Tác giả 'Sài Gòn tôi sẽ' cùng văn nghệ sĩ cổ động tinh thần người dân chống dịch

28/09/2021 13:12 GMT+7

Tuy chưa bao giờ nghĩ mình sẽ theo con đường sáng tác chuyên nghiệp nhưng thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương, tác giả ca khúc Sài Gòn tôi sẽ cho biết sẽ tham gia cuộc vận động sáng tác Chung một niềm tin chiến thắng.

Thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương chia sẻ, "cuộc vận động sáng tác ca khúc Chung một niềm tin chiến thắng không nhằm mục đích thương mại, mà nhằm cổ động tinh thần của mọi người trong giai đoạn dịch giã. Bằng công sức và kỹ năng của mình, dù ít ỏi, tôi vẫn muốn góp một chút cùng bao người nghệ sĩ đang tạo ra cái đẹp và cảm xúc tích cực cho công chúng, thông qua việc tham gia cuộc vận động sáng tác này".

Sài Gòn tôi sẽ | Cẩm Vân Khắc Triệu (ft. CeCe Trương) 

* Người sáng tác nghiệp dư như anh tự nhận hẳn vẫn đang đón nhận nhiều cảm xúc từ Sài Gòn tôi sẽ – bài hát đã và đang được các ca sĩ trong nước lẫn hải ngoại liên tục xin phép sử dụng, ra mắt MV?
- Thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương: Tôi chưa bao giờ (dám) nghĩ đến việc ca khúc của mình được nhiều nghệ sĩ hát như thế. Bởi tôi là một người viết nhạc nghiệp dư, vẫn còn thiếu sót nhiều. Trước đây, tôi có đặt lời mới cho các ca khúc vốn đã nổi tiếng để lồng bài học tiếng Anh vào đó. Các bài hát đó có thể gọi là viral nhưng nó cũng là dựa trên hiệu ứng đã có sẵn, những giai điệu vốn đã quen thuộc, nên cái đó không tính là sáng tác của tôi.

Gia đình ca sĩ Cẩm Vân ghi hình cho ca khúc Sài Gòn tôi sẽ

Ảnh: NSCC

Tôi cũng đã bắt đầu viết nhạc “hoàn toàn chính chủ” từ khi 16 tuổi. Đến khi tôi cưới vợ có con thì tôi viết nhạc về gia đình nhiều hơn. Rồi tôi viết những bài hát về Sài Gòn -TP.HCM thời những năm 1990 nữa. Ban đầu ít người nghe, sau đó có thêm nhiều người tìm đến thưởng thức nhưng cũng chỉ dừng lại ở nhạc hát cho vui, hát chơi, ai nghe được thì nghe. Những bài hát của tôi vẫn là “sản phẩm tay trái”, “sản phẩm cộng thêm” để cho học trò giải trí. Và tôi có thể xem là “nhạc sĩ” underground, nhưng under ở tít tít tít sâu dưới lòng đất ấy. Cho đến Sài Gòn tôi sẽ, đó có thể xem là bài hát đầu tiên trong cuộc đời của tôi được người ta đón nhận, nghe nhiều, hát nhiều từ người không chuyên đến cả những ca sĩ nổi tiếng.
"Cuộc vận động sáng tác Chung một niềm tin chiến thắng được phát động đúng lúc, nói lên sự mong muốn của toàn thể hệ thống chính trị và nhân dân TP.HCM cũng như cả nước mong muốn sớm chiến thắng đại dịch Covid-19. Cuộc vân động cũng tạo cho các tác giả có cơ hội bày tỏ cảm xúc của mình đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng như những tâm tư tình cảm trong những ngày TP.HCM thục hiện giãn cách xã hội… Những ca khúc ca ngợi lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, những tình cảm gia đình của đội ngũ y, bác sĩ, những em bé mới 5, 6 tuổi phải tự đi cách ly một mình, những đữa trẻ mới sinh ra đã mồ côi… tất cả những cảm xúc thật đó đã hình thành nên những giai điệu và ca từ tuyệt vời mang yếu tố tích cực cho cuộc sống ngày mai tươi sáng khi đại dịch qua đi được gửi đến cuộc vận động” (Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch Hội âm nhạc TP.HCM)
* Không ít người nghe ca khúc này hẳn đã suy nghĩ: vì sao một người trẻ - thế hệ 9X như anh đã mang một Sài Gòn tôi sẽ “chạm” đến trái tim và thành “hit” của nhiều thế hệ như vậy…
- Nếu bạn hỏi tôi, điều gì khiến tôi hình thành nên bài Sài Gòn tôi sẽ, tôi sẽ nói là vì bản tính “nhiều chuyện trong âm nhạc” của mình. Tôi thích kể lể nhưng không phải bằng văn viết mà là bằng giai điệu và ca từ, để khắc họa nỗi xót xa trước thành phố của mình – nơi vẫn ồn ào tấp nập bỗng “cửa đóng then cài để bao người nhớ thương”.

