Tác giả ‘Nhẫn cỏ cho em’ – nhạc sĩ Vinh Sử giã từ gác trọ

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
10/09/2022 13:58 GMT+7

Nhạc sĩ Vinh Sử - tác giả tình khúc Nhẫn cỏ cho em - qua đời ngày 10.9 ở tuổi 78 để lại bao tiếc nuối cho người mộ điệu, đặc biệt là những ai ưa thích dòng “nhạc sến” của ông.

Với hàng trăm ca khúc trong sự nghiệp sáng tác, Vinh Sử được mệnh danh “vua nhạc sến” vì nhạc ông đa số thuộc dòng bolero với ca từ dễ đi vào lòng người mà tiêu biểu là nhạc phẩm Nhẫn cỏ cho em.

Tôi còn nhớ như in ngày mình mười tám, đôi mươi của thập niên 80 thế kỷ trước. Sài Gòn ngày đó nghèo và không có gì giải trí ngoài việc nằm nghe cassette, đọc truyện hay xem phim trắng đen trên truyền hình. Những ngày mưa, đám bạn kéo đến nhà ngồi ôm đàn guitar nghêu ngao hát. Và nhạc phẩm Nhẫn cỏ cho em thì không bao giờ thiếu.

"Vua nhạc sến" Vinh Sử qua đời ở tuổi 79

“Anh nghèo nên chẳng nhẫn kim cương/Tặng em theo sính lễ tơ hồng/Thì đây anh đan nhẫn cỏ/Tặng em coi như bỏ ngõ/Lòng anh chắc em đã biết…”. Ca từ đơn sơ, mộc mạc như bản tính của nhạc sĩ - một người sinh ra và lớn lên giữa đất Sài thành.

Nhạc sĩ Vinh Sử tâm sự nhạc mình viết dành cho giới bình dân, lao động

t,l

“Đó là một kỷ niệm khó quên của mối tình học trò, khi tui ngồi im như thóc trước mặt người bạn gái xinh đẹp học cùng lớp. Cô bé ấy hồi hộp chờ tui nói điều gì đó rất quan trọng như lời đã hẹn cả mấy ngày trước. Ấy thế rồi một chiếc nhẫn được tui tết bằng những cọng cỏ để trao tặng cho người mình yêu thầm nhớ trộm ngày đêm”, ông nhớ lại. Và, chiếc nhẫn cỏ ấy đã trở thành hình tượng cho bài hát bày tỏ tình yêu của ông.

“Tình yêu đâu còn ý nghĩa gì. Bởi cô gái ấy quên bẵng mọi kỷ niệm với chiếc nhẫn cỏ và xa nhau mãi mãi. Kiếp nghèo mà”, ông nói tỉnh queo giữa tiếng ồn ào của dòng xe cộ chạy băng băng trên đường phố cách đây 14 năm.

Chấp nhận kiếp nghèo

Ngày đó nhạc sĩ Vinh Sử còn khá phong độ khi chỉ ở tuổi ngoài 60. Tôi hẹn gặp ông tại một quán cà phê “cóc” ở Sài Gòn. Ông đến bằng chiếc xe gắn máy “cà tàng” nhưng ăn mặc rất “híp”: áo chemise “chim cò” sặc sỡ, quần tây đen thẳng pli, tay và cổ đeo vô số vòng bạc, lục lạc… Trông ông đầy cá tính nhưng nói chuyện rất tình cảm và chân thành.

Ông kể sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mẹ gốc Bắc làm phu đồn điền cao su cho Pháp rồi lưu lạc đến Sài Gòn, chọn quận 4 làm nơi dừng chân bằng nghề… làm bún. Gần 10 tuổi ông mới được vào lớp 1 do… nghèo nhưng vẫn còn may hơn 3 anh chị không được đến trường.

Năm 15 tuổi ông bắt đầu mày mò viết nhạc bằng cách... tự học qua sách. Vận may đến khi bài Yêu người chung vách được danh ca Chế Linh thu âm và phát liên tục trên đài phát thanh. Sau đó là hàng loạt ca khúc đưa tên tuổi ông vang danh khắp miền Nam như Gái nhà nghèo, Nhẫn cỏ cho em, Hai bàn tay trắng, Người phu kéo mo cau

“Trước 1975 tui ăn chơi bạt mạng lắm. Ngày đó tiền dễ kiếm quá nên tui sa ngã, có đêm xài cả lượng vàng mà không hề tiếc nuối, em út thì ôi thôi bu quanh như kiến. Vậy mà giờ đây tui ở nhà thuê, ăn cơm bụi, thiếu trước hụt sau. Nhưng mà thôi cuộc đời do mình chọn, có chơi có chịu chứ trách ai?”, Vinh Sử kể bằng giọng không hề than vãn.

