4G bị phàn nàn, 5G sẽ ra sao?

Mai Hà
Mai Hà
03/12/2018 06:58 GMT+7

Trên thực tế, gần 2 năm sau khi các nhà mạng tại VN cung cấp dịch vụ 4G, hàng chục triệu khách thuê bao di động đã đăng ký sử dụng.

Nhưng sau một thời gian dùng, khá nhiều phàn nàn cho biết tốc độ không cải thiện nhiều so với 3G.
Một trong những lý do khiến tốc độ 4G trải nghiệm bị hạn chế do các doanh nghiệp viễn thông vẫn đang phải sử dụng băng tần 1.800 MHz (đang phục vụ cho cả mạng 2G) có lưu lượng quá thấp so với nhu cầu thực tế, làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, tốc độ mạng 4G.
Từ năm 2017, Bộ TT-TT đã có phương án cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz để các nhà mạng triển khai mạng 4G. Thế nhưng, giữa các bộ, ngành liên quan còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất về quy trình thủ tục khiến băng tần 2.6 GHz vẫn chưa thể khai thác. Đây là lý do 4G tại VN mới chỉ rộng mà chưa nhanh, đạt kết quả tốt ở độ phủ thuê bao trong khi tốc độ mạng trung bình. Theo khảo sát của IDG, tốc độ truyền tải dữ liệu trung bình của mạng 4G tại VN đạt 35 - 37 Mbps, cao gấp 3,5 - 4,5 lần tốc độ mạng 3G, trong khi trước đó, các nhà mạng công bố tốc độ mạng 4G có thể cao hơn 3G cả chục lần.
Còn theo ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Viettel, khi triển khai 4G, Viettel đã tận dụng lại (refarm) tần số trên băng thông 1.800 MHz của 2G, do các thuê bao sử dụng 2G di chuyển dần sang mạng 3G và 4G. Dù vậy, việc sử dụng các tần số tận dụng lại là không đủ so với nhu cầu của người dân. Khi mạng có tốc độ cao thì băng thông phải có tần số rộng, trong khi về cơ bản các nhà mạng vẫn tận dụng lại từ 2G.
Trong khi đó, độ rộng của băng tần 5G lớn hơn rất nhiều so với 4G, thế giới đã có quy hoạch về băng tần 5G, ví dụ băng 2.300 MHz (2.3 GHz), thậm chí có băng 2.6 GHz, 3.5 GHz. Các nhà mạng cho biết thành công của thử nghiệm 5G trong năm 2019 tới đâu phụ thuộc vào việc Bộ TT-TT đưa ra quy hoạch tần số sớm trong năm tới, để các nhà mạng có sự chuẩn bị về thiết kế, thiết bị phù hợp, nhằm đáp ứng tần số mà Bộ dự kiến sử dụng cho 5G.
Mới đây, một báo cáo của Ericsson ước tính các nhà khai thác viễn thông tại VN sẽ có cơ hội đạt thêm 3,17 tỉ USD doanh thu khi sử dụng công nghệ 5G để giải quyết vấn đề số hóa ngành công nghiệp. Nhiệm vụ cốt lõi của các nhà mạng là phải tối ưu hóa tốc độ, chất lượng và giảm chi phí. Với những chuẩn bị sơ khai hiện nay, chưa có một ước tính chính xác nào về giá thành dịch vụ 5G trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.