'Tà áo xanh' đã về với mây trời...

Ngọc An
Ngọc An
20/03/2021 07:01 GMT+7

NSƯT Lê Hằng - “ngôi sao” âm nhạc tiền chiến Hà Nội, giọng ca chủ chốt của Đoàn văn công Quân khu Việt Bắc, nàng thơ trong nhiều tình khúc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, đã về với mây trời trong một ngày mùa xuân.

“Anh còn nhớ em nói rằng/Sao mùa xuân lá vẫn rơi? Sao mùa xuân lá vẫn bay?…”, những lời ca trong nhạc phẩm Tà áo xanh được Đoàn Chuẩn viết dành tặng một người con gái.
“Tôi biết ông ấy sáng tác ca khúc đó cho tôi, vì tôi hay mặc áo xanh. Tôi từng đến nhà ông ấy, ra ngoài ban công đứng, và buột miệng thốt lên sao mùa xuân mà lá vẫn rơi”, NSƯT Lê Hằng chia sẻ lúc sinh thời, như một lời xác nhận bà chính là “bóng hồng” được nhạc sĩ Đoàn Chuẩn nhắc đến trong Tà áo xanh.

Dấu ấn cuộc tình trong những tình khúc

“Bà Lê Hằng, mà lúc đó hay gọi là Thanh Hằng, đoạt giải nhất kỳ thi hát của Đài phát thanh Hà Nội năm 1953. Ông Đoàn Chuẩn gặp bà ở đấy và rất muốn bà hát những nhạc phẩm của mình”, nhạc sĩ Thụy Kha - người có khoảng thời gian gắn bó với nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, chia sẻ và cho hay Đoàn Chuẩn mua hẳn một rạp hát để ca sĩ Thanh Hằng (Lê Hằng) biểu diễn.
Theo khảo cứu được đưa ra trong cuốn Một thời Hà Nội hát của nhà văn Nguyễn Trương Quý, chương trình đón xuân Ất Mùi 1955 (năm đầu tiên Hà Nội đón cái tết hòa bình sau 9 năm kháng chiến) của rạp Đại Đồng mà Đoàn Chuẩn làm chủ, có quảng cáo những danh ca đương thời: Ngọc Bảo, Huyền Nga, Thanh Hiếu, Anh Tuấn, Minh Đỗ… và cả cái tên Thanh Hằng.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý từng nhiều lần trò chuyện với NSƯT Lê Hằng khi thực hiện cuốn Một thời Hà Nội hát. Nhà văn kể, thoạt đầu, lúc hỏi về mối tình với nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, bà vẫn tránh không nói gì. “Có cảm giác vẫn còn có một độ tổn thương nào đó”, nhà văn Nguyễn Trương Quý nói và nhớ lại lần đến nhà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn vào năm 1996, ông được nhạc sĩ đưa cho xem tấm hình người phụ nữ mặc quân phục đã luống tuổi, như ý nói về nàng thơ của mình mà sau này ông Quý mới hay đó chính là bà Lê Hằng. Khi nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã qua đời, có một đài truyền hình muốn quay phim tư liệu về ông, con trai ông là Đoàn Liêm đã đưa chiếc va li gồm những tài liệu mà nhạc sĩ để lại cho nhà văn Trương Quý xem. “Trong va li, hình ảnh người phụ nữ duy nhất chính là bức ảnh mà tôi đã nhìn thấy lúc trước. Khi tôi chụp lại và mang đến nhà bà Hằng, cả bà và các con bà đều rất ngỡ ngàng. Đó không phải là bức ảnh chụp bà thời xuân sắc, mà lúc đã 60 tuổi. Có vẻ như mối tình đó với ông Chuẩn rất dài lâu”, nhà văn Trương Quý nhớ lại.
Nhạc sĩ Thụy Kha kể, vợ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, khi biết chồng mình có tình cảm với bà Hằng, đã tìm đến nhà bà Hằng và nói ý rằng: “Nếu em thực sự yêu thì chị sẽ nhường cho em, nhưng em phải có trách nhiệm nuôi những đứa con của chị”. “Lúc đó, bà Hằng còn quá trẻ, nên quyết định chia tay”, nhạc sĩ Thụy Kha kể. Còn bà Lê Hằng lúc sinh thời có nói: “Bà ấy có tới gặp tôi và chúng tôi nói chuyện với nhau. Bà ấy bảo giữa em và chị có một người phải hy sinh. Tôi bảo thế thì tôi là người hy sinh. Ông có vợ rồi, tôi không thể yêu được”.
Theo nhạc sĩ Thụy Kha, bà Hằng có người chú ở chiến khu nên đã quyết định lên trên đó, chia tay nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Sau này, lúc bà Hằng lấy chồng, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết ca khúc Lá đổ muôn chiều, rồi sau đó là Chiếc lá cuối cùng, mà theo nhạc sĩ Thụy Kha, là ca khúc cuối cùng viết về bà Hằng trực tiếp.

