Bài toán khó cao tốc Bắc - Nam: Bộ GTVT có làm chủ được 'cuộc chơi'?

14/08/2019 07:47 GMT+7

Sau vòng sơ tuyển đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc - Nam, quyền chủ động cuộc chơi vẫn nằm trong tay Bộ GTVT khi được quyết định các tiêu chí của bài thầu và đàm phán hợp đồng PPP.

Không thể “xóa bài chơi lại” hay hạ tiêu chí thầu để ưu ái hơn cho doanh nghiệp nội, nhưng quyền chủ động cuộc chơi vẫn nằm trong tay Bộ GTVT khi được quyết định các tiêu chí của bài thầu và đàm phán hợp đồng PPP sau vòng sơ tuyển đấu thầu quốc tế dự án cao tốc Bắc - Nam.

Loại nhà đầu tư “dính vết”

Kỹ sư Vũ Thắng, nguyên Phó giám đốc Phân viện Thiết kế tổng hợp Sở GTVT TP.HCM, đánh giá việc giải bài toán về tiêu chí bài thầu cho dự án cao tốc Bắc - Nam, làm sao để vừa đảm bảo chất lượng dự án, vừa có thể tạo cơ hội cho doanh nghiệp (DN) trong nước, đồng thời hạn chế rủi ro nhiều dự án rơi vào tay các liên danh nhà đầu tư Trung Quốc, là rất nan giải.
Đa số các dự án giao thông hiện nay đều chậm tiến độ, đội vốn, nguyên nhân một phần do hợp đồng không chặt, nhưng phần khác do chúng ta quản lý, kiểm soát không hiệu quả
PGS-TS Trần Chủng
Theo ông Thắng, đã đấu thầu quốc tế công khai thì không thể có sự ưu tiên hoặc lựa chọn “chơi” với nước này, không “chơi” với nước kia. Các DN trong nước không đủ điều kiện thì cần nỗ lực vươn lên hoặc liên kết với nhau để giành thị trường, không thể vì năng lực kém hơn mà đòi hỏi hạ tiêu chí bài thầu. Đã đi tìm nguồn vốn, nơi nào đáp ứng đầy đủ tiêu chí thì phải chọn. Chỉ có thể lấy tiêu chuẩn chất lượng và giá thành để ràng buộc nhà thầu cũng như đảm bảo phía nhà đầu tư.
“Cần nêu cao chất lượng, giá thành và điều kiện bảo hành trong bài thầu để chọn được nhà thầu tốt. Thực tế thị trường VN có nhiều DN giỏi nhưng lại không thấy tham gia đấu thầu. Bản thân các DN Hàn Quốc, Nhật, Mỹ... cũng không mấy mặn mà. Họ không nhiệt tình thì vị thế trong cuộc đấu thầu cũng không thể cao, nguy cơ các dự án rơi vào tay DN Trung Quốc là không thể tránh khỏi. Chính phủ, Bộ GTVT có thể xem xét lại yếu tố hấp dẫn của dự án để thu hút thêm các nhà đầu tư uy tín khác”, ông Thắng đề xuất.
Ông Phạm Đại Hải, Giám đốc Phân viện Kinh tế xây dựng miền Nam, khẳng định việc loại nhà đầu tư khỏi cuộc chơi vì các lý do như đã từng “dính vết” tại các dự án chậm tiến độ, chất lượng thực hiện kém, đội vốn... phải căn cứ vào luật. Đồng thời, trong tiêu chí bài thầu dự án cao tốc Bắc - Nam phải nêu rõ các nhà đầu tư này khi tham gia đấu thầu sẽ bị trừ điểm tín nhiệm hoặc bị loại, khi đó mới có thể hạn chế. Về nguyên tắc khi đấu thầu quốc tế, DN nội khi tham gia đấu thầu trực tiếp hoặc liên danh sẽ được cộng điểm ưu tiên. Chỉ có thể tối đa ưu tiên cho DN trong nước bằng tiêu chí này, không thể thiên vị hay đối xử phân biệt giữa các nhà thầu khi đã tham gia đấu thầu quốc tế trên cùng mặt bằng chung.

