47% người dân được khảo sát bức xúc trước khoảng cách giàu - nghèo tăng

23/07/2015 09:24 GMT+7

(TNO) Tại hội thảo “Cảm nhận về nhà nước và thị trường năm 2014 - CAMS 2014” do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và World bank tổ chức sáng nay 23.7, đã có những kết quả khảo sát cho thấy, người dân, doanh nghiệp bức xúc về môt loạt vấn đề như khoảng cách giàu nghèo, giá cả…

(TNO) Tại hội thảo “Cảm nhận về nhà nước và thị trường năm 2014 - CAMS 2014” do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và World bank tổ chức sáng nay 23.7, đã có những kết quả khảo sát cho thấy, người dân, doanh nghiệp bức xúc về môt loạt vấn đề như khoảng cách giàu nghèo, giá cả thị trường…

hoi -thao -CAMSNgười dân chưa hài lòng với tình hình kinh tế - Ảnh: M.Q

Cụ thể, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, thành viên nhóm nghiên cứu CAMS 2014, kết quả khảo sát 1.600 cá nhân thuộc 10 nhóm đối tượng, trong đó có cơ quan nhà nước, cơ quan Quốc hội, doanh nghiệp, người dân… cho thấy, về tốc độ cải cách kinh tế, chỉ có 29% người được khảo sát cho rằng tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam trong 5 năm qua là nhanh, trong khi có tới 36% ý kiến đánh giá tốc độ này là chậm.

Đáng chú ý, đa số ý kiến khảo sát vẫn muốn có bàn tay can thiệp của nhà nước để bình ổn giá các mặt hằng thiết yếu: tỷ lệ này năm 2014 là 75%, tăng 7% so với năm 2011.

“Kết quả này phần nào cho thấy, việc vận hành nền kinh tế thị trường ở Việt Nam chưa thực sự tạo niềm tin và đem lại hiệu quả tích cực cho xã hội như tạo cạnh tranh, thúc đẩy giảm giá, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ... và càng khiến cho người dân có tâm lý mong chờ sự can thiệp của nhà nước”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Nhưng trái lại, kết quả khảo sát cũng cho thấy, trong các công cụ chủ yếu mà nhà nước dùng để bình ổn thị trường, giá cả thì vai trò của doanh nghiệp nhà nước lẫn các chương trình bình ổn giá đều bị người dân đánh giá thấp về hiệu quả. ½ số người được hỏi cho rằng giá cả hàng hóa thiết yếu được quyết định bởi thị trường. Chỉ có 47% ý kiến cho rằng chương trình bình ổn giá của nhà nước có hiệu quả. 

Một thông tin đáng lưu ý khác là năm nay, đa số người tham gia cuộc khảo sát bày tỏ quan điểm ủng hộ xu hướng nhà nước chuyển một số dịch vụ công sang khu vực tư nhân thực hiện vì cho rằng, tư nhân cung cấp dịch vụ tốt hơn nhà nước.

Đáng chú ý nhất, trong đợt khảo sát này, nhiều người dân chưa hài lòng với tình hình kinh tế hiện nay và những thay đổi, cải cách trong thời gian qua của nhà nước.

“Tỷ lệ hài lòng với tình hình kinh tế hiện nay của đất nước đã giảm xuống mức rất thấp, chỉ 19%. 47% ý kiến người dân bày tỏ bức xúc trước khoảng cách giàu - nghèo tăng lên ở Việt Nam”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.