Đáng nói, có 515 trường hợp có hộ khẩu ngoài huyện Hóc Môn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp và sau đó chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở. Trong số đó, có 205/515 trường hợp đã được cấp phép xây dựng, hiện trạng có 21 nhà xưởng (có 10 trường hợp diện tích từ 1.000 m2 đến 1.628 m2, số trường hợp còn lại từ 500 m2 trở lên); 3 trường hợp UBND huyện Hóc Môn kiểm tra, lập biên bản vi phạm và ghi nhận sai công năng.
Theo ông Trần Đình Trữ, Phó chánh Thanh tra TP.HCM, UBND huyện Hóc Môn giải quyết cho 1.386 trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở không đúng quy định pháp luật đất đai; các cán bộ, công chức thuộc Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn đã tham mưu đề xuất và giải quyết không đúng quy định về thành phần hồ sơ và trình tự thủ tục. Đồng thời, có nhiều trường hợp không thẩm định nhu cầu sử dụng đất, không đảm bảo sự phù hợp quy hoạch, có trường hợp chỉ căn cứ vào quy hoạch chung, không đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật, kết nối đồng bộ, vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Chính vì vậy, Chủ tịch UBND TP.HCM - ông Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo UBND huyện Hóc Môn và các sở ngành rà soát, xem xét, giải quyết và xử lý đối với các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở không đúng quy định có diện tích từ 500 m2 trở xuống trong quá trình xem xét giải quyết 1.386 hồ sơ nêu trên. Kiểm tra, rà soát đối với tất cả các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất đã được cấp phép xây dựng để xử lý hành vi vi phạm về trật tự xây dựng theo quy định pháp luật. Đồng thời, phải tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân có sai phạm theo phân cấp quản lý đối với các trường hợp còn lại, báo cáo kết quả cho UBND TP, Sở Nội vụ và Thanh tra thành phố.
Thời gian thực hiện và hoàn tất các nhiệm vụ nêu trên tối đa là 12 tháng.