Hàng hóa vào TPHCM “oằn mình” vì phí xét nghiệm covid-19

06/07/2021 05:53 GMT+7

Chỉ riêng tiền xét nghiệm Covid-19 cho người từ TP.HCM đi các tỉnh lân cận đã khiến doanh nghiệp đưa được hàng hóa vào TP.HCM phải gánh thêm rất nhiều chi phí.

Nếu không chịu tốn phí, thì ở nhà thôi

Sáng hôm qua (5.7), trên diễn đàn chăn nuôi Đồng Nai, anh T.Q.H (ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) thông tin, anh vừa đến Bệnh viện H.Nhà Bè để làm xét nghiệm Covid-19, cả tiền khám và phí xét nghiệm hết 338.000 đồng.
Từ 6 giờ sáng nay (6.7), theo Công văn 1475 của UBND TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) hướng dẫn áp dụng Chỉ thị 07 của TP này, người dân từ TP.HCM và Đồng Nai vào TP.Dĩ An phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 3 ngày kể từ ngày có kết quả xét nghiệm. Công văn 7912 của UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu về tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch bệnh Covid-19 thì yêu cầu những người vào tỉnh này bằng đường bộ từ 12 giờ trưa ngày 5.7 phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 không quá 5 ngày kể từ ngày có kết quả xét nghiệm. Đây cũng là 2 địa phương có giao thương mua bán lượng lớn các mặt hàng nhu yếu phẩm như hải sản, thịt heo cung cấp cho thị trường lớn TP.HCM.
Kết quả ghi âm tính, nhưng có ghi chú “kết quả chỉ mang tính sàng lọc, không khẳng định”. Nếu lấy thời hạn theo quy định của Bà Rịa-Vũng Tàu là 5 ngày/giấy xét nghiệm, trong 1 tháng, người làm việc từ TP.HCM đi 2 tỉnh trên phải mất thêm 1,352 triệu đồng/4 lần xét nghiệm.
Tương tự, anh Phan V. Phương, thương lái tại khu vực miền Nam, cho biết anh cũng làm xét nghiệm Covid-19 để đi lại mua hàng từ miền Đông Nam bộ lên TP.HCM mỗi ngày. “TP.Dĩ An (Bình Dương) quy định giấy xét nghiệm chỉ 3 ngày, phí xét nghiệm tại nhiều bệnh viện huyện là 238.000 đồng, phí khám mỗi lần lấy mẫu thì mỗi nơi một giá, từ 80.000 - 100.000 đồng/lần. Như vậy, mỗi tháng cũng “bay” gần 2,5 triệu đồng. Một xe có 2 người cần xét nghiệm, 1 tháng mất thêm 5 triệu đồng. Nếu không chấp nhận tốn thì tự động nghỉ ở nhà thôi”. Tại TP.HCM, chi phí xét nghiệm nhanh tại các phòng khám tư hiện dao động từ 350.000 - 550.000 đồng/lần.

Sáng 6.7: Thêm 277 ca Covid-19, TP.HCM chiếm tới 230 ca

Chị Y Phụng, bán các loại hải sản tại chợ Tân Bình (Q.Tân Bình) cho hay để đưa được hàng từ các tỉnh vào TP.HCM tiêu thụ, người bán phải chi nhiều chi phí so với trước khi dịch bùng phát đợt này. Chẳng hạn, phí chở mỗi thùng hải sản từ Bình Thuận vào TP.HCM bằng xe khách trước là 120.000 đồng/thùng, nay lên 150.000 đồng/thùng (tăng 25%). Nhiều ngày xe quen không chạy, thuê xe lạ phí đội lên 180.000 đồng/thùng (tăng 40%). Còn vận chuyển bằng xe tải chở hàng thì 80.000 đồng/thùng, tăng 15% so với trước đây. “Hai hôm nay hàng xe khách vào cũng dừng từ ngoài ngã tư Bình Phước, phải thuê xe chuyển tiếp vào nội đô với mỗi thùng thêm 50.000 đồng phí vận chuyển nữa”, chị Phụng cho biết.
Chị Kim Anh, chủ cửa hàng đặc sản miền Trung chuyên nhập đồ hải sản tươi từ Phú Yên, Nha Trang, Đà Nẵng về TP.HCM cũng kêu trời vì gần 1 tháng qua, hàng về từ miền Trung gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển. Hầu hết các tuyến quốc lộ đều có chốt kiểm soát dịch bệnh, có một vài chốt xe hàng bị chặn lại, yêu cầu quay đầu, không cho đi. Đó là chưa tính do 2 địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế quy định người về từ TP.HCM cách ly tập trung 21 ngày, các mối lấy hàng từ Đà Nẵng phải tạm ngưng hẳn. Các đơn hàng trước có thể về tới TP.HCM từ sáng sớm, nay nhiều bữa chậm hơn nửa ngày, có khi tới chiều, tối mới có hàng về.

