Bao giờ mới kiểm soát khí thải xe máy?

02/04/2019 06:46 GMT+7

Chính phủ đã quyết định nâng mức tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô, nhưng xe máy - chiếm hơn 80% lượng khí thải từ phương tiện cơ giới đối với môi trường - vẫn vô tư ngoài vòng kiểm soát.

“Tắc” vì chờ sửa luật

Thực tế, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án kiểm soát khí thải xe máy do Bộ GTVT trình với mục tiêu tới năm 2015 kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải 80 - 90% xe máy ở Hà Nội, TP.HCM, và mở rộng cho 60% xe máy tại các TP loại 1, 2.
Cần chính sách hỗ trợ để người dân thấy họ được hưởng lợi về cả kinh tế, sức khỏe, đời sống từ việc hạn chế sử dụng xe máy
TS Phạm Xuân Mai
Nhưng đến nay, các cấp có thẩm quyền vẫn chưa ban hành lộ trình áp dụng và thực hiện quản lý cụ thể. Trước sự gia tăng “chóng mặt” của xe máy, các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội đều “sốt ruột”, liên tục gửi văn bản thúc giục Bộ GTVT sớm trình Chính phủ ban hành quy định về kiểm tra khí thải đối với xe mô tô đang lưu hành và trong trường hợp chưa thể ban hành quy định áp dụng trên cả nước, địa phương mong được Bộ hướng dẫn thủ tục để có thể thực hiện thí điểm.
Thế nhưng, tháng 10.2017, trong văn bản trả lời đề xuất của UBND TP.Hà Nội về việc ban hành quy định quản lý, thu hồi đối với xe mô tô, xe gắn máy không đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu quy định về áp dụng tiêu chuẩn, kiểm định khí thải đối với mô tô, xe gắn máy trong quá trình xây dựng luật sửa đổi, bổ sung luật Giao thông đường bộ. Trên cơ sở đó mới đưa ra lộ trình để triển khai đồng bộ trên cả nước.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, cho biết đơn vị này đã cho lấy ý kiến Sở TN-MT đề xuất UBND TP xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe gắn máy và triển khai thu phí ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. “Nếu được Thủ tướng đồng ý, đề án có thể được triển khai trong năm nay; nhưng sau khi Bộ GTVT gửi lại văn bản ý kiến của Phó thủ tướng về đề xuất của UBND TP.Hà Nội, Sở GTVT đành tạm gác lại đề án này để chờ sửa luật”, ông Hải nói.

Không thể mãi sợ “động” vào xe máy

Theo Sở GTVT TP.HCM, tính đến 1.3.2018, TP có gần 7,5 triệu mô tô, trung bình 1,5 người có 1 mô tô. Con số từ các cơ quan kiểm soát và nghiên cứu môi trường TP cho biết mô tô lưu thông thải ra 94% hydro carbon, 87% carbon, 57% ôxit nitơ trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Với tốc độ tăng mô tô trên địa bàn 10 - 15%/năm và vẫn chạy với chuẩn EURO 2 (mức gây ô nhiễm môi trường nặng nề) từ hàng chục năm qua, lượng xe mô tô tăng kéo theo lượng khí phát thải chắc chắn sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới.
Xe máy được nhận định là nguồn phát thải lớn nhất trong các phương tiện cơ giới hiện nay, đồng thời là nguyên nhân chính gây ách tắc giao thông tại TP.HCM và Hà Nội. Thế nhưng đã nhiều năm nay, các chính sách “động” tới xe máy đều vấp phải sự phản ứng của đa số người dân, thất bại ngay từ đề án do đây là phương tiện liên quan đến nhiều tầng lớp xã hội, vấn đề kiểm soát rất nhạy cảm, phức tạp.
TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Đại học Bách khoa TP.HCM, đánh giá hiện số lượng xe gắn máy mới không nhiều, chủ yếu là xe cũ do những người có thu nhập thấp sử dụng để di chuyển mưu sinh hằng ngày. Việc kiểm soát sẽ làm phát sinh nhiều chi phí, tạo gánh nặng cho người dân. Đây cũng chính là lý do khiến các bộ, ban ngành chần chừ đưa ra quy định kiểm soát mức khí thải đối với xe máy. Tuy nhiên theo ông, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho TP.HCM và Hà Nội xây dựng đề án hạn chế xe cá nhân, trong đó có xe máy và việc kiểm soát khí thải là một trong những giải pháp chắc chắn phải có. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để triển khai các chính sách nhằm kiểm soát, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực mà xe máy gây ra đối với môi trường và giao thông.
“Cần chính sách hỗ trợ để người dân thấy họ được hưởng lợi về cả kinh tế, sức khỏe, đời sống từ việc hạn chế sử dụng xe gắn máy. Cụ thể, có thể mua lại xe cũ, miễn phí sử dụng phương tiện công cộng 1 - 2 năm, vừa giúp họ có thời gian chuyển đổi nghề nghiệp, vừa khuyến khích phát triển giao thông công cộng”, TS Phạm Xuân Mai đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.