5 thị trường chứng khoán bị thiệt hại nhiều nhất trong tuần qua

10/02/2018 19:24 GMT+7

Cả Dow Jones và S&P 500 đều đã trải qua một tuần bán tháo dữ dội. Song, không chỉ thị trường chứng khoán Mỹ bị mất điểm mà cả Trung Quốc và Argentina cũng chịu thiệt hại không hề nhỏ.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones và S&P 500 đều biến động mạnh, giảm 10% từ đỉnh chỉ trong vòng hai tuần do mối lo ngại về lạm phát, thị trường trái phiếu và lãi suất tại Mỹ. Chỉ số Nasdaq cũng giảm 9,7% mặc dù các chỉ số có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại trong cuối phiên giao dịch hôm 9.2.
Theo ước tính của S&P Dow Jones Indices, các công ty lớn nhất thế giới, ở cả thị trường phát triển lẫn thị trường mới nổi, đã mất tổng cộng 5.200 tỉ USD vốn hóa thị trường kể từ khi thị trường đạt mức cao kỷ lục hồi cuối tháng 1.2018.
Dưới đây là một số thị trường bị thiệt hại nặng nề trong tuần qua, theo tổng hợp từ CNN.
Trung Quốc
Chỉ số Shanghai Composite của sàn Thượng Hải giảm 14,6% kể từ mức cao hai năm vào cuối tháng 1.2018. Chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hồng Kông cũng đã mất 13% so với cùng kỳ. Niklas Hageback, nhà sáng lập quỹ đầu tư Valkyria Kapital tại Hồng Kông, tin rằng chỉ số Hang Seng nói riêng đã “quá căng thẳng”. Nó tăng lên 36% trong năm 2017 và tiếp tục tăng lên mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 1.2018.
“Có một sự sửa đổi sắp xảy ra, và một khi thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu suy yếu thì các thị trường chứng khoán khác cũng sẽ chứng kiến đà lao dốc trầm trọng, đặc biệt đối với cổ phiếu tài chính và tài sản của Đại lục”, ông Hageback nói.
Chỉ số A-Share của Thâm Quyến, vốn đã bị loại khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu hồi năm 2017, giảm 15,4% kể từ khi chạm đỉnh vào cuối tháng 1.2018.
Argentina
Chỉ số Merval của quốc gia Nam Mỹ có mức giảm lớn nhất trong số hầu hết các chỉ số toàn cầu, giảm đến 16% trong tuần qua sau khi thiết lập mức cao nhất lịch sử vào ngày 1.2.2018. Hiện nó đang cho thấy đà phục hồi nhẹ.
Chỉ số Merval tăng lên 110% kể từ đầu năm 2017 cho đến ngưỡng đỉnh điểm hồi đầu tháng này, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi nó cũng theo đà giảm xuống cùng với các thị trường khác trên toàn cầu. Theo Edward Glossop, nhà kinh tế về thị trường mới nổi tại Capital Economics, việc chỉ số Merval lao dốc không phải là điều quá lo ngại sau một cuộc chạy đua kéo dài.
Nhật Bản
Chỉ số Nikkei của Nhật Bản cũng bị cuốn vào vòng xoáy giảm điểm trong tuần này. Nó đạt mức cao nhất vào cuối tháng 1.2018 kể từ đầu những năm 1990, nhưng sau đó đã giảm 12,6%.
“Tại một thị trường có thanh khoản dồi dào như Nhật Bản, đa dạng hóa các ngành hàng và việc lựa chọn cổ phiếu hầu như vô nghĩa, và hoạt động bán tháo cũng thường xuyên có xu hướng diễn ra xuyên suốt trong các ngành”, ông Hageback nhận xét.
Các thị trường châu Âu cũng không nằm ngoài đà giảm trong tuần, nhưng một số lại có mức giảm ít hơn các thị trường khác. Cụ thể, chỉ số Dax 30 của Đức giảm 11,7% kể từ khi đạt đỉnh hồi cuối tháng trước. Stockholm 30 của Thụy Điển mất 11,5% kể từ đỉnh cao được thiết lập vào tháng 11.2017. Nhiều chỉ số châu Âu khác giảm trong khoảng từ 9% đến 10%.
Châu Phi
Chỉ số FTSE JSE All-Share tại Johannesburg (Nam Phi) đã giảm trong vài ngày qua, giảm khoảng 11% kể từ đỉnh cao cuối tháng 1.2018.
“Mặc dù tâm chấn của việc bán tháo dường như tập trung ở Mỹ, nhưng không có gì ngạc nhiên khi thị trường Nam Phi cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Về mặt lịch sử, thị trường chứng khoán toàn cầu luôn dao động khi thị trường chứng khoán Mỹ có sự điều chỉnh, ngay cả khi nguyên nhân của việc điều chỉnh không liên quan gì đến các thị trường mới nổi”, Oliver Jones, nhà kinh tế học của Capital Economics, nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.