lưới, trồng rau thủy canh biến khu đất thành mảng xanh giữa phố thì bất ngờ bị doanh nghiệp… đòi lại. Tuy địa phương tạo điều kiện với mục đích dẹp được “điểm đen” môi trường, nhưng do đất thuộc doanh nghiệp nên cũng không thể kéo dài thời gian.
Rút kinh nghiệm lần trước, lần này ông Bình liên hệ với UBND phường để tìm hiểu lịch sử lô đất và được biết đây là lô thuộc sở hữu nhà nước, trong quy hoạch chưa được sử dụng vào công trình nào. “Trước mắt tạm ổn định sản xuất nhưng vẫn canh cánh nỗi lo vì không biết khi nào lô đất lại bị thu hồi. Tôi mong TP, quận có cơ chế, chính sách phù hợp để cho thuê những lô đất bỏ hoang, bãi rác làm vườn công nghệ cao tạo ra nguồn rau sạch vừa xây dựng môi trường trong lành cho TP. Chúng tôi sẵn sàng thuê nhưng chính sách cho thuê cũng cần có sự ổn định để an tâm đầu tư”, ông Bình kiến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.