Bảo Lộc - đô thị dịch vụ công nghiệp với bản sắc riêng

03/07/2019 15:30 GMT+7

Gần 10 năm được nâng cấp từ thị xã lên thành phố, Bảo Lộc cũng đã chuyển mình trong kinh tế, văn hóa, công nghiệp và hình thành một đô thị trẻ với chỉ dấu văn minh nhưng lại có chiều sâu về văn hóa.

Đô thị công nghiệp sở hữu chiều sâu văn hóa

Nhắc đến Bảo Lộc, trà được đánh giá là loại cây công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần cải thiện cuộc sống người dân, nhiều hộ dân nơi đây đã khá lên nhờ cây trà. Hiện Bảo Lộc có gần 8.000 ha trà, sản lượng mỗi năm trên 20.000 tấn trà khô thành phẩm, mang lại giá trị 345 tỉ đồng.
Ngoài trà, địa phương này cũng đang định hình là một “thủ phủ” về tơ lụa của Việt Nam. Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 5.000 ha dâu tằm, trong đó thành phố Bảo Lộc có khoảng 500 ha với sản lượng lá dâu trung bình đạt khoảng 5.000 tấn/năm, hướng đến năm 2020 diện tích dâu tằm sẽ ổn định từ 500-600 ha.
Nghị quyết số 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã xác định Bảo Lộc là đô thị công nghiệp của tỉnh. Từ đó, TP Bảo Lộc đã có quy hoạch và định hướng chiến lược phát triển công nghiệp; quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp (Lộc Sơn, Lộc Phát, Lộc Tiến, Đại Lào, Lộc Thắng,…).
Đến nay, Khu công nghiệp Lộc Sơn đã hoàn thiện có quy mô hơn 200 ha, đã thu hút các DN đầu tư 27 dự án (đã cấp giấy chứng nhận còn hiệu lực), với tổng vốn đăng ký là 1.781 tỉ đồng và 25 triệu USD.
Ngay sau khi Khu công nghiệp Lộc Sơn đi vào hoạt động, thông qua Quyết định số 1217/QĐ thành lập Cụm công nghiệp dịch vụ Lộc Phát, với quy mô diện tích 37,4 ha; tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là 143,5 tỉ đồng. Đây là cụm công nghiệp đa ngành; trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư các ngành xe sợi tơ tằm, may mặc, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin…
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, phải xác định đúng hình thái kiến trúc và các công cụ quản lý đô thị hữu hiệu mới có thể phát huy tiềm năng của Bảo Lộc. Cũng như, nhận diện được bản sắc đô thị của Bảo Lộc mới có thể thúc đẩy sự phát triển toàn vùng thông qua các yếu tố đặc trưng của địa phương cũng như chiến lược khai thác các tiềm năng để chuyển thành những động lực phát triển kinh tế và phát triển đô thị. Bảo Lộc trở thành trung tâm dịch vụ công nghiệp hấp dẫn nhà đầu tư hơn là một đô thị công nghiệp sản xuất thuần túy.

Hơi thở hiện đại từ các nhà đầu tư mới

Quan điểm cho thời kỳ xây dựng mới Bảo Lộc đó là, phát triển nhanh lên đô thị loại 2 vào năm 2020, hoàn thiện hệ thống hạ tầng hiện đại, bảo tồn và khai thác cảnh quan thiên nhiên, mở rộng ranh giới đô thị đáp ứng nhu cầu phát triển; tạo dựng các khu chức năng quan trọng với cấu trúc đô thị và kiến trúc công trình hiện đại. Đó là cơ sở để các nhà đầu tư nhìn nhận tiềm năng và thổi “hơi thở thời đại” vào thành phố này bằng những dự án mới.
Đến nay hạ tầng giao thông, công nghiệp, hạ tầng xã hội ở Bảo Lộc đã hoàn thiện, việc kết nối với các khu vực khác đã trở nên thuận tiện hơn. Trong đó, quan trọng nhất là củng cố được niềm tin của nhà đầu tư để họ mạnh dạn tiếp tục có thêm nhiều dự án đầu tư vào đây.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển, địa phương này hướng tới quy hoạch tổng thể không gian đô thị và phân khu chức năng. Cùng với các khu dân cư hiện hữu, Bảo Lộc sẽ quy hoạch các khu đô thị mới về hướng Nam, dọc sông Đại Bình. Trung tâm dịch vụ được bố trí ở khu vực giao lộ quốc lộ 20 và quốc lộ 55.
Thành phố Bảo Lộc vươn mình mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực

Thành phố Bảo Lộc vươn mình mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực

Những chuyển biến dễ nhận thấy nhất là các trung tâm thương mại đi vào hoạt động, hạ tầng đô thị được chỉnh trang. Tiếp đó các tiện ích từ vui chơi, giải trí, văn hóa, giáo dục, y tế cũng được chú trọng đầu tư mạnh mẽ giúp TP Bảo Lộc ngày càng văn minh, hiện đại. Khi các hạ tầng xã hội được hoàn thiện sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho giá đất tại đây ngày càng tăng.
Đến thời điểm này thành phố Bảo Lộc thu hút 112 dự án đầu tư ngoài ngân sách vào các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, thể thao với tổng vốn đăng ký trên 8.250 tỉ đồng, 46 triệu đô la, diện tích đất sử dụng gần 1.200 ha, thu hút nhiều “ông lớn” ở các ngành nghề dịch vụ thương mại, sản xuất. Trong đó, 66 dự án đi vào hoạt động, số dự án còn lại đang triển khai, thực hiện; ngoài ra thành phố hiện có 18 dự án nằm trong danh mục mời gọi đầu tư đã được phê duyệt, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ - thương mại, nông nghiệp, đầu tư hạ tầng và khu dân cư.
Có thể khẳng định, hoạt động của các dự án trên địa bàn thành phố thời gian qua đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo ra sản phẩm mới, tăng giá trị hàng hóa. Với tiềm năng sẵn có, nguồn vốn đầu tư mới Bảo Lộc đang dần định hình được bản sắc của đô thị trẻ nhưng có chiều sâu về văn hóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.