Tác giả trong SGK mới: Thượng úy công an nổi tiếng nhờ viết truyện, tiểu thuyết

Thúy Hằng
Thúy Hằng
02/03/2024 10:23 GMT+7

Trong số các tác giả trẻ trong sách giáo khoa mới, có một thượng úy công an. Tuổi trẻ, chưa đến 30, nhưng anh đã viết hàng trăm truyện ngắn; nhiều tập truyện, tản văn, tạp bút được in, giành vô số giải thưởng.

Tác giả trong SGK mới: Thượng úy công an nổi tiếng nhờ viết truyện, tiểu thuyết- Ảnh 1.

Tác giả trong sách giáo khoa mới - thượng úy công an Phan Đức Lộc

NVCC

Chàng thượng úy công an đó là Phan Đức Lộc, 29 tuổi, đang công tác tại Công an thị trấn Tuần Giáo, H.Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Với những tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa mới (Chương trình GDPT 2018), anh đam mê sáng tác văn chương từ thời còn là sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân.

Từ lời chúc "được vào sách giáo khoa"

Phan Đức Lộc có hai bài được chọn vào sách giáo khoa mới. Đó là bài "Quạt mo" in trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 5 tập hai, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống; và bài "Mùa vừng" trong sách giáo khoa tiếng Việt 5 tập một, bộ Chân trời sáng tạo, đều của NXB Giáo dục Việt Nam.

Các bộ sách giáo khoa lớp 5 này đã được Hội đồng thẩm định phê duyệt, đưa vào sử dụng từ năm học 2024-2025.

Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, Phan Đức Lộc cho hay cả hai tác phẩm trên đều nằm trong tập tản văn "Tôi sẽ bay" của anh, do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2022.

Tác giả trong SGK mới: Thượng úy công an nổi tiếng nhờ viết truyện, tiểu thuyết- Ảnh 2.

Bài "Mùa vừng" của Phan Đức Lộc trong sách giáo khoa tiếng Việt 5 tập một, bộ Chân trời sáng tạo

NXB GIÁO DỤC VIỆT NAM

Các tác phẩm được viết từ ký ức tuổi thơ của chính nhà văn, ở quê hương Nghệ An. Nơi mà trong tâm trí của Phan Đức Lộc là "Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt/Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ/Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ/Không ai gieo mọc trắng mặt người" (thơ Hoàng Trần Cương). Từ nhỏ, Phan Đức Lộc thấm thía nỗi cơ cực, vất vả của nông dân trên đồng ruộng, làm việc luôn chân, luôn tay, hết cấy lúa, sang trồng khoai, trỉa ngô, vãi vừng…

Nhà văn trẻ là thượng úy công an yêu tha thiết những mùa vừng trải vàng lấp lánh dưới ánh nắng cuối hè, đầu thu, từ chân núi đến chân trời xa tít. Mùi tinh dầu vừng hăng hăng ấy đã quyện vào từng cơn gió, thổn thức thổi từ quá khứ về đến hiện tại, thôi thúc anh viết nên tản văn "Mùa vừng". Còn về tản văn "Quạt mo", anh viết từ kỷ niệm sống bên ông bà trong căn nhà ba gian lợp ngói âm dương, bên hông có giàn trầu không xanh um, trước sân có hàng cau già thẳng tắp….

Tác giả trong SGK mới: Thượng úy công an nổi tiếng nhờ viết truyện, tiểu thuyết- Ảnh 3.
Tác giả trong SGK mới: Thượng úy công an nổi tiếng nhờ viết truyện, tiểu thuyết- Ảnh 4.

Bài "Quạt mo" in trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 5 tập hai, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

NXB GIÁO DỤC VIỆT NAM

"Tôi mong ước học sinh lớp 5, sau khi đọc tác phẩm của tôi trong sách giáo khoa sẽ thấy thêm yêu quê hương, gia đình bằng những rung động thuần mộc, chân thành, trong trẻo", tác giả trong sách giáo khoa nói.

"Từ khi học THPT tôi đã say mê sáng tác, có những tác phẩm nhỏ được đăng trên tạp chí Văn học và tuổi trẻ, tập san Áo trắng, nội san Trường THPT Bắc Yên Thành (Nghệ An)… Cô giáo dạy văn của tôi từng nói: 'Cô mong một ngày nào đó, cái tên Phan Đức Lộc sẽ được xuất hiện trong sách giáo khoa'. Và giờ đây, giấc mơ của cô và tôi đã trở thành sự thật. Nhìn thấy trang sách giáo khoa có tên mình, tôi đã khoe ngay với mẹ và cô giáo", anh chia sẻ.

Thượng úy công an, nhà văn trẻ Phan Đức Lộc cũng kể kỷ niệm xúc động: "Bà ngoại tôi mừng lắm. Bà cứ dặn đi dặn lại rằng nhớ gửi cho bà hai cuốn sách giáo khoa có in bài cháu để bà khoe họ hàng, xóm giềng. Bà năm nay 80 tuổi, thị lực đã giảm nhiều. Cách đây mấy hôm, tôi chở bà đi khám mắt và cắt kính thuốc. Khi đeo kính lên, bà móm mém bảo: "Cặp kính cháu tôi tặng sáng quá. Từ nay tôi thoải mái đọc sách cháu viết được rồi".

Tác giả trong SGK mới: Thượng úy công an nổi tiếng nhờ viết truyện, tiểu thuyết- Ảnh 5.

