109 căn biệt thự cổ bị biến mất

Đình Sơn
Đình Sơn
04/01/2020 07:47 GMT+7

Mới đây, UBND Q.1 (TP.HCM) có văn bản gửi Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM “loại” 109 căn biệt thự cổ ra khỏi danh sách bảo tồn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều căn biệt thự trong số đó vẫn còn tồn tại.

Biến mất... trên giấy

 Trong khi đó, giải thích về sự biến mất khó hiểu của những căn biệt thự trên địa bàn Q.3, một lãnh đạo UBND Q.3 cho rằng thật ra những căn biệt thự này không mất đi mà chỉ khác về mặt địa chỉ. Nhà số 1 Bà Huyện Thanh Quan thật ra là số 208 Nguyễn Thị Minh Khai, căn biệt thự 143 - 145 Nam Kỳ Khởi Nghĩa thuộc hệ thống khách sạn Victory - số 14 Võ Văn Tần. Vị này phân trần rằng việc phân loại, công tác giữ gìn biệt thự cũng gặp nhiều khó khăn bởi tính khả thi trong giữ gìn biệt thự phụ thuộc rất nhiều vào hình thức sở hữu.
Trong văn bản ngày 19.12.2019 mà UBND Q.1 gửi Viện Nghiên cứu phát triển TP, cho thấy trên địa bàn Q.1 có 230 căn biệt thự cũ. Tuy nhiên, qua rà soát UBND Q.1 nhận thấy trong danh sách 230 căn nhà nêu trên hiện nay có một số trường hợp không còn là biệt thự, một số công trình đã xây dựng thành công trình mới, một số đã tách chủ quyền. Trên cơ sở đó và căn cứ định nghĩa biệt thự cũ đã ban hành theo Quyết định số 33 năm 2018 của UBND TP.HCM, UBND Q.1 thông báo sẽ loại 109 căn biệt thự ra khỏi danh sách các căn biệt thự cổ cần bảo tồn. Trong đó 49 căn không còn là biệt thự hoặc có nguồn gốc là nhà biệt thự nhưng hiện giờ không còn là biệt thự, 60 căn nhà hiện đã xây dựng công trình mới mà UBND Q.1 đã chuyển đến Sở Xây dựng và Viện Nghiên cứu phát triển TP. Tổng cộng 109 căn này, UBND Q.1 sẽ quản lý, cấp phép xây dựng theo quy hoạch và quy định hiện hành. Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc 109 căn biệt thự này sẽ bị loại ra khỏi danh sách biệt thự cần bảo tồn, có thể sửa chữa, xây dựng tự do.
Tuy nhiên, thực tế không như báo cáo của UBND Q.1. Ví dụ căn nhà ở số 31 Lý Tự Trọng, dù trong danh sách của UBND Q.1 cho rằng biệt thự này không còn tồn tại nhưng thực tế vẫn còn nguyên vẹn. Cách đây chưa lâu, chủ căn biệt thự này bắt đầu tháo dỡ mái ngói. Nhưng sau khi UBND Q.1 có văn bản thu hồi văn bản thì lập tức chủ nhà ngừng việc tháo dỡ mái ngói, thay vào đó là làm động tác lắp tấm pin mặt trời lên để che phần mái ngói đã tháo dỡ trước đó chưa lâu. Tại căn nhà ở số 86 Sương Nguyệt Ánh, khi vừa “thoát” ra khỏi danh sách những căn biệt thự cần được bảo tồn thì ngay lập tức đã bị chủ nhà đập hết, không còn gì. Ngay trước cửa căn biệt thự treo tấm bảng phối cảnh tòa cao ốc mới mà trong thời gian tới sẽ được xây dựng trên nền căn biệt thự cũ. Ngay sát vách căn biệt thự đã bị đập vẫn còn một căn biệt thự mà trước đây chung mái ngói cổ kính, giờ chỉ còn một nửa căn nằm chơi vơi. Tại căn biệt thự ở số 25 Nguyễn Thị Minh Khai cũng bị UBND Q.1 đưa vào danh sách không bảo tồn vì không còn nữa, nhưng trên thực tế căn biệt thự vẫn còn nguyên trạng, hiện chưa bị tháo dỡ đập phá gì.

