Tả tơi thanh trà đặc sản

Đình Toàn
Đình Toàn
14/12/2020 07:22 GMT+7

Hàng trăm hộ nông dân đang điêu đứng, thiệt hại cả trăm tỉ đồng và các vườn cây thanh trà đặc sản này phải mất nhiều năm nữa mới có thể xanh lại...

Các vườn thanh trà nổi tiếng xứ Huế bị những trận bão lũ liên tiếp vùi dập đến tả tơi. Hàng trăm hộ nông dân đang điêu đứng, thiệt hại cả trăm tỉ đồng và các vườn cây thanh trà đặc sản này phải mất nhiều năm nữa mới có thể xanh lại...

Nông dân trồng thanh trà tả tơi sau lũ bão: "Chết hết rồi, không cứu được nữa"

Không phải ngẫu nhiên mà cái tên Hương Trà được tiền nhân đặt cho một thị xã của tỉnh Thừa Thiên-Huế, nằm cách TP.Huế chừng 15 - 20 km về phía bắc. Đây là vùng đất có những cánh đồng màu mỡ, có dòng sông Bồ chảy từ Trường Sơn xanh thẳm hằng năm bồi đắp một lượng lớn phù sa cho hạ nguồn vào mùa mưa lũ. Cũng nhờ phù sa, đất đai màu mỡ mà từ bao đời nay người dân chọn thanh trà làm một giống cây trồng chủ lực. Vào mùa ra hoa cuối đông đầu xuân, hương tinh khiết của hoa thanh trà hay hoa bưởi tỏa ra làm xao xuyến cả một vùng trời. Nhưng năm nay hẳn điều đó sẽ không còn…
Tả tơi thanh trà đặc sản

Ông Châu Ca, P.Hương Vân (TX.Hương Trà) chỉ những loại nấm, bệnh sau lũ khiến cây thanh trà khó cứu được

Bạc trắng vùng xanh tơ

Cả một vùng chuyên canh cây thanh trà ở P.Hương Vân nằm cách không xa sông Bồ vốn mơn mởn xanh, nay bạc trắng một màu. Những khu vườn thanh trà trồng thẳng tắp, cây cách cây 6 m tán phủ như những chiếc dù che cho người nông dân chợp mắt một giấc ngon giữa trưa hè, nay trơ trọi, tàn lụi. Hầu hết các vườn thanh trà đã chết. Thi thoảng trong một khu vườn còn một số cây thoạt trông vẫn còn xanh lá, nhưng gốc thì bắt đầu thối dần, nấm bệnh xâm nhập lan từ gốc lên ngọn.
 Để phát triển cây thanh trà, bưởi lâu dài, bền vững hơn, TS Nguyễn Văn Dũng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ NN-PTNT), cho rằng công tác quy hoạch vùng rất quan trọng. Nhu cầu đặt ra là phát triển năng suất cao, chất lượng tốt nhưng cũng phải tránh cho được vùng ngập lụt thường xuyên. Khi lũ rút, nông dân cũng cần sớm khơi thông nước ứ cho toàn bộ vườn cây, sau đó chăm sóc thúc đẩy bộ rễ phát triển, phòng trừ sâu bệnh… Với diện tích nào mà cây đã thật sự chết thì cần có kế hoạch trồng thay thế.
Liên quan đến phương án hỗ trợ giống cây ăn quả, ông Dũng cho rằng khác với giống lúa, giống ngô có nguồn dự trữ quốc gia (sau lũ nhà nước có thể cung cấp), cây ăn quả phải có thời gian để nhân giống. “Bây giờ nhân giống bằng phương pháp ghép, mà chúng ta không có nguồn cây giống từ trước thì ít nhất cũng mất một năm tính từ khi sản xuất gốc ghép cho đến lựa chọn các cành ghép đạt tiêu chuẩn những cây đầu dòng. Như vậy chúng ta mới có nguồn cây giống tốt và sạch bệnh”, ông Dũng nói.
Ông Hồ Bé (tổ dân phố Lại Bằng, P.Hương Vân) đã 4 năm qua không ngơi nghỉ để chăm bẵm cho vườn thanh trà 7.500 m2. Chỉ còn khoảng nửa năm nữa thôi, vườn thanh trà của ông sẽ cho lứa quả đầu tiên. Vậy mà giờ đây ông chết lặng đứng nhìn vườn thanh trà chết úng, chết khô. “Cứ mỗi lần nhìn vườn cây là mỗi lần đau thắt ruột. Tui ước tính mùa hè tới thu được chừng 250 triệu đồng, thế mà chết hết cả rồi”, ông nói. Ông Bé dẫn chúng tôi đi quanh khu vườn, chỉ từng gốc thanh trà mà ông đã kỳ công chăm sóc nhiều năm. Ở một số cây còn xanh gốc, bắt đầu xuất hiện nhiều mảng đốm trắng, đỏ trên thân mà người nông dân này biết chắc đấy là nấm, bệnh, chẳng bao lâu nữa khi nắng lên thì cây thanh trà sẽ khô, chết.
Ông Châu Ca (tổ dân phố Lại Bằng 1) cùng cảnh ngộ với ông Bé, khi vườn thanh trà bị lũ ngâm suốt hơn 1 tháng, đợt lũ này vừa hạ được một chút thì đợt lũ sau ập vào. Lũ cao đến gần 3 m, ngập tận đọt cây 3 - 4 tuổi. Hầu hết các vườn thanh trà ở P.Hương Vân đều gặp nạn. Theo thống kê sơ bộ, đã có khoảng 130 ha trên tổng số 150 ha thanh trà ở đây bị chết sau bão lũ. “Lũ dưới chân, bão trên đầu. Tôi dùng dây cáp buộc cây lại cho đỡ long gốc, thế mà nó cũng không chịu nổi gió bão. Chết cả!”, ông Châu Ca kể thêm.
Rất ít khu vườn nằm ở khu vực cao để thanh trà còn trụ được. Chủ tịch UBND TX.Hương Trà, ông Hà Văn Tuấn, chia sẻ khó khăn lớn nhất đối với người dân hiện giờ là tìm nguồn giống để tái trồng, phục hồi sinh kế. Hiện lãnh đạo thị xã đã chỉ đạo các phòng, ban đơn vị chuyên môn phối hợp cơ quan chuyên môn của tỉnh, T.Ư hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ thuốc để bước đầu bà con cứu lấy một số ít diện tích thanh trà còn có khả năng cứu được...
Tả tơi thanh trà đặc sản

