Báo Mỹ: Các công ty sữa VN đang phải đổi chiến thuật để sinh tồn thời TPP

29/12/2015 19:46 GMT+7

Các hãng sữa ăn nên làm ra tại Việt Nam đang đầu tư mạnh tay vào thị trường mới trong bối cảnh sắp phải cạnh tranh khốc liệt ngay tại sân nhà với những tập đoàn quốc tế khổng lồ thời TPP.

Các hãng sữa ăn nên làm ra tại Việt Nam đang đầu tư mạnh tay vào thị trường mới trong bối cảnh sắp phải cạnh tranh khốc liệt ngay tại sân nhà với những tập đoàn quốc tế khổng lồ thời TPP.

Bò sữa được nuôi tại một trang trại ở Mộc Châu - Ảnh: ReutersBò sữa được nuôi tại một trang trại ở Mộc Châu - Ảnh: Reuters
Trong bài viết đăng tải ngày 29.12, Reuters cho biết lượng sữa tiêu thụ tại Việt Nam tăng vọt do sức chi tiêu của người dân gia tăng. Lợi nhuận của doanh nghiệp sữa Việt Nam nhờ đó cũng đang tăng chóng mặt, nhưng các doanh nghiệp này cũng mới chỉ đáp ứng 1/3 sức tiêu thụ sữa nội địa.
Reuters cho biết các tập đoàn bơ sữa hàng đầu thế giới như Fonterra (New Zealand) hay Saputo (Canana) có thể lấp vào khoảng trống còn lại bằng những sản phẩm mới với giá phải chăng, nhờ Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã có hiệu lực.
TPP giúp gỡ bỏ hàng rào thuế quan của 12 quốc gia thành viên, vốn chiếm đến 40% tỉ trọng kinh tế toàn cầu. Gần 3/4 lượng bơ sữa nhập khẩu tại Việt Nam đến từ những nước này.
Hiệp định thương mại tự do này sẽ giúp làm tăng sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam, nhưng sự cạnh tranh từ các tập đoàn nước ngoài sau khi TPP có hiệu lực có thể sẽ “giáng một đòn nặng vào khối doanh nghiệp trong nước, vốn có nguồn vốn ít ỏi, yếu kém kinh nghiệm và chưa đủ sức cạnh tranh”, theo Reuters.
Nhận thấy sắp phải cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp sữa Việt Nam đang tìm cách mỏ rộng kinh doanh ra nước ngoài và cố gắng tận dụng các mối làm ăn nằm ngoài TPP, hoặc cố tìm các thị trường nhỏ ngay tại sân nhà nhằm thoát khỏi những thách thức mà hiệp định mang lại.
“TPP chắc chắn là một thách thức, khi nhiều nhà đầu tư lớn tham gia thị trường, thuế bị gỡ bỏ… nhưng chúng tôi đã chuẩn bị trong 5 năm qua”, Reuters dẫn lời ông Hoàng Công Trang, Phó chủ tịch của tập đoàn TH Group.
Ngoài việc đầu tư 1,2 tỉ USD vào các dự án trong nước, TH mới đây đã công bố khoản đầu tư trị giá 2,7 tỉ USD vào dự án xây dựng trang trại bò sữa, các nhà máy sữa, cũng như các kênh phân phối tại Nga, nơi đang bị thiếu hụt bơ sữa và đang gặp nhiều khó khăn vì lệnh cấm vận của phương Tây.
“Thị trường Việt Nam rất giàu tiềm năng và thị trường Nga cũng vậy”, ông Trang cho hay. Theo ước tính, ngành sữa Việt Nam có trị giá lên đến 2,8 tỉ USD trong năm 2013 và có thể con số này đã tăng lên mức 4,1 tỉ USD trong năm nay.
Vinamilk, công ty niêm yết lớn nhất Việt Nam tính theo giá trị vốn hóa, cũng đang tìm cách mở rộng ra hải ngoại, với khoản đầu tư ban đầu 30 triệu USD vào Mỹ, New Zealand và Campuchia, cùng 3 triệu USD vào Ba Lan. Mục tiêu của tập đoàn là muốn dùng các thị trường này làm cửa ngõ để sang châu Âu, khối cũng đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Một doanh nghiệp hàng đầu khác của Việt Nam là Hoàng Anh Gia Lai cũng đã sẵn sàng cung ứng cho nhu cầu thịt sữa trong nước. Hoàng Anh Gia Lai đã tăng vốn cho công ty con chuyên về nông nghiệp HAGL Agrico lên hơn 1 tỉ USD, lớn hơn cả công ty mẹ. Dự kiến mảng chăn nuôi bò sẽ đem về hơn phân nửa tổng doanh thu của tập đoàn này trong năm 2015.
Những doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn cũng đã chuyển đổi chiến lược kinh doanh, chuyển sang thành lập các hợp tác xã sữa tươi, mô hình từng rất thành công tại New Zealand.
“Doanh nghiệp ngoại phải đối mặt với chi phí vận chuyển và bảo quản cao ngất tại Việt Nam. Do đó, tôi hoàn toàn tin mình thể cạnh tranh về mặt hàng sữa tươi”, ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT Công ty sữa Mộc Châu, cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.