7 nước có thể hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

10/04/2018 10:54 GMT+7

Trong khi thị trường thế giới nhìn chung sẽ bị tổn hại từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, vẫn có một số nước được hưởng lợi từ thuế của Bắc Kinh đối với hàng hóa Mỹ.

Theo CNBC, kể từ đầu tháng 3.2018, Mỹ và Trung Quốc đã công bố hàng trăm tỉ USD thuế nhập khẩu nhắm vào hàng hóa của nhau. Tuy nhiên trong khi phần lớn các chuyên gia thị trường đồng ý rằng cuộc chiến thương mại sẽ là điều tồi tệ với kinh tế toàn cầu, vẫn có một số nước thực sự có thể mở rộng xuất khẩu từ thuế quan của Trung Quốc đối với các sản phẩm của Mỹ.
“Chắc chắn có những nước sẽ hưởng lợi từ thuế thương mại của Trung Quốc. Nếu căng thẳng Mỹ - Trung kéo dài, Bắc Kinh có thể sẽ đẩy mạnh các khoản đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp, kim loại và năng lượng sang các nền kinh tế khác để đa dạng hóa nguồn cung, thoát khỏi sự phụ thuộc vào hàng hóa Mỹ”, Jim Barrineau, người đứng đầu bộ phận nợ thị trường mới nổi tại Schroders, nói.
Brazil
Đậu nành, mặt hàng xuất khẩu lớn của Mỹ sang Đại lục, hiện phải đối mặt với mức thuế 25%. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng cho cả người trồng đậu nành Mỹ và các nhà sản xuất thịt heo Trung Quốc, những người phải dựa vào đậu nành nhập khẩu để nuôi gia súc.
Phát biểu với CNBC hồi tuần qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao đã đề cập đến các nước Nam Mỹ như một nguồn thay thế lớn đầy tiềm năng đối với đậu nành nhập khẩu.
“Brazil có thể là nước hưởng lợi chính. Hiện 75% đậu nành của nước này được xuất khẩu sang Trung Quốc”, ông Barrineau nói.
Argentina
Argentina, nước xuất khẩu đậu nành lớn thứ ba thế giới, nhiều khả năng cũng có lợi thế tương tự Brazil trong việc trở thành nguồn cung thay thế đậu nành Mỹ. Bã đậu nành chiếm 17,5% tổng xuất khẩu của Argentina. Tuy nhiên, các nhà phân tích hàng hóa dự đoán giá nông sản của nước này sẽ giảm 25% vì hạn hán kéo dài.
Paraguay và Uruguay
Thep ông Stefan Vogel, người đứng đầu về nghiên cứu thị trường hàng nông sản tại Rabobank, thị trường Đại lục cũng có thể đổi hướng tìm kiếm các giải pháp thay thế khác, bao gồm các nước sản xuất đậu nành nhỏ hơn như Paraguay và Uruguay.
“Nông dân Nam Mỹ sẽ nhận được mức giá cao hơn, và tất cả mọi người trong chuỗi cung ứng sẽ được hưởng lợi một phần từ mức giá mới”, ông Vogel nhận định.
Úc
Bông là một trong 106 hàng hóa Mỹ phải chịu mức thuế 25% từ phía Bắc Kinh đưa ra. Mặc dù Trung Quốc không phải là nước nhập khẩu bông lớn nhất của Mỹ, nhưng các doanh nghiệp vẫn tìm thị trường thay thế tiềm năng và có thể họ sẽ chuyển hướng sang Úc.
Xuất khẩu bông thô của Úc đạt 1,2 tỉ USD/năm và một phần ba trong số đó được bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Vogel không dự báo về việc giá mặt hàng này sẽ tăng khi lượng xuất khẩu thay đổi.
“Vì Úc cũng nhập khẩu bột đậu nành, nên họ sẽ phải đối mặt với giá cao hơn ngay cả khi họ có lợi thế về xuất khẩu bông”, ông Vogel cho biết.
Scotland
Gói thuế quan trị giá 50 tỉ USD của Trung Quốc nhắm vào hàng hóa Mỹ bao gồm cả rượu whisky. Mỹ xuất khẩu trên 354 triệu lít/năm, và là nhà cung cấp rượu whisky lớn thứ hai của Trung Quốc sau Scotland. Năm 2016, Mỹ đã bán 926.338 lít whisky sang thị trường đông dân nhất thế giới.
Theo ông Francois Sonneville, giám đốc đồ uống tại RaboResearch Food & Agribusiness, Đại lục có thể sẽ tăng nhu cầu từ Scotland.
“Nếu bạn là người Trung Quốc, bạn có thể tìm kiếm rượu whisky của Scotland vì nó đang trở nên hấp dẫn hơn”, ông Sonneville nói.
Song, có một thực tế là thuế quan vẫn sẽ ảnh hưởng đến các công ty châu Âu có hoạt động tại Mỹ ở nhiều lĩnh vực khác. Do đó, lợi ích có được từ một ngành sẽ không bù đắp được nhiều về chi phí cho các ngành còn lại.
Pháp
Một “nạn nhân” khác trong cuộc chiến thuế quan là rượu vang Mỹ. Mặt hàng này cũng sẽ phải chịu mức thuế 25% nếu tuyên bố áp thuế có hiệu lực. Theo thống kê của Rabobank International, Trung Quốc được xếp thứ chín trong số các nước mua nhiều rượu vang nhất của Mỹ. Năm 2016, quốc gia châu Á nhập khẩu khoảng 76 triệu USD giá trị rượu vang trong tổng số 1,57 tỉ USD giá trị xuất khẩu toàn cầu của Mỹ.
Nhưng khi căng thẳng thương mại leo thang, một người mua ở Trung Quốc có thể sẽ chọn “mua một loại rượu vang Pháp hoặc Úc chứ không phải rượu vang California vì thuế. Kết quả là các nhà xuất khẩu rượu vang Mỹ sẽ phải dựa nhiều vào nhu cầu nội địa”, ông Sonneville giải thích.
Song, theo ông Vogel vẫn còn quá sớm để kết luận rằng các nước nói trên thực sự sẽ được hưởng lợi nhiều hơn mức độ tổn thương do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gây ra, vì hiện tại vẫn không ai rõ liệu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đàm phán để giải quyết căng thẳng như thế nào hay họ sẽ tiếp tục trả đũa nhau nhiều hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.