Tác nghiệp ở Trường Sa: Máu nghề ở trong tôi chưa từng nguội lạnh

Minh Thùy
Minh Thùy
23/06/2022 08:09 GMT+7

Sau 8 năm gián đoạn, giữa tháng 5.2022 vừa qua, tôi đã được trở lại Trường Sa trên con tàu HQ561. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được tham gia chuyến 'Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương' của T.Ư Đoàn.

Năm nay là năm thứ 14 T.Ư Đoàn tổ chức “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” và với chúng tôi - hơn 200 đại biểu tham gia chuyến hành trình này, thì đây là chuyến đi may mắn với thật nhiều trải nghiệm thú vị.

Tác nghiệp ở Trường Sa

Nữ phóng viên quay phim duy nhất

Chúng tôi tập trung ở Cam Ranh 4 ngày trước khi tàu rời bến để phòng dịch Covid-19 với xét nghiệm hằng ngày. Xuống tàu, tôi theo ghi hình đại biểu nhận phòng, còn hành lý của mình thì tôi nhờ thủy thủ chuyển giúp. Nhận giường xong tôi lên cabin ngay. Trong lúc các đại biểu ổn định chỗ nghỉ và đi ăn trưa thì tôi tranh thủ đẩy phim lên Drive.

PV Minh Thùy đang dẫn hiện trường tại đảo Cô Lin

PHƯƠNG ANH

Song song đó, tôi viết tin gửi về tòa soạn trước khi mạng internet bị ngắt kết nối. Rồi tôi tranh thủ xuống bếp ăn vội miếng cơm, khi quay lên thì tin đã được xuất bản. Tôi gọi điện chốt công việc còn lại trước khi thay sim chuyển qua mạng Viettel, bắt đầu 9 ngày lênh đênh trên biển.

Nếu tính về những nhà báo vác máy quay phim trong chuyến hành trình ra Trường Sa lần này thì chỉ có tôi là nữ. Bao giờ khi lên đảo, ngoài 1 ba lô với các vật dụng thiết yếu phục vụ cho tác nghiệp, thì tôi còn mang theo một túi đựng máy quay khá to.

Làm truyền hình, tác nghiệp trên biển, khó khăn nhất là bắt khoảnh khắc lên xuống xuồng và vào đảo. Bởi chỉ cần trễ một nhịp thì sẽ bị mất luôn một chuỗi các hoạt động diễn ra liên hoàn sau đó. Do thủy triều và tiến độ công tác, đoàn không bao giờ chờ nhà báo tác nghiệp xong mới rút quân khỏi đảo. Thời gian vào đảo rất ít. Hoạt động được ban tổ chức tính toán sát đến từng phút, vậy nên, tâm thế người làm báo, nhất là báo hình, cần nắm rõ lịch hoạt động, dự trù di chuyển, đón đầu tình huống để ghi hình.

Đi tìm những khoảnh khắc

Ngày nào cũng vậy, khi các chị em còn ngồi trang điểm thì tôi đã thay quần áo, đeo ba lô ôm máy ra mạn tàu đứng đợi xuồng. Ban điều hành tàu luôn sắp xếp chuyến xuồng đầu tiên chở hàng quà, chuyến thứ hai chở báo chí, rồi mới tới đại biểu.

Đi trên biển, bạn cần tuyệt đối tuân theo sự sắp xếp và hướng dẫn của người có trách nhiệm. Nếu không, thì không chỉ ảnh hưởng đến sự an nguy của đoàn tàu mà có khi nguy hiểm sẽ đến với bạn trước. Nhưng cứ theo thứ tự sắp xếp đó mà đi thì bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều hình ảnh đặc sắc mà không có cơ hội nào được làm lại. Cách của tôi là, nắm trước lịch trình trong ngày, liên hệ trước với ban điều hành và người trực tiếp chỉ huy, để được “biên chế” xuống bất cứ con xuồng nào mình muốn mà vẫn không làm rối đội hình.