Giọng ca tiền chiến hát nhạc cách mạng tiêu biểu

Nhà văn Nguyễn Trương Quý cho rằng bà Lê Hằng có đủ thanh, sắc để trở thành một ngôi sao ở Sài Gòn, nhưng bà không di cư như nhiều giọng ca cùng thời, mà lựa chọn ở lại và dành tuổi xuân lên vùng núi, biểu diễn phục vụ bộ đội. “Có một điều hay là khi chuyển sang hát nhạc mới hay dòng nhạc đỏ, bà vẫn giữ âm sắc có chất trữ tình còn lại của ngày trước. Giọng của bà có độ mềm mại, nền nã, óng ả, mang cả màu dân ca. Khó có ca sĩ nào vượt qua được cô gái Hà Nội Lê Hằng khi hát ca khúc Trước ngày hội bắn mang âm hưởng miền núi, bởi bà có độ luyến láy, nền nảy rất phóng khoáng, tươi trẻ, không có chút gì bi lụy kiểu cũ”, nhà văn Trương Quý cảm nhận.
Theo nhà văn Trương Quý, NSƯT Lê Hằng có sự chuyển đổi thẩm mỹ giống như nhiều văn nghệ sĩ miền Bắc cùng thời. Nhìn nhận về sự đóng góp của những giọng ca tiền chiến hát nhạc cách mạng, mà NSƯT Lê Hằng là nghệ sĩ tiêu biểu, ông Quý nói: “Họ chính là những người đầu tiên thể hiện “trữ tình hóa” dòng nhạc tuyên truyền, trước khi đi theo hướng hàn lâm hóa hay theo lối hát kinh viện. Họ thể hiện bằng tình cảm và bản năng nghệ thuật của mình, đem lại không gian chuyển tiếp mềm mại để từng lời ca đi vào lòng người”.
Ông Quý ấn tượng nhất với sự sôi nổi của NSƯT Lê Hằng (dù lúc đó bà đã bị tai biến, nói chuyện rất khó khăn) khi được hỏi về thời kỳ hát nhạc tiền chiến. “Có những nghệ sĩ không muốn nhắc lại bài hát xưa, kỷ niệm xưa, thậm chí không coi việc hát nhạc tiền chiến là đóng góp đáng kể, nhưng bà lại khác. Bà vẫn có ký ức rất sâu đậm và vô tư chia sẻ. Và tôi nghĩ, bà là trường hợp cân bằng giữa hai thế giới thẩm mỹ ấy”, ông Quý nhìn nhận.
Theo thông tin từ gia đình, NSƯT Lê Hằng (tên thật Lê Lệ Hảo), sinh năm 1935 tại Hà Nội, đã qua đời lúc 19 giờ 50 ngày 18.3 tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (Hà Nội). Bà ra đi sau thời gian lâm bệnh nặng, hưởng thọ 87 tuổi.
Lễ viếng NSƯT Lê Hằng diễn ra từ 9 giờ 30 - 10 giờ 45 ngày 22.3 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.