Sụt lún làm khó cốt nền đô thị: Phát triển đô thị về vùng đất cao

10/10/2018 07:51 GMT+7

Trong khi nước biển vẫn dâng cao, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, lún đất ngày càng tăng và cốt nền vẫn là “ẩn số” thì các chuyên gia khuyên các địa phương nên quy hoạch, phát triển đô thị về vùng đất cao.

Trước đề xuất này, GS-TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, nói vấn đề cốt nền đã đề cập cách đây vài chục năm nhưng chưa giải quyết được. Cốt quốc gia chưa hợp lý nên chưa làm cơ sở cho các quy hoạch chi tiết của các địa phương.
Bây giờ do tác động của nhiều yếu tố kết hợp như biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, lún đất… do đó, nếu không giải bài toán này ngay từ bây giờ thì sẽ ngày càng khó hơn và không thể xây dựng được đô thị thông minh. Do cốt nền quốc gia xác định chưa chính xác nên chưa có chuẩn để quy hoạch đô thị. Có những nơi xây đắp cao quá nhưng cũng có những nơi xây quá thấp, có nơi đường cao hơn nhà và nhà thành hố đựng nước khiến người dân vô cùng bức xúc. Thậm chí có nơi cốt nền không phù hợp, không xác định chuẩn nên ngập cả đường cả nhà.
“Người quy hoạch không lưu ý, họ chỉ xây càng nhiều nhà cao tầng để có lợi về kinh tế càng tốt mà chưa tính đến tác động của ngập đô thị, làm ô nhiễm môi trường, ngập nước nhiều hơn. Tập trung càng nhiều nhà cao tầng, về mặt tài nguyên môi trường và sức khỏe người dân càng giảm sút. Bản đồ cốt nền phải giải cho ra được các vùng để có cơ sở xây dựng, phát triển đô thị”, ông Bá kiến nghị.
GS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng cốt nền có những cốt chuẩn quốc gia đặt ở các nơi để các tỉnh thành kéo về làm chuẩn cho địa phương trên nguyên tắc làm sao thoát được nước, nên không phải chỗ nào cốt cũng giống nhau. Có một thực tế là một số nơi khi xây dựng họ không tuân thủ cốt nền. Đây là một trong những lý do khiến tình trạng ngập ngày càng nặng. Ngập nặng là tổng hợp nhiều yếu tố: cốt nền, lấp sông rạch, sụt lún cục bộ do khai thác nước ngầm, bê tông hóa quá mức… Nó là bài toán đa ngành, đa lĩnh vực. Chính vì vậy muốn giải bài toán này các bên liên quan phải ngồi lại với nhau.
TS Đỗ Thị Loan, chuyên gia về bất động sản, nhận xét đang có tình trạng “loạn” cốt nền khi xảy ra tình trạng nơi cao nơi thấp. Dự án làm cốt nền cao thì không ngập nhưng khiến nước chảy về chỗ trũng, nơi cốt nền thấp. Do đó, phải có cốt nền chung để làm đường, hạ tầng, thoát nước, nhà… Để hạn chế tình trạng ngập do lún đất, triều cường, biến đổi khí hậu, các địa phương cần định hướng phát triển đô thị về vùng đất cao. Điển hình như TP.HCM có định hướng phát triển về hướng nam và một phần hướng nam. Tuy nhiên hướng này sát với Biển Đông và là vùng đất trũng, yếu nên cần phải xem lại quy hoạch. TP.HCM có thể phát triển về hướng tây bắc, nơi vùng đất cao và nền đất cứng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.