8 nước có nguy cơ nợ cao vì 'Con đường tơ lụa mới' của Trung Quốc

08/03/2018 20:45 GMT+7

Không ít quốc gia sẽ phải gánh nợ nần đáng kể vì sáng kiến 'Vành đai - Con đường' của Trung Quốc.

Trong số 68 quốc gia được xác định là những nước vay nợ tiềm năng trong dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Trung Quốc, có 23 nước có nguy cơ về nợ nần ở mức “khá cao”, CNBC dẫn thông tin từ Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD), có trụ sở tại Washington (Mỹ) cho biết.
Theo nhóm chuyên gia của CGD, hiện có 8 quốc gia có thể gặp khó khăn nhiều nhất khi nói đến các khoản nợ Trung Quốc có liên quan đến các dự án ''Vành đai - Con đường'' (BRI) hay còn gọi là Con đường tơ lụa mới. Những nước này bao gồm Pakistan, Djibouti, Maldives, Lào, Mông Cổ, Montenegro, Tajikistan và Kyrgyzstan.
Trong số các nước kể trên, Pakistan là nước có nguy cơ cao nhất, chiếm khoảng 80% trong tổng số 62 tỉ USD nợ bổ sung. Nước này cũng là một phần quan trọng trong dự án cơ sở hạ tầng BRI vì có cảng Gwadar, một trong những điểm mấu chốt quan trọng trong khu vực tạo thành Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan.
“Các dự án lớn của BRI và mức lãi suất tương đối cao do Trung Quốc đưa ra làm tăng nguy cơ khủng hoảng nợ của Pakistan”, CGD cho biết.
Một nước khác đáng chú ý ở khu vực Đông Nam Á là Lào. Được biết, Lào có một số dự án liên quan đến BRI, bao gồm tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào trị giá 6,7 tỉ USD, chiếm gần một nửa GDP của nước này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phải lên tiếng cảnh báo rằng dự án đường sắt này có thể đe dọa đến khả năng trả nợ của Lào.
Theo CGD, nguy cơ nợ cao một phần là do các vấn đề trong cách Trung Quốc giải quyết nợ trong quá khứ.
“Không như các nước chủ nợ hàng đầu khác trên thế giới, Trung Quốc đã không ký kết một bộ luật ràng buộc để tránh cho vay không bền vững và giải quyết các vấn đề nợ phát sinh”, CGD cho hay.
CGD nhấn mạnh rằng nghiên cứu của họ là bằng chứng rõ ràng cho thấy Bắc Kinh cần sớm cải thiện các vấn đề về nợ. Hiện quốc gia châu Á là thành viên không thường trực của Paris Club, một câu lạc bộ tập hợp các nước chủ nợ gồm 22 thành viên thường trực chuyên tiến hành những cuộc đàm phán với các nước vay nợ gặp khó khăn trong vấn đề hoàn trả tài chính.
Mặc dù nghiên cứu này thừa nhận rằng nhìn chung BRI “không gây ra vấn đề nợ nần”, nhưng nó vẫn “gia tăng đáng kể nguy cơ nợ chính phủ” ở một số quốc gia, phần lớn là những nước nhỏ và nghèo.
“BRI cung cấp thứ mà các quốc gia cần, đó là tài chính cho cơ sở hạ tầng, nhưng với loại hình cho vay này thì có quá nhiều điều phải lo lắng”, John Hurley, một trong những tác giả của báo cáo, nhận xét.
Theo CNBC, tháng 12.2017 Sri Lanka đã phải chuyển giao quyền kiểm soát cảng Hambantota, một cơ sở hạ tầng được xây dựng bằng các khoản vay từ Trung Quốc, cho China Merchants Port Holdings, công ty khai thác cảng quốc doanh của Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.