Tắc ruột do bã thức ăn

29/08/2012 03:15 GMT+7

Tắc ruột do u bã thức ăn thường gặp hơn ở trẻ em và người già, nếu chậm điều trị có thể gây nhiều biến chứng.

Những ca tắc ruột nguy hiểm

Mới đây, bà Nguyễn Thị G. (80 tuổi, ở Phú Thọ) vào Bệnh viện (BV) T.Ư quân đội 108 (Hà Nội) vì triệu chứng đau bụng kèm theo nôn nhiều. Trước khi đến BV, bệnh nhân được làm các xét nghiệm: siêu âm, chụp X-quang, chụp CT ổ bụng tại một BV khác nhưng không phát hiện nguyên nhân. Tại khoa Ngoại nhân dân của BV 108, sau khi thăm khám, bác sĩ biết được bà G. có thói quen hằng ngày ăn quả ngão (theo cách gọi địa phương trông giống như quả sung, nhưng to hơn). Nghi ngờ dấu hiệu bán tắc ruột do quả ngão gây nên, nên bác sĩ cho chụp CT. Kết quả xác định tổn thương tắc ruột.

 Măng là một trong những thực phẩm nhiều bã xơ, không nên ăn quá thường xuyên
Măng là một trong những thực phẩm nhiều bã xơ, không nên ăn quá thường xuyên
- Ảnh: Minh Khôi

Qua nội soi, PGS-TS Triệu Triều Dương, Chủ nhiệm khoa Ngoại tổng hợp B15, BV 108 xác định, có một khối bã thức ăn đường kính 4x6 cm tại vị trí hỗng tràng, bên dưới chỗ tắc khoảng 20 cm, phát hiện có túi thừa hỗng tràng. PGS-TS Triệu Triều Dương cùng các bác sĩ của khoa đã sử dụng kỹ thuật nội soi lấy khối bã thức ăn khỏi lòng ruột, lập lại lưu thông tiêu hóa, và khâu lộn túi thừa vào lòng hỗng tràng đề phòng các biến chứng về sau như chảy máu, thủng ruột...

Trước đó, khoa Ngoại nhân dân từng tiếp nhận ca tắc ruột ở cháu bé 12 tuổi. Bệnh nhi này nhập viện trong tình trạng bụng trướng và đau từng cơn, buồn nôn, không đi ngoài được. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân được lấy ra một búi vỏ ngô (phần vỏ thường bám vào các hạt ngô) đóng chắc cứng trong ruột.

PGS-TS Triệu Triều Dương cho hay: “Bệnh lý tắc ruột do u bã thức ăn thường gặp ở trẻ nhỏ và người già. Các yếu tố gây ra không chỉ do bệnh lý răng miệng chưa phát triển, hay lão hóa làm cho thức ăn không được nghiền nát trước khi di chuyển vào dạ dày và đường tiêu hóa, mà còn phụ thuộc vào thói quen ăn, đặc điểm từng loại thực phẩm. Nguy cơ tắc ruột cao hơn ở những người có bệnh lý dạ dày, tụy tạng...”.

Thận trọng khi ăn uống

Tắc ruột do bã thức ăn còn gọi u bã thức ăn đường tiêu hóa. Vì triệu chứng lâm sàng thường không đặc hiệu, bệnh diễn biến tăng dần nên việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn. Tắc ruột nếu không được xử lý phẫu thuật kịp thời dễ dẫn đến các biến chứng nặng như: vỡ - thủng, hoại tử ruột, viêm phúc mạc... Trường hợp cụ bà Nguyễn Thị G. nói trên có thói quen dùng quá nhiều măng, chè tươi và rau muống là những thực phẩm vốn rất nhiều sợi cellulose dài, không tan trong nước. Đặc biệt hơn là thường xuyên ăn quả ngão, quả chứa rất nhiều tanin. Tuổi già răng miệng kém, có bệnh đường tiêu hóa nên khối sợi xơ không tan trong nước này đã tích tụ và quyện vào nhau tạo thành u bã thức ăn, gây tắc ruột non.

U bã thức ăn thường hình thành khi thực phẩm có nhiều chất tanin như hồng xiêm, hồng ngâm, sung, ổi và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng, cam, mít, ngô... Đặc biệt lưu ý nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều pectin và nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc.

Liên Châu

>> Tắc ruột do ăn quá nhiều chất xơ
>> Tắc ruột vì ăn sơ-ri nuốt luôn cả hạt
>> Phẫu thuật thành công bệnh nhân 100 tuổi bị tắc ruột

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.