Ở tuổi 65 ông vẫn đi bỏ mối hàng ở các phố chợ quận 1, quận 3. Đêm đêm, trong các con hẻm, góc đường lại vang lên những bài hát của ông, về phận người, về tình yêu dang dở... với nỗi niềm ngậm ngùi tràn về trong tâm hồn cô quạnh trải qua bao gió bụi, dặm trường của người nghệ sĩ nghèo. Khán giả thích nhạc ông vì được ông an ủi, vỗ về, sẻ chia, trong từng nỗi buồn và sự chia xa nghìn trùng...

Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, tự học sáng tác nhạc

t.l

Mấy mươi năm trước, chàng nhạc sĩ trẻ Vinh Sử đã tạo nên xu thế âm nhạc bình dân, chân thật và gần gũi người lao động vất vả, chân lấm tay bùn. Với giai điệu dịu dàng, đôi khi pha chút sầu muộn, thê lương, nhiều bài hát của Vinh Sử còn chiếm lĩnh tình cảm của cả giới trí thức và học sinh, sinh viên. Bởi họ, ai cũng có những nỗi niềm khó chia trong tình yêu, hôn nhân và cuộc sống nơi phố thị. Và nhạc sĩ Vinh Sử đã làm được điều đó.

“… Hai bàn tay trắng, nghèo xơ xác nghèo/Nên em ra đi, không nói một điều/Ngày mai em vui duyên thắm, người ta mua em nhung gấm/Anh không ngờ, em bạc như vôi…”.

Ca từ nhạc phẩm Hai bàn tay trắng nói lên hình hài, vóc dáng của Vinh Sử trong âm nhạc, nơi ông được “thương” bằng những lời chân thật, chấp nhận và vui sống với kiếp nghèo, đồng hành cùng bao số phận người nhập cư đất Sài thành. Nên không gì lạ khi ông được nhiều người mến mộ.

Bài Chuyến xe lam chiều là tâm trạng không nói thành lời của bao chàng trai nghèo ngày đó, lủi thủi theo sau người thầm yêu trộm nhớ mà không dám tỏ bày.

Em xuống xe lam đi vào hẻm sâu/Anh vội theo chân ngõ hồn xôn xao/Làm quen chuyện vãn dăm câu/Niềm vui mộng ước ban đầu/Trong đã rồi mặt ngoài còn e…”.

Và: “Còn đâu một chuyến xe lam/Ngày nao mộng ước vô vàn/Nay kỷ niệm em một mình mang”.

Nhạc sĩ tâm sự nhạc mình viết dành cho giới bình dân, lao động: “Tui đã gửi hết tâm, ý của mình vào các nhạc phẩm, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng trong những xóm nghèo. Tui nghĩ rằng nhạc của mình là tiếng nói của một bộ phận dân chúng cần lao. Nghe nhạc tui họ đều công nhận đó là nhạc của người Việt, không lai căng, pha tạp”.

Cuối đời, nhạc sĩ Vinh Sử sống trong cơ hàn. Ông chấp nhận và chống chọi với bệnh tật suốt 10 năm dài. Giờ đây ông đã buông tay. Ở thế giới bên kia chắc rằng ước nguyện ngày xưa của ông được thỏa khi mà nhẫn cỏ, nhẫn vàng hay nhẫn kim cương đều như nhau.

“Người ta mua em gấm lụa/Còn anh trao em nhẫn cỏ/Thì em phải bận tâm gì…”.

Vĩnh biệt Vinh Sử, một nhạc sĩ tài năng. Người tạo nên ký ức đẹp trong lòng nhiều chàng trai, cô gái đất Sài thành mấy mươi năm trước. Hàng trăm ca khúc bolero của ông mãi sống cho dù hình bóng ông xiêu vẹo bước giữa phố phường ngày càng lùi xa, ẩn khuất trong kỷ niệm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.