Trong chuyến hải trình này tôi được xuống xuồng quay cảnh thả hoa lúc tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo. Ghi hình trên đất liền theo hoạt động di chuyển, nếu bạn ngồi sau xe máy hay trong ô tô đã khó, ngồi trong xuồng trên biển với sóng dập dềnh độ khó tăng lên gấp bội. Đã vậy, xuồng lại nhỏ, nhiều người cầm máy cùng tác nghiệp mà vòng hoa và mâm lễ chỉ thả một thời điểm, một góc. Tôi may mắn ghi được trọn vẹn cảnh thả vòng hoa, mâm lễ, bắt được khoảnh khắc đại biểu thả hoa rời và hạc giấy.

Cùng thời điểm, một chiếc xuồng khác chở theo con gái của Thuyền phó Trần Văn Phương (người đã ôm lá cờ chạy lên đảo Gạc Ma và hy sinh trong đợt bảo vệ đảo này) làm lễ sát mặt biển. Tôi đã ghi được cảnh bạn ấy đang thực hành nghi lễ cúng cho cha và đồng đội của cha mình. Khoảnh khắc đó thực sự xúc động!

Thêm nhiều cảm xúc mới

Thiết bị máy móc là thứ đặc biệt quan trọng khi đi biển. Bởi gió biển mang hơi muối, nước biển mặn, sóng bạc đầu xung quanh. 10 năm trước, khi tôi đi tác nghiệp trên biển thì chỉ có máy quay phim để ghi hình ảnh động. Khi đó tôi phải trang bị “áo mưa” cho máy mỗi khi cần quay gì trên xuồng. Hiện nay, tôi có thêm iPhone, iPad hoàn toàn có thể ghi hình đảm bảo chất lượng mà gọn nhẹ hơn khi tác nghiệp trên xuồng.

Vậy là mỗi khi xuống xuồng tôi luôn cất máy quay trong giỏ, bọc trong túi bảo quản cột chặt vào tới đảo mới lấy ra tác nghiệp. Còn khi di chuyển trên biển, tôi dùng thiết bị cầm tay của mình, dù bị sóng đánh ướt nhưng tôi bảo vệ được thiết bị của cơ quan an toàn và ghi những hình ảnh sát mép nước tạo ra vẻ đẹp của những hạt thủy tinh trong sóng biển.

Khi đoàn công tác lên đảo, các hoạt động diễn ra rất nhanh. Tôi thường phải vác máy chạy mới ghi kịp. Giao lưu văn nghệ và thăm hỏi, trò chuyện tặng quà là hai hoạt động có nhiều thời gian nhất. Muốn khai thác thêm đề tài riêng, tôi phải tính toán khoảng hở của các hoạt động, thậm chí là “canh me” những chi tiết quan trọng để quay.

Đây là chuyến thứ 6 tôi đến Trường Sa. Thời gian ít nhất, di chuyển nhiều nhất, các hoạt động liên tục, dồn dập nhất, nhưng không vì thế mà tôi lúng túng trước các tình huống xảy ra. Nhờ chuyến đi này tôi trải nghiệm được thêm nhiều cảm xúc mới, và nhận ra rằng, máu nghề ở trong tôi chưa từng nguội lạnh.

Đi tác nghiệp ở Trường Sa là một trải nghiệm thú vị. Nó không chỉ đòi hỏi người làm nghề biết tự chăm sóc sức khỏe bản thân, chuẩn bị hành trang phù hợp, xử lý tình huống linh hoạt cả trong tác nghiệp và “hành quân” trên biển. Đặc biệt quan trọng là phải quan sát, nghe ngóng để tư duy đề tài, tính toán hình ảnh và phải làm ngay khi có ý tưởng. Nếu bỏ lỡ hoạt động coi như mất luôn một đề tài, không có cơ hội làm lại như ở đất liền.

Tặng Báo Thanh Niên cho quân dân trên đảo

Trong chuyến đi Trường Sa lần này, anh Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn, đã trao tặng Báo Thanh Niên tại tất cả 10 điểm đảo và 1 nhà giàn.

Anh Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn, trao tặng Báo Thanh Niên tại đảo Song Tử Tây

TRẦN THÀNH

Đây là món quà tinh thần mà Báo Thanh Niên gửi tặng quân dân Trường Sa với lòng biết ơn sâu sắc những người đang canh giữ biển đảo của Tổ quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.