Làm chặt bài thầu và hợp đồng PPP

Theo PGS-TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), khi thực hiện đấu thầu quốc tế với các dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đã tham vấn các tổ chức tư vấn quốc tế và thực hiện đúng luật. Tuy nhiên, sau dự án này, Bộ GTVT cần rút kinh nghiệm với các dự án mang tính chất trọng yếu, vừa có yếu tố kinh tế lẫn an ninh quốc phòng, hoàn toàn có thể không đấu thầu quốc tế, chỉ cần đấu thầu trong nước mà không vi phạm thông lệ quốc tế. Các nước cũng sử dụng những hàng rào kỹ thuật như thế để giới hạn với các dự án quan trọng.
Cũng theo PGS-TS Trần Chủng, thời điểm này khi việc đấu thầu quốc tế dự án cao tốc Bắc - Nam đã được ấn định “không thể xóa bài chơi lại”, thì việc quan trọng là các DN trong nước chuẩn bị lực lượng như thế nào để đáp ứng được các tiêu chí bài thầu và thắng thầu. Cụ thể, với các tiêu chí vòng sơ tuyển, theo ông Chủng, tỷ lệ 60% dành cho điểm tài chính và chỉ 40% dành cho năng lực kinh nghiệm và tổ chức là thiệt thòi cho các DN trong nước. Nhưng hội đồng chấm thầu hoàn toàn có thể xem xét dựa trên yếu tố về năng lực tổ chức của các DN trong nước để tạo cơ hội cho DN nội.
“Nhiều dự án chúng ta chưa hề có kinh nghiệm như dự án Landmark 81 tầng, nhà đầu tư nội, nhà thầu nội hoàn toàn thi công được khi học hỏi và lựa chọn công nghệ tiên tiến nhất. Các dự án hầm xuyên núi của chúng ta cũng cho thấy sự trưởng thành rất nhanh của các DN trong nước khi làm chủ các công nghệ hoàn toàn mới. Đây chính là năng lực kinh nghiệm, tổ chức chứ không chỉ là định lượng qua tiêu chí “đã từng làm các dự án có mức đầu tư tương đương 50% dự án đấu thầu”, ông Chủng nói.
PSG-TS Trần Chủng đề xuất 2 vấn đề quan trọng mà Bộ GTVT cần lưu ý sau vòng sơ tuyển: thứ nhất là thương thảo xây dựng hợp đồng hợp tác công - tư (PPP), phải có các điều khoản chặt chẽ, dựa trên cơ sở hiểu biết luật pháp VN, luật pháp quốc tế. Đặc biệt phải nắm vững các vấn đề kỹ thuật để nhận dạng các nguy cơ rủi ro phát sinh sau khi thực hiện hợp đồng. Bởi nhiều tranh chấp hợp đồng phát sinh gần đây khi nhà đầu tư, nhà thầu nước ngoài kiện phía VN vi phạm hợp đồng, đa phần đều xuất phát từ việc xây dựng hợp đồng quá sơ sài, điều khoản lỏng lẻo.
Thứ hai, phải có cơ chế và đội ngũ giám sát, kiểm soát tốt, nghiêm túc và chặt chẽ, loại bỏ nhà đầu tư yếu kém, đấu thầu một đằng nhưng thực hiện một nẻo. “Đa số các dự án giao thông hiện nay đều chậm tiến độ, đội vốn, nguyên nhân một phần do hợp đồng không chặt, nhưng phần khác do chúng ta quản lý, kiểm soát không hiệu quả”, ông Chủng nói.
Theo PGS-TS Trần Chủng, dự án cao tốc Bắc - Nam lưu thông dọc chiều dài hai miền đất nước, nên hợp đồng phải có những điều khoản ràng buộc chặt chẽ. Ví dụ như nhà đầu tư nước ngoài được thu phí nhưng không được tự ý đóng cửa trạm thu phí, đây là thẩm quyền của cơ quan chức năng. Các điều khoản phải tham chiếu cả hợp đồng quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế nhưng khẳng định chủ quyền quốc gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.