Băn khoăn mua bảo hiểm người vay vốn

23/09/2015 07:05 GMT+7

Dạo một vòng các điểm giao dịch ngân hàng tại Hà Nội, phần lớn các khách hàng được hỏi về sản phẩm bảo hiểm người vay vốn đều tỏ ra ngập ngừng.

Dạo một vòng các điểm giao dịch ngân hàng tại Hà Nội, phần lớn các khách hàng được hỏi về sản phẩm bảo hiểm người vay vốn đều tỏ ra ngập ngừng.

BIC là đơn vị đang triển khai kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) - Ảnh: BICBIC là đơn vị đang triển khai kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) - Ảnh: BIC
Sản phẩm bảo hiểm người vay vốn là sản phẩm dành cho khách hàng tham gia vay vốn tại ngân hàng. Theo đó, khi khách hàng có các biến cố, rủi ro về tính mạng và sức khỏe, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay, công ty bảo hiểm sẽ thay thế người được bảo hiểm (người vay tiền) trả toàn bộ số tiền nợ còn thiếu ngân hàng tại thời điểm đó.
Hiện nay, phí bảo hiểm dành cho người vay vốn dao động từ 0,25 - 1% giá trị khoản vay. Đối với các khoản vay lớn, vay nhiều năm, rõ ràng, đây cũng là một khoản chi phí không hề nhỏ đối với khách hàng.
Tuy nhiên, nói đi cũng cần phải nói lại, việc nên hay không nên mua bảo hiểm cho người vay vốn không nên chỉ nhìn vào chi phí tuyệt đối cao hay thấp mà còn cần phân tích kỹ hơn về các yếu tố liên quan.
Theo nguyên tắc cho vay tại các ngân hàng, nếu có tài sản đảm bảo, khi khách hàng vay vốn không may gặp rủi ro liên quan đến sức khỏe, tính mạng dẫn đến mất khả năng trả nợ, ngân hàng sẽ phát mại tài sản trừ trường hợp có người thân trả nợ thay. Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, người đi vay luôn muốn để lại tài sản cho vợ, chồng, con cái mà không muốn bị ngân hàng phát mại; mặt khác cũng không muốn thấy người thân phải trả nợ thay. Để làm được điều đó, người đi vay không có cách nào khác là tham gia bảo hiểm cho người vay vốn. Ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển, việc tham gia bảo hiểm này là một yêu cầu bắt buộc trong hoạt động tín dụng.
Trao đổi với Tổng công ty bảo hiểm BIDV (BIC), công ty bảo hiểm đang dẫn đầu thị trường trong việc triển khai kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance), đại diện công ty này cho biết, đúng là vẫn có những khách hàng cảm thấy băn khoăn khi tham gia sản phẩm bảo hiểm người vay vốn, bởi nhìn bề ngoài thì khoản chi phí này không đem lại giá trị thực tế gì cho khách hàng. Khoản chi phí này chỉ phát huy tác dụng khi khách hàng không may tử vong hay thương tật vĩnh viễn dẫn đến mất khả năng trả nợ. Mà rõ ràng thì điều này, không có ai mong đợi và muốn đề cập đến. Tuy nhiên, không đề cập cũng không có nghĩa là những rủi ro sẽ không bao giờ xảy ra. Trường hợp rủi ro xảy ra, gánh nặng trả nợ của khách hàng sẽ rất lớn.
Vị đại diện này phân tích thêm, phí bảo hiểm cho người vay vốn nếu vay nhiều năm và phải thanh toán 1 lần thì có thể là một số tiền đáng kể; tuy nhiên, nếu làm một bài toán phân bổ cho từng tháng, chi phí sẽ không đáng bao nhiêu. Hiện tại, nhiều công ty bảo hiểm cho khách hàng thanh toán hằng năm hoặc hằng tháng, số phí bảo hiểm đóng từng kỳ như vậy sẽ rất phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng.
Theo ghi nhận tại BIC, số lượng khách hàng tham gia bảo hiểm người vay vốn tại công ty đang ngày một gia tăng. Nhiều trường hợp, khách hàng còn chủ động yêu cầu cán bộ ngân hàng tư vấn về sản phẩm này. Kể từ năm 2010 đến nay, BIC đã xử lý hơn 600 hồ sơ bồi thường của các sản phẩm bảo hiểm dành cho người vay vốn, trong đó vụ lớn nhất lên tới 4 tỉ đồng. Đặc biệt, đối với các trường hợp ngoài phạm vi chi trả, BIC cũng có chính sách hỗ trợ nhân đạo cho khách hàng với số tiền từ 10 - 100 triệu đồng tùy trường hợp thực tế.
Để kết thúc bài viết, chắc hẳn, bạn đọc đều đã có những ý kiến riêng đối với việc nên hay không nên mua bảo hiểm cho người vay vốn. Mặc dù vậy, tác giả thiết nghĩ, một sản phẩm bảo hiểm đã tồn tại rất lâu trên thế giới và đem lại những giá trị được nhiều người công nhận, chắc hẳn sẽ không phải là một giải pháp tồi trong việc phòng ngừa và quản lý rủi ro cho chính khách hàng cũng như ngân hàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.