Biệt thự 25 Nguyễn Thị Minh Khai cũng bị “nhầm lẫn” đưa vào danh sách không bảo tồn vì không còn nữa, nhưng trên thực tế vẫn còn nguyên như sảnh, hiện chưa bị tháo dỡ đập phá gì

Không chỉ tại Q.1, cách đây chưa lâu UBND Q.3 cũng có báo cáo về thực trạng biệt thự cũ xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn quận. Trong báo cáo liệt kê hàng loạt căn biệt thự không tồn tại địa chỉ hoặc không tồn tại. Điển hình như căn biệt thự ở số 143 - 145 Nam Kỳ Khởi Nghĩa được UBND Q.3 xác định đã biến mất do địa chỉ không tồn tại. Tuy nhiên, ngay sau đó Hội đồng phân loại biệt thự TP.HCM đi kiểm tra mới phát hiện căn biệt thự vẫn còn tồn tại sừng sững. Hiện nay căn biệt thự này là trụ sở của một công ty du lịch và một nhà hàng sang trọng thuộc hệ thống khách sạn Victory. Một trường hợp khác là căn biệt thự ở 204D Điện Biên Phủ, UBND Q.3 cho rằng không tồn tại nhưng thực tế căn nhà vẫn tồn tại. Căn biệt thự số 1 Bà Huyện Thanh Quan cũng được kết luận không tồn tại, trong khi thực tế đây là căn biệt thự “hoành tráng” với 2 mặt tiền.

Do nhầm lẫn

Giải thích về việc dù danh sách UBND Q.1 đưa ra 109 căn biệt thự không còn tồn tại, đã “biến mất” nhưng thực tế vẫn còn, ông Lưu Trung Hòa, Phó chủ tịch UBND Q.1, cho biết UBND Q.1 có gửi danh sách 230 căn biệt thự cũ cho Viện Nghiên cứu phát triển TP phân loại và bảo tồn. Tuy nhiên khi công bố danh sách này, người dân là chủ sở hữu những căn biệt thự này phản ánh thì phát hiện trong đó có một số căn không phải là biệt thự. Điều này đã làm ảnh hưởng đến một số quyền lợi của người dân khi họ phải chờ kết quả phân loại rồi mới được sửa chữa. Chính vì vậy, UBND Q.1 mới yêu cầu Phòng Quản lý đô thị rà soát, kiểm tra lại những trường hợp không phải là biệt thự làm danh sách riêng, tách ra để báo lên Viện Nghiên cứu phát triển TP phân loại. Tuy nhiên khi thực hiện việc này có thiếu sót khi một số căn nhà vẫn là biệt thự nhưng lại đưa nhầm vào danh sách không phải biệt thự. Do đó mới đây UBND Q.1 ký văn bản thu hồi văn bản đã ký ngày 19.12.2019 để cho rà soát kỹ lại từng trường hợp. Trường hợp nào không phải là biệt thự mới tách ra, còn tất cả những biệt thự đều gửi Viện Nghiên cứu phát triển TP để đưa ra hội đồng xem xét đánh giá.
Trong khi đó, nói về việc một số biệt thự có trong danh sách đã tháo dỡ, đập phá ngay khi UBND Q.1 có danh sách “loại” ra khỏi danh sách các căn biệt thự không cần phải bảo tồn, ông Lưu Trung Hòa cho biết đối với căn nhà số 31 Lý Tự Trọng, người dân không phải xây dựng mà lắp hệ thống pin năng lượng mặt trời. Đây là hệ thống điện, không phải xây dựng. Tại nhà số 86 Sương Nguyệt Ánh, nhà này trên sổ đỏ cấp từ năm 1997 không phải là biệt thự nhưng thực tế căn nhà này có nguồn gốc là biệt thự, khi nhà nước bán hóa giá cho người dân, họ đã cải tạo lại. Nhưng phần mái của căn nhà vẫn dính đến biệt thự, nên quận đã cho dừng lại để xin ý kiến TP hướng sửa chữa thế nào cho phù hợp vì phần nhà này đã xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ. Tại số 25 Nguyễn Thị Minh Khai hiện đã dừng, không có hoạt động xây dựng.
Theo đánh giá của những người am hiểu về lĩnh vực nhà đất, hiện nay các biệt thự cũ đều tập trung ở những quận trung tâm TP, nơi được xem là tấc đất tấc vàng. Trong khi đó, những căn biệt thự cổ này nếu lọt vào danh sách các căn biệt thự phải bảo tồn, sẽ giảm giá trị rất nhiều. Chính vì vậy đang có tình trạng người dân “chạy” để những căn biệt thự này “biến mất” hoặc ra khỏi danh sách các căn biệt thự cổ cần bảo tồn. Khi đã ra khỏi danh sách, chủ nhà có quyền xây dựng theo quy hoạch hiện hữu thì giá trị nhà đất có thể tăng lên gấp 5 - 6 lần. Điển hình như căn biệt thự ở số 86 Sương Nguyệt Ánh, khi vừa ra khỏi danh sách những căn biệt thự cần được bảo tồn thì ngay lập tức chủ nhà đã đập bỏ và chồng lên đó là tòa cao ốc “hoành tráng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.