9 thiết bị ‘ngốn’ điện khủng trong mùa dịch

Nguyên Nga
Nguyên Nga
30/08/2021 13:39 GMT+7

9 thiết bị âm thầm “ngốn” điện khiến người dùng không ngờ tới vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam thống kê, lần lượt là bếp điện, máy nóng lạnh, nồi cơm điện, tủ lạnh, máy tính để bàn...

Theo đó, ngành điện xếp 9 thiết bị điện đang âm thầm “ngốn” điện mà người tiêu dùng ít chú ý. Dẫn đầu bếp điện là thiết bị “ngốn” điện nhiều nhất với thời gian sử dụng khoảng 3 tiếng mỗi ngày, thì trong 1 tháng, người dùng tiêu tốn hết 85 - 95 kWh với bếp đơn và 170 - 190 kWh với bếp đôi.
Tương tự, sử dụng bình nóng lạnh loại 20 lít chỉ trong 1 tiếng, người dùng phải trả 70 - 80 kWh trong một tháng. Nếu dùng thường xuyên, mỗi tháng bình nóng lạnh này ngốn 320 - 340 kWh điện.
Với thiết bị tủ lạnh tất nhiên là ghim điện 24/24, tủ lạnh mini chỉ tốn 10 - 15 kWh/tháng, tủ lạnh trung bình từ 30 - 45 kWh/tháng và tủ lạnh lớn từ 50 - 65 kWh/tháng.
Máy tính để bàn dùng 12 tiếng mỗi ngày, trung bình một tháng “ngốn” 72 - 75 kWh điện; tivi dùng trong 5 tiếng mỗi ngày, tiêu tốn 20 - 25 kWh/tháng; nồi cơm điện có công suất 500W dùng 2 tiếng mỗi ngày, tốn 25 - 25 kWh/tháng; bàn là điện công suất 1.100W dùng 30 phút mỗi ngày, tốn 14 - 24 kWh/tháng; lò vi sóng công suất 1.000W, dùng 30 phút mỗi ngày, tốn 10 - 20 kWh/tháng; thiết bị mạng (wifi, router, DSL…) dùng 24/24, tốn 8 - 12 kWh.
Trong bảng tính toán của ngành điện, không tính toán chỉ số tiêu thụ điện của thiết bị máy lạnh. Tuy nhiên, theo ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc EVNHCMC, máy lạnh là một trong những thiết bị hao tốn điện năng nhất và chiếm tỷ trọng tiêu thụ điện lớn trong hộ gia đình. Tiêu thụ điện của máy lạnh chiếm từ 28 - 64%, có khi đến 80% chi phí điện của cả gia đình. Trong 2 tháng 7 và 8, tiêu thụ điện tại các hộ dân tăng vọt do từ đầu tháng 7 đến nay, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 12 của Thành ủy TP.HCM, người dân hầu hết ở nhà cả ngày, nên sử dụng nhiều các thiết bị điện một lúc khiến điện năng tiêu thụ tăng mạnh. Đặc biệt, các thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng như máy lạnh, bếp điện được sử dụng nhiều lần hơn, thời gian sử dụng dài hơn bình thường.
Trong tháng 7, tiêu thụ điện tại TP.HCM tăng vọt 10% so cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, tỷ trọng điện dùng cho sinh hoạt tháng 7 tại TP.HCM chiếm 51,56% so với các thành phần khác như công nghiệp, dịch vụ, nông lâm hải sản… Phản ánh đến Thanh Niên, nhiều hộ gia đình cho biết tiêu thụ điện trong 2 tháng 7 và tháng 8 tăng cao gấp đôi so với trước khi tái bùng dịch Covid-19 lần thứ 4.
Ông Kiên cũng cho hay Điện lực TP.HCM vừa có khuyến nghị gửi đến người dân lưu ý tiết kiệm điện trong thời gian giãn cách, nghỉ, làm việc tại nhà thời gian dài. Để có thể theo dõi điện năng tiêu thụ hằng ngày, biết rõ lượng điện tiêu thụ của mình để có thể điều chỉnh trong quá trình sử dụng, Điện lực TP.HCM đề nghị khách hàng sử dụng điện tại TP.HCM sớm tải ứng dụng “EVNHCMC CSKH” trên kho dữ liệu App Store (đối với hệ điều hành iOS) và CH Play (đối với hệ điều hành Android) về thiết bị di động để trực tiếp theo dõi và tra cứu thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.