Ba nền kinh tế lớn kết thúc tồi tệ trong năm 2016

29/12/2016 09:00 GMT+7

Ba trong số 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới kết thúc năm 2016 trong trạng thái tệ hơn lúc bắt đầu. Hai cuộc trưng cầu dân ý và một đợt đổi tiền là lý do khiến họ chật vật.

Theo CNN, ba nền kinh tế nói trên là Anh, Ấn Độ và Ý.
Anh
Sự kiện gây sốc đầu tiên đến vào ngày 23.6, khi cử tri Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý. Brexit tác động ngay tức thì lên các thị trường toàn cầu, khiến cổ phiếu lao dốc.
Chứng khoán nhanh chóng hồi phục sau đó nhưng kẻ bại lớn nhất là tiền tệ Anh. Bảng Anh (GBP) hạ xuống mức thấp nhất trong hơn 30 năm so với đô la Mỹ. Đồng tiền sau đó ổn định nhưng vẫn mất 18% giá trị, đẩy cao giá cả hàng hóa thường ngày. Do đó, lạm phát Anh sẽ tăng trong năm sau.
Yếu tố nguy hiểm hơn cho kinh tế Anh là sự thiếu chắc chắn nước này phải đối mặt khi “chia tay” đối tác thương mại lớn nhất và mối đe dọa nhiều doanh nghiệp có thể chuyển hoạt động ra nước ngoài. Anh từng là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khối G7 nhưng tốc độ này có thể hạ xuống mức thấp nhất trong bảy năm vào năm 2017.
Ấn Độ
Tuyên bố loại bỏ giấy bạc 500 và 1.000 rupee để thay thế bằng tiền giấy mệnh giá 500 và 2.000 rupee mới mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố hôm 8.11 là cú sốc, kích hoạt sự hỗn loạn với việc hàng triệu người chật vật để đổi tiền. Nhiều doanh nghiệp chịu cảnh khủng hoảng tiền mặt và nền kinh tế đang bay cao của nước này cũng bị ảnh hưởng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,3% của Ấn Độ được dự báo sẽ hạ đáng kể. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cắt giảm 0,5% dự báo tăng trưởng trong năm tài chính hiện thời. Giới phân tích cho rằng thiệt hại có thể lớn hơn thế.
Chính phủ Ấn Độ cho biết lệnh cấm giấy bạc rupee mệnh giá cũ được đưa ra để chống trốn thuế và tiền giả, giúp ích cho đất nước trong dài hạn. Song hiện nay, nhiều ý kiến nghi ngờ liệu khó khăn mà đất nước đang trải qua có đáng để đạt được mục đích trên hay không.
Ý
Ngày 4.12, người Ý bỏ phiếu không đồng ý với các cải cách hiến pháp mà Thủ tướng Ý Matteo Renzi đề xuất. Những cải cách này nhắm đến mục tiêu kết thúc bế tắc chính trị và phục hồi nền kinh tế trì trệ của Ý.
Ông Renzi từ chức một ngày sau đó. Bất ổn chính trị và kinh tế tiếp đến gây khó cho ngân hàng lâu đời nhất thế giới Monte dei Paschi di Siena vì nhiều nhà đầu tư lo lắng từ chối bơm 5 tỉ USD - số tiền mà nhà băng rất cần để sống tiếp.
Chính phủ Ý bị buộc phải bước vào giải cứu bằng tiền được trích từ gói cứu trợ 21 tỉ USD, vốn sẽ chất thêm vào núi nợ khổng lồ 2.340 tỉ USD của đất nước. Các nhà băng Ý là một chuỗi những cơn đau đầu. Mối đe dọa về một cuộc bầu cử sớm đã nhạt nhưng chưa biến mất. Nếu điều này xảy ra, các đảng dân túy và đảng cánh hữu có thể kéo theo một làn sóng bất bình trong lòng dân ở châu Âu.
Theo giới phân tích, những rủi ro chính trị ở châu Âu đang gia tăng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.