2019 - Năm bùng nổ của hàng không tư nhân

Mai Hà
Mai Hà
01/01/2020 07:00 GMT+7

Nếu các lĩnh vực khác như đường bộ, đường sắt không có nhiều khởi sắc, thì 2019 được xem là năm của hàng không với sự bùng nổ mạnh mẽ của hàng không tư nhân.

Xếp hàng chờ bay

Sau Bamboo Airways, hàng loạt đề án thành lập hãng hàng không mới xếp hàng chờ Chính phủ xem xét, chấp thuận gồm Vinpearl Air của Công ty cổ phần hàng không Vinpearl Air, KiteAir của Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh, Vietravel Airlines của Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam Vietravel Airlines.
Trước đó, tháng 7.2019, Cục Hàng không đã cấp giấy chứng nhận người khai thác máy bay (AOC) cho Công ty cổ phần hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines), đưa hãng này trở thành doanh nghiệp hàng không chung đầu tiên được cấp AOC thương mại cho máy bay phản lực thương gia tại Việt Nam. Hai loại máy bay Vietstar Airlines được cấp phép là Embraer Legacy 600 và Beechcraft King Air B300.
Nếu được chấp thuận, trong năm 2020, Việt Nam sẽ có 9 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vasco), Vietjet Air, Bamboo Airways, Vinpearl Air, Vietravel Airlines, KiteAir và Vietstar Airlines.

Bamboo Airways nhận máy bay Boeing 787 tại Mỹ 

Ảnh BB

Bamboo Airways - hãng tư nhân phát triển “thần tốc”

Chính thức khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 1.2019, sau 1 năm hoạt động, Bamboo Airways đang được ghi nhận như hãng hàng không tư nhân có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam, cũng là hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam khai thác dòng máy bay thân rộng Boeing 787-9. Bamboo phát triển nhanh cả về số lượng máy bay, mạng đường bay nội địa, quốc tế lẫn thị phần tại thị trường nội địa.
Tính đến cuối năm 2019, Bamboo khai thác ước đạt 20.000 chuyến. Hiện hãng đã khai thác 34 đường bay trong nước và quốc tế, trung chuyển gần 2 triệu lượt khách, tỷ lệ đúng giờ 94%, cao nhất toàn ngành hàng trong trong năm 2019.
Bamboo Airways được bình chọn là 1 trong 100 sản phẩm, dịch vụ tin và dùng được người tiêu dùng bình chọn trong năm 2019. Hãng nhận danh hiệu "Hãng hàng không có dịch vụ tốt nhất" trong nhóm ngành du lịch, nghỉ dưỡng, bất động sản.
Dự kiến, hãng sẽ đạt quy mô đội máy bay 30 chiếc vào quý 1.2020. Bamboo có lợi thế lớn ở đường bay tới các điểm du lịch kết hợp hệ thống nghỉ dưỡng của tập đoàn mẹ là FLC .
Lãnh đạo hãng cho biết sẽ tiếp tục mở các đường bay quốc tế tới các thị trường mới mà chưa có hãng nào tại Việt Nam khai thác, cũng như đặt tham vọng mở đường bay thẳng tới Mỹ vào cuối năm 2019 đầu 2020.

Quy mô đội máy bay tăng mạnh, đi kèm với áp lực lớn về hạ tầng và nhân lực hàng không Ảnh Đ.L

Quy mô đội máy bay phình to

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tính đến tháng 11.2019, cả nước có 221 máy bay, tăng 41 chiếc so với năm 2018, trong đó có nhiều dòng máy bay hiện đại như Boeing 787-9, Boeing 787-10, A350-900. Đáng chú ý, năm 2020, dự kiến đội máy bay sẽ tiếp tục tăng mạnh khi các hãng tiếp tục nhận thêm máy bay trong các đơn đặt hàng đã ký trước đó.
Tháng 2.2019, Vietjet ký hợp đồng mua 100 máy bay với Boeing (dòng 737 Max), Bamboo Airways cũng ký hợp đồng mua 10 máy bay Boeing 787 Dreamliner, nâng tổng số máy bay Boeing 787 mà hãng đạt thoả thuận lên 30 chiếc. Tháng 3.2019, Bamboo Airways đạt thoả thuận mua 26 máy bay Airbus A321neo với Airbus.
Tháng 8.2019, Vietnam Airlines cũng đón nhận chiếc Boeing 787-10 Dreamliner trong tổng số 8 chiếc Boeing 787-10 sẽ được bàn giao dần cho hãng tới cuối năm 2020. Cục Hàng không cũng đã thông qua dự án mua 50 máy bay thân hẹp Airbus A320, A321 hoặc Boeing 737 Max giai đoạn 2021-2025 với mục đích thay thế máy bay cũ trên 10 tuổi và bổ sung nhu cầu phát triển đội máy bay lên 135 chiếc vào năm 2025 của Vietnam Airlines.

Hạ tầng quá tải, thiếu nhân lực

Giai đoạn 2008-2019, thị trường hàng không Việt Nam tăng trưởng bình quân 17,1% về hành khách và 13,8% về hàng hoá, là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất khu vực. So với năm 2008, sản lượng vận chuyển năm 2019 tăng gần 5 lần về hành khách và hơn 3 lần về hàng hoá. Mạng đường bay nội địa và quốc tế cũng tăng 2,4 lần. Điều này đặt thị trường hàng không đối mặt với áp lực rất lớn về hạ tầng và thiếu hụt nhân lực.
Đội ngũ phi công (đặc biệt là phi công Boeing 787), tiếp viên hàng không, nhân viên kỹ thuật tàu bay, nhân viên không lưu… hiện thiếu nghiêm trọng so với dự báo nhu cầu lao động đến 2025 - 2030.
Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, ngoài Vietnam Airlines, nhiều hãng hàng không đã lập học viện đào tạo cả phi công và tiếp viên như Bamboo Airways và Vinpearl Air.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.