Thợ hồ, công nhân quay đầu xe ở cửa ngõ Đồng Nai vì chưa xét nghiệm Covid-19

Đi chưa tới, giấy xét nghiệm đã hết hạn

Trước đó, loạt các tỉnh thành từ bắc vào nam đều có quy định người từ TP.HCM đến phải có giấy xét nghiệm âm tính có giá trị trong 3 ngày kể từ ngày có kết quả. Trớ trêu là nhiều doanh nghiệp chở hàng ra tận miền Bắc với quá nhiều trạm thực hiện kiểm tra y tế... thời gian đi đường kéo dài hơn 3 ngày, xe đến nơi, nhưng tài xế không thể đưa hàng vào tỉnh được vì giấy xét nghiệm vừa... hết hạn.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), chia sẻ khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là hàng hóa đang phải đội thêm phần chi phí kinh khủng từ việc chấp hành các quy định chống dịch. Cụ thể là chi phí xét nghiệm cho các tài xế, công nhân tại kho hàng. Nếu xét nghiệm đầy đủ PCR, chi phí hơn 800.000 đồng/lần, xét nghiệm nhanh thì chi phí bình quân hơn 200.000 đồng. Cái khó là các tỉnh, thành đều đưa ra quy định giấy xét nghiệm chỉ có hiệu lực trong 3 ngày, tức là người lao động phải xét nghiệm liên tục. Hiện đội ngũ nhân viên trong kho của Co.op khoảng 1.000 người, chia thành 2 ca, mỗi ca 500 người, cứ 3 ngày xét nghiệm 1 lần, mỗi người 800.000 đồng, tính ra gánh nặng chi phí quá lớn. Chưa kể, với việc kiểm soát chặt của các chốt chặn trên đường di chuyển, chất lượng hàng hóa cũng bị ảnh hưởng nhiều. Đơn cử, trước đây 1 lô hàng di chuyển từ kho trung tâm mất 8 giờ đồng hồ có thể lên tới kho Co.op tại TP.HCM, nay kéo dài đến cả ngày, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hàng hóa, làm tăng chi phí khấu hao.
“Chúng tôi đang làm việc với UBND tỉnh Bình Dương - nơi có kho trung tâm để có những giải pháp nhanh cho Saigon Co.op, đồng thời đề xuất với các địa phương cùng san sẻ, bàn giải pháp để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng”, vị này thông tin.
Dẫn câu chuyện một tài xế vừa tiêm vắc xin phòng Covid-19 xong, vừa mua vé tháng, vé quý tại các trạm thu phí, thì khu nhà trọ bị phong tỏa nên phải nghỉ ở nhà gánh chi phí, ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh, thở dài: Chi phí đầu vào của các xe hàng hiện tăng rất nhiều. Phí trung tâm xét nghiệm khoảng 300.000 - 400.000 đồng/người/lần, nhưng nhà xe không phải chỉ mất thêm khoản đó. Tài xế muốn xét nghiệm phải dừng xe vào bãi, sau đó đi tới các trung tâm xét nghiệm, xếp hàng, đóng phí và chờ đợi lấy mẫu, chờ đợi kết quả. Các trung tâm xét nghiệm hiện nay hầu như luôn trong tình trạng đông đúc, nên thời gian cho tờ giấy thông hành phải mất 1 ngày, tức phải trả thêm 1 ngày công cho tài xế. Cộng thêm tiền đậu, đỗ xe dừng hoạt động, nếu tính đúng, tính đủ, chi phí cố định cho 1 xe phải mất thêm từ 1 - 1,5 triệu đồng cho 1 lượt lái xe đi xét nghiệm. Không chỉ tốn thời gian của tài xế mà việc xếp hàng tại các khu xét nghiệm còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Trong khi đó, quy định của mỗi tỉnh, thành lại khác nhau, chưa thống nhất. Nơi cho phép giấy xét nghiệm có thời hạn 7 ngày, nơi thì 5 ngày, có tỉnh thành chỉ cho giá trị trong vòng 3 ngày. Thậm chí, một số nhà máy còn ra yêu cầu riêng, quy định tài xế phải có giấy xét nghiệm giá trị trong vòng 3 ngày và phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin mới được vào lấy hàng, thật sự rất khó khăn cho các doanh nghiệp.
“Chính phủ nên đưa ra quy định, điều kiện áp dụng chung. Chống dịch là cần thiết nhưng cứ mỗi nơi một quy định như hiện nay thì rất khó để tránh khỏi đứt gãy chuỗi sản xuất”, ông Lâm Đại Vinh kiến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.