8.000 tỉ đồng có giúp TP.HCM giảm ngập?

08/04/2019 06:12 GMT+7

UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình “Giảm ngập nước” năm 2019 với mục tiêu sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm TP và một phần của 5 lưu vực ngoại vi.

Đầu tư xây dựng 216 dự án

Những ngày qua, TP.HCM bắt đầu xuất hiện rải rác một vài cơn mưa đầu mùa. Lượng mưa ít, thời gian không kéo dài, nhưng cũng đã khiến một số khu vực vốn là “rốn ngập” của TP trong nhiều năm qua, như đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), xảy ra tình trạng “tụ nước”. Chị Thanh Hương (Q.4) hằng ngày đưa con đi học qua tuyến đường này cho biết vào một số ngày mưa như sáng 5.4 vừa qua, một vài đoạn gần chân cầu Sài Gòn và khu vực hướng từ Q.Bình Thạnh về phía đường Tôn Đức Thắng (Q.1), nước tụ thành từng vũng khá lớn.
TP cần có bản kế hoạch bao trùm, tổng hợp sự phối hợp từ tất cả các ngành giao thông, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng… nêu lên cụ thể các phương án, lộ trình đến năm bao nhiêu TP sẽ giải quyết tận gốc tình trạng ngập. Không nên đặt mục tiêu kiểu hành chính nhưng không có cơ sở khoa học
KTS Ngô Viết Nam Sơn
“Mới mưa đầu mùa nước đã không thoát được như vậy, e là vài bữa nữa mưa nhiều, mưa lớn, đường này sẽ lại ngập nặng, khổ sở như những năm qua thôi”, chị Hương không khỏi lo lắng.
Theo Kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình “Giảm ngập nước” năm 2019 vừa được UBND TP.HCM ban hành, trong năm nay, TP sẽ triển khai đầu tư xây dựng 218 dự án chống ngập với tổng kinh phí gần 8.000 tỉ đồng, bao gồm 77 dự án chuyển tiếp với tổng kinh phí gần 5.000 tỉ đồng; khởi công mới 47 dự án, gần 2.000 tỉ đồng và chuẩn bị đầu tư 94 dự án, tổng kinh phí 819 tỉ đồng.
Trong đó, ưu tiên tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm TP và 5 lưu vực ngoại vi (bắc, tây, nam và một phần đông bắc, đông nam) rộng 550 km2 với khoảng 6,5 triệu dân. Đồng thời, cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị; góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường.
TP cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện một loạt dự án chống ngập, trong đó có 7 dự án giải quyết 9/15 tuyến đường ngập nước do mưa; thi công hoàn thành dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) - dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng để giải quyết 4/9 tuyến đường ngập nước do triều; thi công hoàn thành dự án Nâng cấp, mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2, công suất 469.000 m3/ngày và khởi công Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, công suất 480.000 m3/ngày.
Riêng với dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, UBND TP đã giao Sở GTVT TP tổ chức đấu thầu công khai, trong đó tiếp thu các ý kiến phản biện của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP về phương án thoát nước.

Vẫn khó thoát “mùa ngập” năm nay

Số lượng dự án “khổng lồ”, nhưng nếu nhìn vào tiến độ các dự án đang được triển khai, rất khó để hy vọng người dân TP sẽ thoát “mùa ngập” năm nay. Đơn cử, dự án cải tạo “rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh năm nay sẽ xong hết các khâu thủ tục, mất thêm 1 năm để xây dựng, nếu làm nhanh cũng phải đến mùa mưa năm sau mới hoàn thành. Dự án chống ngập 10.000 tỉ, thì cũng phải hết năm 2019 mới có thể về đích.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng không những một vài dự án quan trọng kể trên không thể “cứu” TP thoát ngập trong năm nay, mà 216 dự án nằm trong kế hoạch chương trình “Giảm ngập nước 2019” của TP cũng chưa đủ. Theo ông, hầu hết các dự án trên đều tập trung cải tạo hạ tầng thoát nước mà quên mất rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập của TP là do sai lầm về quy hoạch. Việc buông lỏng cấp phép xây dựng khiến công tác đánh giá báo cáo tác động môi trường của các dự án không hiệu quả. Điều này được minh chứng rõ qua việc những khu vực ngập nặng nhất, những điểm ngập mới đều nằm gần các công trình mới được xây dựng.
Dẫn chứng trường hợp đường Nguyễn Hữu Cảnh, ông Sơn phân tích: Muốn phát triển các dự án ven sông, mỗi dự án phải mở những con kênh thoát nước thoát ra sông. Nếu khu vực này được quy hoạch mảng xanh, có kênh thoát nước thì không thể ngập được. Hiện nay, các dự án cao ốc khiến khu đất 2 bên đường bị đẩy cao lên, bê tông hóa, trở thành những con đê đẩy nước đổ xuống mặt đường nhanh hơn, gây ngập.
“Muốn dứt điểm ngập, phải nhìn từ quy hoạch cả khu vực chứ không chỉ tập trung giải quyết mỗi con đường. Đối với các tuyến đường trung tâm cũng vậy, nếu chỉ dựa vào một vài dự án cải tạo đường ống thoát nước thì không thể hết ngập.
Do đó, TP cần có bản kế hoạch bao trùm, tổng hợp sự phối hợp từ tất cả các ngành giao thông, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng… nêu lên cụ thể các phương án, lộ trình đến năm bao nhiêu TP sẽ giải quyết tận gốc tình trạng ngập. Không nên đặt mục tiêu kiểu hành chính nhưng không có cơ sở khoa học”, ông Sơn đề xuất.
Hạ tầng thoát nước chỉ là một phần trong công cuộc chống ngập. Điều cần làm là điều chỉnh cách quy hoạch, cấp phép xây dựng, chỉnh trang đô thị, xem lại quy trình đánh giá tác động môi trường của các dự án trước khi cấp phép và cùng các nhà đầu tư sửa sai quy hoạch hiện hữu.
KTS Ngô Viết Nam Sơn
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.