Nhiều khu vườn thanh trà chuyên canh ở phía bắc tỉnh Thừa Thiên-Huế khô chết sau lũ, bão

Khan hiếm nguồn giống

Cùng với P.Hương Vân, tình trạng cây ăn quả có múi (bưởi, cam, quýt…) nói chung và cây thanh trà nói riêng bị chết do lũ, bão xảy ra ở nhiều địa phương tỉnh Thừa Thiên-Huế, như vùng Thủy Biều (TP.Huế), một số xã, thị trấn của H.Phong Điền. Tại H.Phong Điền, qua thống kê sơ bộ đã có đến 300 ha thanh trà, bưởi da xanh bị chết khó có khả năng phục hồi. Sau những đợt lũ, bão vừa qua, toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có khoảng 540 ha cây ăn quả có múi bị ngã đổ, chết do thối úng, sâu bệnh, ước thiệt hại trên
150 tỉ đồng. Trong số đó, riêng cây thanh trà, bưởi khoảng
450 ha, với mỗi héc ta cho thu 250 - 300 triệu đồng, người nông dân mất trên 120 tỉ đồng.
Có mặt tại xã Phong Thu (H.Phong Điền), địa phương giáp tỉnh Quảng Trị, những ngày này, ai cũng có thể cảm nhận được sự xót lòng của bà con trồng thanh trà nơi đây. Nhiều hộ dân vừa mới ngắm nhìn vườn cây xanh mướt đã có trái bói và ngập tràn hy vọng, nay đã khô khốc, trụi lá, buộc phải nhổ bỏ. “Đau như đứt từng khúc ruột. Hơn 200 cây thanh trà 2 năm tuổi không còn sống nổi một cây nào. Giờ thành củi đốt cả, đau lắm! Lũ rút, chúng tôi động viên nhau cố gắng cứu cây. Cũng bấm cành, xáo rễ, nhưng hầu như không cứu nổi bởi vì lụt sâu quá, lũ rút mà phù sa còn dính tận đọt cây”, ông Trần Toàn (ở xã Phong Thu) bộc bạch.
Trước những khó khăn của nông dân Thừa Thiên-Huế, mới đây đoàn công tác Bộ NN-PTNT gồm Trung tâm khuyến nông quốc gia, Viện Khoa học nông nghiệp VN đã đến khảo sát thực địa. Ngay sau đó, một số chuyên gia, kỹ sư đã được điều động về TX.Hương Trà, H.Phong Điền trực tiếp hướng dẫn người dân cứu lấy số ít diện tích thanh trà, bưởi còn có khả năng sinh trưởng sau lũ. Tuy nhiên, điều nan giải nhất là nguồn giống để trồng lại khi có trên 80% vườn cây thanh trà và bưởi bị chết.
Trực tiếp khảo sát, nắm tình hình cây thanh trà, bưởi xứ Huế sau lũ, bão, TS Nguyễn Văn Dũng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ NN-PTNT), cho rằng giải pháp hiện nay là với những vườn cây có thể phục hồi được (tức tán còn lại phía trên cây xanh tốt) thì lập tức cắt bỏ những cành cây bị bệnh chết; chăm sóc cây bằng cách xới xáo ngay sau khi đất khô ráo bên trên bề mặt; bón thêm phân hữu cơ và chế phẩm vi sinh, tưới thuốc kích thích rễ... Nông dân cũng chú ý lựa chọn những cây có giống tốt để trồng bổ sung số diện tích đã bị chết, tránh các loại giống không đạt tiêu chuẩn...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.