Anh Phan Đức Lộc và mẹ của mình

NVCC

Thượng úy công an viết tiểu thuyết trinh thám

Phan Đức Lộc nổi tiếng trong làng văn chương, bởi rất trẻ nhưng sức viết căng tràn, nhiều tác phẩm được đánh giá cao. Anh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ cách đây 3 năm, lúc mới 26 tuổi. Đáng chú ý, anh cũng là đại biểu dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam năm 2020, đại biểu tham dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10, năm 2022.

Khối lượng sáng tác của chàng thượng úy công an khiến nhiều người nể phục. Anh đã có trên 400 tác phẩm thơ, truyện ngắn, tản văn, lý luận phê bình văn học, bài báo đăng tải trên các báo và tạp chí như Nhân Dân hằng tháng, Nhà văn và Tác phẩm, Văn nghệ, Văn nghệ Công an, Văn nghệ Quân đội, Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam

Anh đã có tới 9 đầu sách là các tập truyện ngắn, tập tản văn... được in riêng. Đặc biệt, năm 2020, tiểu thuyết trinh thám "Tuyết đỏ" của anh được xuất bản. Anh còn viết nhiều truyện ngắn về đề tài công an nhân dân khác như "Pảng Cò Moong", "Mùa hoa pa bát".

Thượng úy công an đang làm cảnh sát khu vực tại Công an thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, Điện Biên chia sẻ: "Cổ nhân dạy "lạt mềm buộc chặt". Có thể sự mềm mại, bay bổng của văn chương đã giúp tôi rất nhiều trong thực hiện công tác công an. Và chiều ngược lại, công việc hiện tại mang đến cho tôi vốn sống quý giá phục vụ cho sáng tác. Nhờ được đào tạo tại Học viện Cảnh sát nhân dân, kết hợp nghiên cứu hồ sơ các vụ án cũng như những trải nghiệm thực tiễn từ hoạt động phối hợp xác minh, điều tra một số vụ án xảy ra trên địa bàn, tôi đã có cảm hứng viết nên cuốn tiểu thuyết trinh thám "Tuyết đỏ".

Tác giả trong SGK mới: Thượng úy công an nổi tiếng nhờ viết truyện, tiểu thuyết- Ảnh 6.

9 đầu sách là các tập truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết trinh thám... của Phan Đức Lộc đã được xuất bản

"Tiểu thuyết kể về cuộc đấu trí căng thẳng của lực lượng cảnh sát hình sự nhằm tìm ra hung thủ sát hại nữ sinh viên Thảo Nguyên, ẩn sau những vật chứng tưởng chừng như đã rất rõ ràng, mạch lạc nhưng hóa ra lại rất vòng vèo, phức tạp. Sau khi hoàn thành cuốn sách này, tôi đã hình thành một thói quen công việc là luôn đặt ra giả thuyết đối lập và câu hỏi tương phản nhau trong quá trình thu thập, phân tích chứng cứ vụ án để tạo ra thế cân bằng, khách quan trong tư duy phán đoán", anh chia sẻ thêm.

Hiện tại, công việc của Phan Đức Lộc là thực hiện các hoạt động phòng ngừa tội phạm, nắm tình hình an ninh trật tự địa bàn, tham mưu phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền pháp luật. Anh còn tham gia thực hiện Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 - PV).

Anh nhớ lại một kỷ niệm vui, đó là một lần xuống bản làng tuyên truyền Đề án 06. Lúc bấy giờ, trong đám đông, một người trung niên đã nhìn rất lâu vào biển tên đeo trên ngực anh rồi chợt nhớ ra và hỏi: "Cán bộ có phải là nhà văn à?". Khi anh mỉm cười nói "vâng ạ", người đàn ông cầm tay anh lên, hồ hởi: "Bà con ơi, đây là nhà văn Phan Đức Lộc có nhiều truyện hay viết về người Thái mình được đọc trên đài nhà nước đấy". Điều đó khiến anh xúc động và buổi tuyên truyền diễn ra rất thành công…

Thượng úy công an Phan Đức Lộc, tác giả trong sách giáo khoa đã đạt hơn 20 giải thưởng về văn học. Có thể kể tới:

  • Giải nhất truyện ngắn cuộc thi Sáng tác văn học trẻ (tạp chí Xứ Thanh) năm 2018 với tác phẩm "Mùa đông ở Sính Phình".
  • Giải C truyện ngắn Cây bút vàng (Bộ Công an) năm 2021 với truyện ngắn "Pảng Cò Moong".
  • Giải nhất cuộc thi Nhà biên kịch tài ba (Học viện Đào tạo hoạt hình quốc tế Sconnect) năm 2022 với tác phẩm "Nhà vua trẻ và công chúa mũi vòi voi".
  • Giải nhất ký cuộc thi viết về đề tài Covid-19 (báo Dân Việt) năm 2021 với tác phẩm "Gieo yêu thương giữa miền đất lạ".
  • Giải nhất cuộc thi thơ Bừng sáng Điện Biên (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên) năm 2024 với tác phẩm "Lục lạc".
  • Giải nhì cuộc thi truyện ngắn 2018-2020 (Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, Hội Nhà văn Việt Nam) với chùm tác phẩm "Xác đá", "Giấc mơ con gái".
  • Giải B truyện ngắn, Trại sáng tác văn học về hình tượng cảnh sát nhân dân (Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức) năm 2022 với tác phẩm "Mùa hoa pa bát"….

Năm 2024, Phan Đức Lộc dự định xuất bản cuốn sách thứ 10 - truyện dài "Mùa ban thay áo" viết về lực lượng dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.