Bất hợp lý quy định nhập máy móc cũ

18/03/2015 09:00 GMT+7

Hai quy định về 'thời gian sử dụng không quá 10 năm' và 'chất lượng còn lại trên 80%' trong dự thảo Thông tư 20 do Bộ KH-CN chủ trì soạn thảo lại tiếp tục nhận nhiều ý kiến phản đối của các doanh nghiệp tại 'Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện dự thảo thông tư (TT 20) quy định việc nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng' tổ chức tại TP.HCM ngày 17.3.

Hai quy định về “thời gian sử dụng không quá 10 năm” và “chất lượng còn lại trên 80%” trong dự thảo Thông tư 20 do Bộ KH-CN chủ trì soạn thảo lại tiếp tục nhận nhiều ý kiến phản đối của các doanh nghiệp tại “Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện dự thảo thông tư (TT 20) quy định việc nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng” tổ chức tại TP.HCM ngày 17.3.

Tiêu chí đối với máy móc thiết bị đã qua sử dụng dành cho ngành in còn thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn Tiêu chí đối với máy móc thiết bị đã qua sử dụng dành cho ngành in còn thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn - Ảnh: Ngọc Hải

Giúp Trung Quốc tiêu thụ máy móc giá rẻ    

Với quy định máy móc cũ được nhập phải có thời gian sử dụng không quá 10 năm, ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In VN, cho rằng đây là quy định không hợp lý bởi có một số loại máy móc, thiết bị, đặc biệt liên quan đến công nghệ thông tin, điện tử, kỹ thuật số thì niên hạn 10 năm là quá lạc hậu, trong khi những loại máy móc, thiết bị vận hành chủ yếu về cơ, do các nước có trình độ cơ khí chế tạo ở trình độ cao thì 10 hay 20 năm đều rất tốt. Lấy ví dụ với ngành in, ông Dòng cho biết: Những thiết bị, sắp chữ, dàn trang, ghi bản điện tử hoặc máy in kỹ thuật số thì chỉ sau 5 - 7 năm các cơ sở in đã muốn thanh lý, bán cũng không ai mua. Song những máy in truyền thống như in offset, in ống đồng, in flexo hoặc những máy gia công thành phẩm thì 20 năm hoặc hơn nữa dùng vẫn rất tốt nếu là các máy do Đức, Nhật Bản, Mỹ, Ý... sản xuất.

“Các loại máy này với niên hạn sử dụng 10 năm rất khó tìm mua trên thế giới trừ khi các công ty bị phá sản muốn thanh lý. Tuy nhiên, cùng loại này nhưng máy do Trung Quốc sản xuất mới 100% doanh nghiệp (DN) cũng không muốn mua vì chất lượng còn kém xa máy do các nước EU hoặc G7 sản xuất trước đó vài chục năm. Rõ ràng tiêu chí 10 năm đối với máy móc thiết bị đã qua sử dụng đối với ngành in là quá cứng nhắc, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn”, ông Dòng nhận định.

Nếu Thông tư 20 ra đời, VN là quốc gia thứ 2 trong 51 quốc gia tôi được biết đưa ra quy định này

Ông Nestor Scherbey, Trưởng ủy ban Hải quan và thuận lợi hóa thương mại của Phòng Thương mại Mỹ tại VN

Đồng quan điểm với ông Dòng, ông Trương Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP máy công cụ và thiết bị T.A.T (T.A.T), cho rằng dự thảo TT 20 của Bộ KH-CN sẽ góp phần giúp cho các công ty Trung Quốc trong việc kinh doanh máy móc, thiết bị tại VN chiếm lĩnh thị trường và đưa những DN vừa và nhỏ của VN rơi vào bẫy máy móc, thiết bị giá rẻ từ Trung Quốc. “Trong 14 năm tôi kinh doanh nhập khẩu các máy móc thiết bị từ các quốc gia phát triển như Nhật rồi xuất sang Mỹ, Hàn Quốc..., máy công cụ có tuổi 10 năm trở lại chỉ có tỷ lệ giao dịch bằng 1% trên thị trường vì chu kỳ sử dụng tối ưu có thể lên đến 30 năm, thậm chí có niên hạn 50 năm”, ông Tuấn cho biết.

Với quy định về “chất lượng còn lại từ 80% trở lên” trong dự thảo, ông Dòng khẳng định, không có chuyên gia hay cơ quan nào có thể đưa ra phương pháp để cho rằng, sản phẩm còn mới 80% một cách khoa học được. “Đây là quy định dễ tạo ra các phiền hà về thủ tục, thời gian, tiền bạc cho DN, cho xã hội và rất dễ tạo ra tiêu cực”, ông Dòng nhấn mạnh.

 VN là nước thứ 2 cấm nhập máy móc đã qua sử dụng

Đại diện Intel VN đề nghị VN nên dựa vào chỉ số HSE về sức khỏe, an toàn và môi trường như các nước phát triển đã áp dụng để giám định và không cần thêm TT 20 nữa. Đồng quan điểm này, ông Nestor Scherbey, Trưởng ủy ban Hải quan và thuận lợi hóa thương mại của Phòng Thương mại Mỹ tại VN nhận định: Những gì thể hiện trong TT 20 là đang đi ngược lại trào lưu thế giới. Trong 35 năm kinh nghiệm làm việc với 51 quốc gia, ông mới thấy duy nhất Trung Quốc là quốc gia có quy định cấm nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng. “Nếu TT 20 ra đời, VN là quốc gia thứ 2 trong 51 quốc gia tôi được biết đưa ra quy định này”, ông Scherbey nói.

Ông Nestor Scherbey cũng chia sẻ thêm: VN đang là quốc gia có nền công nghiệp còn non trẻ, để tận dụng tối ưu công nghệ từ các nước tiên tiến, đưa ra TT 20 chỉ gây thêm phiền hà và làm khó cho DN, đặc biệt khu vực DN vừa và nhỏ.

Ông Đỗ Phước Tống, Phó chủ tịch Hiệp hội Cơ khí TP.HCM, đề nghị Bộ KH-CN cần xây dựng bộ chuẩn giám định máy móc thiết bị cũ thế nào trước khi ban hành thông tư. “Nếu không có bộ chuẩn cụ thể, thông tư ra chỉ gây khó khăn cho DN mà thôi. Tôi tham quan nhiều nhà máy của các tập đoàn cơ khí lớn của Nhật, thấy rất nhiều máy móc của họ nhập từ Đức, Thụy Sĩ đã sử dụng 40 năm vẫn còn dùng. Tôi nói thẳng, một máy cũ 20 năm của Thụy Sĩ vẫn xài “sướng” hơn máy mới tinh của Trung Quốc. Như vậy, quy định 10 năm hay 20 năm có ý nghĩa gì khi chúng ta không đưa ra được chuẩn nào cả, mà tất cả rất mơ hồ”, ông Tống bức xúc.

Trước những ý kiến của các DN, ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ KH-CN, cho biết TT 20 là nhằm tránh biến VN thành bãi rác công nghiệp. Tuy nhiên, những ý kiến DN, các nhà làm luật, đại diện các hiệp hội... sẽ được trình Bộ trưởng và có ý kiến báo cáo về vấn đề này lên Chính phủ trước khi quyết định ban hành TT 20 hay không.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.