Argentina sai lầm khi áp mức thuế 35% như ông Donald Trump đề nghị

22/12/2016 13:06 GMT+7

Khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cảnh báo sẽ áp thuế cao với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, Trung Quốc để bảo vệ công ăn việc làm ở Mỹ, ông có thể muốn lưu ý đến kinh nghiệm “cay đắng” từ Argentina.

Theo CNN, năm 2009, Argentina áp thuế 35% lên máy tính để bàn, máy tính bảng và các thiết bị điện tử khác để bảo vệ người lao động trong lĩnh vực sản xuất của nước này. Đây là mức thuế ngang với ngưỡng mà ông Donald Trump muốn áp dụng tại Mỹ. Giới chuyên gia từng cảnh báo rằng áp thuế 35% có thể khiến hàng hóa nhập khẩu, từ ô tô cho đến quần áo, đắt đỏ hơn so với túi tiền trung bình của dân Mỹ.
Thuế quan của Argentina đi theo hướng tiêu cực đến mức chính phủ nước này bắt đầu kết thúc đánh thuế cao như trên từ năm tới. Dù thuế khủng có bảo vệ người lao động ngành sản xuất ở Argentina, nó ăn sâu vào túi tiền của 44 triệu người dân vì giá TV, máy tính, điện thoại di động và nhiều mặt hàng khác lên cao hơn. Trong khi đó, sản xuất là ngành công nghiệp tương đối nhỏ ở Argentina.
Thuế ở quốc gia Nam Mỹ cao đến mức nhiều người Argentina qua Chile để mua đồ điện tử. Ở Chile, giá cả hàng hóa loại này rẻ hơn rất nhiều nhờ thuế quan thấp. Điều này tạo ra thị trường chợ đen iPhone lớn ở Argentina, nơi người ta bán lại điện thoại iPhone tậu từ nơi khác.
“Tất cả mọi người đều thiệt. Những người chiến thắng trong cảnh này là những người có công ăn việc làm trong ngành sản xuất”, nhà phát triển phần mềm Javier Masoero ở thủ đô Buenos Aires của Argentina cho biết. Năm ngoái, Masoero đi nghỉ mát ở Chile và mua chiếc iPhone cùng máy tính xách tay hiệu Asus. Anh tiết kiệm được 900 USD khi mua sắm ở Chile thay vì ở quê nhà. Masoero cho rằng thuế cao là lý do khiến hàng điện tử ở Argentina cực đắt đỏ.
Một khách mua hàng trên mạng tại Argentina có thể sắm iPad mini 4 với giá 1.260 USD, trong đó, khách mua tại Chile chỉ phải trả 640 USD cho cùng mẫu máy tính bảng. Khi giá cả tăng vọt, các chủ doanh nghiệp Argentina cho hay cảnh thiếu tính cạnh tranh khiến các nhà sản xuất có động lực làm ra sản phẩm chất lượng kém nhưng treo giá cao.
“Bạn không thể cạnh tranh chỉ bằng cách áp thuế quan lên hàng nhập khẩu để bảo vệ ngành công nghiệp không thuê mướn đến hàng trăm hàng người”, Matias Recchia, CEO startup IguanaFix ở Mỹ Latinh nhận định. Ông Recchia muốn loại bỏ loại thuế cao. Ông tin rằng doanh nghiệp gồm 120 nhân viên của ông sẽ hưởng lợi vì sẽ có thêm nhiều người Argentina có thể mua TV chất lượng cao với giá rẻ hơn. Khi giá thành rẻ, người tiêu dùng tăng khuynh hướng chi tiền để tậu TV.
Giới chuyên gia nhấn mạnh rằng Argentina không phải là ví dụ hoàn hảo về loại thuế quan như ông Trump mong muốn. Động cơ đứng sau việc áp thuế của hai bên là khác nhau. Ở Argentina, áp thuế chỉ để nhằm bảo vệ việc làm trong ngành sản xuất trong khi ông Trump muốn dùng thuế để tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Nhìn chung, tác động của thuế quan lên việc làm chắc chắn rất tiêu cực, nhà kinh tế Santiago Urbiztondo tại một hãng nghiên cứu ở Argentina cho biết. Các nhà sản xuất ở nước này cảnh báo chính phủ rằng việc bãi bỏ thuế quan dành cho mặt hàng điện tử sẽ đặt ra nguy cơ với công ăn việc làm. Giới phân tích thừa nhận rằng mối lo ngại trên là hợp lý, song cũng cho hay giá cao ngất ngưởng cần phải đi xuống. Theo quan điểm của các chuyên gia, chính sách bảo hộ thương mại đã không có hiệu quả.
Kinh tế Argentina, đất nước đang chìm trong suy thoái, có thuế quan trung bình cao hơn so với Chile, Mexico, Colombia, Peru và nhiều nước khác, theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đi giữa việc giúp đỡ người tiêu dùng và bảo vệ công ăn việc làm không phải là chuyện dễ dàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.