Ca sĩ Ngọc Linh hát Sài Gòn tôi sẽ

Ảnh: NSCC

Còn nếu bạn hỏi tôi vì sao người ta hát và nghe nhiều, tôi nghĩ có lẽ là do 3 yếu tố. Thứ nhất, có lẽ vì họ đồng cảm với tôi. Trong thời khắc bài hát ra đời, nó khắc họa được thực tế lúc đó nên họ đồng điệu. Thứ hai, tôi nghĩ do tôi tả thực, viết giản dị, có sao viết vậy, không hoa mỹ, không ẩn dụ, không trừu tượng nên dễ hiểu và dễ dàng đến với công chúng. Thứ ba, giai điệu và tiết tấu cũng dễ nghe, dễ hát, dễ thuộc, nên người ta muốn thể hiện lại qua lăng kính của họ nên góp phần đưa bài hát đi xa.
Nếu bạn hỏi tôi điều gì khiến nó thành hit, tôi nghĩ chắc là do may mắn. Do tôi không phải nhà sản xuất âm nhạc chuyên nghiệp nên không thể tạo ra những bản hit hay dự đoán bài nào sẽ thành hit theo mong muốn. Nhưng bạn dùng chữ “hit” làm tôi rất là vui luôn!
* Là người gắn bó và yêu Sài Gòn – TP.HCM đến thế, anh sẽ tham gia cuộc vận động sáng tác “Chung một niềm tin chiến thắng” do Sở VH- TT TP.HCM phát động?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ theo con đường sáng tác chuyên nghiệp, nhưng tôi vẫn tham gia cuộc vận động sáng tác. Bởi tôi biết, cuộc vận động cũng không nhằm mục đích thương mại, mà nhằm cổ động tinh thần của mọi người trong lúc dịch giã.  Tôi, bằng công sức và kỹ năng của mình dù ít ỏi vẫn muốn góp một chút cùng bao nghệ sĩ đang tạo ra cái đẹp và cảm xúc tích cực cho công chúng.
*Thành công của bài hát Sài Gòn tôi sẽ có khiến thầy giáo muốn phát triển song song cả 2 công việc: dạy học, sáng tác?
- Không. Tôi vẫn sẽ sáng tác như một sở thích, như một cái tính “nhiều chuyện trong âm nhạc”, nhưng tôi không xem đó là một nghề nữa (không viết nhạc để lấy tiền hay vì tiền) nên càng không thể bỏ nghề giáo được đâu! Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ theo con đường sáng tác chuyên nghiệp, nhưng tôi vẫn tham gia cuộc vận động sáng tác. Bởi tôi biết, cuộc vận động cũng không nhằm mục đích thương mại, mà nhằm cổ động tinh thần của mọi người trong lúc dịch giã. Tôi, bằng công sức và kỹ năng của mình dù ít ỏi vẫn muốn góp một chút cùng bao người nghệ sĩ đang tạo ra cái đẹp và cảm xúc tích cực cho công chúng.

Nguyễn Thái Dương sinh năm 1991 tại TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành Công nghệ sinh học trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM, anh "bén duyên" với công việc giảng dạy tiếng Anh, sáng lập và điều hành một hệ thống trung tâm Anh ngữ

Ảnh: TGCC

* Theo anh điều gì làm nên thành công cho ca khúc?
- Một ca khúc muốn thành công (tức được nhiều người đón nhận) sẽ cần phải có nhiều yếu tố. Ở đây, tôi xin chia sẻ quan điểm của mình về những yếu tố tự nhiên (không qua công nghệ lăng xê). Khi đó, một bài hát có thể sẽ được nhiều người nghe nếu:
Một là, có một câu chuyện rõ ràng. Và chỉ một mà thôi. Đôi khi người viết “tham” nên đặt nhiều ý, nhiều tứ vào trong đó quá mức khiến khán giả khó hiểu, khó nhớ thì họ sẽ không đón nhận.
Hai, câu chuyện đó phải đúng với tâm trạng của nhiều người. Nó giống như một bộ phim thu nhỏ, phải có kịch tính hoặc phải có bài học hoặc phải có gì đó thú vị để họ theo dõi câu chuyện.
Và ba, giai điệu đẹp và bắt tai là điều đương nhiên.
Trên đây là một số ý kiến của tôi với tư cách là một người nghe nhạc, thì tôi cho rằng tôi sẽ nghe nhiều nếu bài hát hội tụ được ba yếu tố đó.
Cảm ơn Nguyễn Thái Dương đã chia sẻ!
 
793 tác phẩm tham gia
Sau 2 tháng tổ chức, cuộc vận động sáng tác và dàn dựng, phổ biến tác phẩm văn học nghệ thuật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với chủ đề “Chung một niềm tin chiến thắng”, do Sở VH-TT TP.HCM phát động, đã nhận được 793 tác phẩm tham gia. Trong đó, tác phẩm văn học có 260 tác phẩm: thơ: 201 tác phẩm, truyện ngắn: 21 tác phẩm; bút ký: 22 tác phẩm; tản văn: 14 tác phẩm; khác: 02 slogan. Ở lĩnh vực âm nhạc, có 447 tác phẩm dự thi. Trong đó, mảng ca khúc có 314 tác phẩm; viết lời mới cho dân ca có 16 tác phẩm; bài bản đờn ca tài tử và bài vọng cổ: 117 tác phẩm. Ở lĩnh vực sân khấu có 14 tác phẩm, gồm 11 tác phẩm kịch nói; 3 tác phẩm cải lương. Ở lĩnh vực múa có 2 tác phẩm. Ở lĩnh vực mỹ thuật có 51 tác phẩm, trong đó hội họa: 16 tác phẩm, điêu khắc: 1 tác phẩm, đồ họa 34 tác phẩm. Nhiếp ảnh: 19 tác phẩm. Ở lĩnh vực điện ảnh: chưa có tác phẩm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.