5 phút cách Quy Nhơn

07/06/2020 00:00 GMT+7

Nhà thơ Xuân Diệu, người con của vạn Gò Bồi từng viết: Nơi tôi sinh đó chao ôi nhớ/Nằm một đêm đò sáng tới nơi” (Nhớ Quy Nhơn). Còn giờ mươi, mười lăm phút, người bán đảo đã vào tới trung tâm thành phố.

Thời nay con cháu đứng trên cầu Thị Nại dõi mắt về phía xa mờ cửa sông Côn rồi quay nhìn thành phố trẻ trung duyên dáng Quy Nhơn cũng khó hình dung những con đò ngược xuôi Thị Nại mỗi vòng ngót đêm. Đầm thì vẫn dài rộng vậy nhưng giờ muốn về nơi tuổi nhỏ của “ông hoàng Thơ mới”, lộ trình đã ngắn tày gang.

Minh chứng bể dâu

Chiếc cầu vượt biển nối TP.Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai (Bình Định) mang tên Thị Nại. Không cần những thêu dệt truyền kỳ về tháp Thầy Bói dập dờn trên sóng nước, về Bãi Nhạn mờ xanh, về Ông Rái cứu vua Gia Long, bà Cố Hỷ nuôi trâu, con cù Khe Đá cựa mình cát bồi đất sụt, chợ đêm Cách Thử người - ma lẫn lộn… (cái tâm lý đến một vùng đất lạ nghe “tương truyền” đã nhàm đối với du khách), Thị Nại, với sử sách và thực tế, đã quá mê hoặc lòng người.
Thị Nại (tên cũ là Thi-Lị-Bi-Nại, Hạc Hải đàm) đã có cả nghìn năm những trận thủy chiến bi hùng. Từ thế kỷ 11 lúc ông hoàng thứ 8, Oai Minh Vương triều Lý vào giúp vua Chiêm Thành dẹp loạn đến những trận thủy chiến Chiêm Thành - Nguyên Mông, nhất là 7 trận kịch chiến cuối cùng sau 10 năm giằng co giữa quân Tây Sơn và Nguyễn (1792 - 1801), hàng vạn chiến thuyền đủ kiểu dáng, cờ hiệu: Chiêm Thành, Lý, Trần, Nguyên Mông, Hồ, Lê, Tây Sơn, Nguyễn... đã bốc cháy, đã tan tác chìm sâu trong lớp lớp sóng xanh cùng hàng chục vạn chiến binh những đối đầu sinh tử.
Phía bắc đầm, dãy núi cát trắng lóa dài hơn 7 cây số cổ nhân gọi là Trường Châu Lãnh (núi Bãi Dài) “trời lấp” thời điểm nhà Tây Sơn sụp đổ như một minh chứng của bể dâu, cuộc “hàn cửa” thần sầu khiến đầm Thị Nại thành một vùng biển kín gió khi dãy Triều Châu thành bán đảo Phương Mai che chắn cho một Quy Nhơn tương lai…

Hình hài đô thị mới

Cây cầu hôm nay vươn qua như một cánh tay neo giữ, như cuộc tiếp nhận đầy hàm ơn trời đất khi vùng bán đảo chạy dài đang dần hình thành khu công nghiệp lớn với cảng biển nước sâu, và vùng biển bên ngoài xa cửa sông trong xanh suốt vài chục cây số cho du lịch nghỉ dưỡng.
Đã có những khởi động, và hoàn thành đi vào khai thác, phục vụ, hoặc sẽ hình thành trong tương lai gần. Những sân golf, khách sạn, resort 5 sao hướng núi, bến du thuyền… Còn nhiều nữa những hiện thực và mơ mộng, những long đong và khẩn trương của Khu kinh tế Nhơn Hội, tuyến du lịch biển Quy Nhơn - Núi Bà, nhưng trước mắt tôi, trên cầu Thị Nại, những đoàn xe cứ hối hả lại qua như một tín niệm.
Trước khi đổ vào đầm Thị Nại, con sông Hà Thanh đã chẻ nhiều nhánh nhỏ. Con đường dẫn đến cây cầu lớn đi qua vùng ngập mặn với bạt ngàn màu xanh đặc chủng mắm, sú, qua chuỗi hồ tôm cá nước lợ, những cầu Hà Thanh 1 đến Hà Thanh 7 gặp điểm giao của QL19 nối cảng Quy Nhơn - QL1, đã mở ra vùng đô thị mới: Khu đô thị - thương mại Bắc sông Hà Thanh. Bên kia cầu Thị Nại là khu đô thị - du lịch sinh thái Nhơn Hội. Vùng sông nước đò giang cách trở, “vùng sâu vùng xa” đúng nghĩa một thời vụt đổi thay: các khu đô thị mới An Phú Thịnh, khu đô thị Đại Phú Gia… với diện mạo phố xá, nhà cao tầng, nhà biệt thự, công viên cây xanh… Những con đường 4 - 6 làn xe thênh thang bộ mặt phố xá hiện đại.
Mươi, mười lăm năm, từ khi khánh thành cầu Thị Nại (năm 2006), nhịp sống dân dã, thuần phác vùng cửa sông đã lui vào dĩ vãng. Những bến đò Tùng Giảng, Hội Lộc cót két mái chèo suốt đêm hay lạch xạch tiếng máy trên chập chạ sóng nước chỉ là ký ức. Những mẻ tôm cá, những đoàn thuyền lưới gõ đêm đêm xuôi dòng, ngược bến với mơn man nồng ải nước triều đã lùi xa. Người dân giờ học cách thích nghi với dịch vụ: những hàng quán hải sản bình dân mộc mạc lời chào mời. Cũng bình thường thôi, quy luật phát triển. Nhịp sống mới trên từng mét vuông tiền triệu, mấy chục triệu, đã và đang hối hả hình thành cho thành phố xứng tầm một trong 5 đô thị trọng điểm của miền Trung.
Tất cả chỉ cách trung tâm Quy Nhơn 5 phút xe máy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.