Sức sống của cải lương tuồng cổ

Hoàng Kim
Hoàng Kim
05/03/2022 07:18 GMT+7

Tuồng cổ là một phần trong kho tàng cải lương Việt Nam và có sức thu hút đáng kể đối với khán giả.

Trong giai đoạn cải lương khó khăn thì tuồng cổ cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, gần đây tuồng cổ đã hồi sinh và chứng tỏ một sức sống kỳ lạ.

Trong rất nhiều khán giả chúng ta hiện nay đều có một thời mê say cải lương tuồng cổ. Mà nói chính xác, tiền thân của tuồng cổ là cải lương hồ quảng phát triển mạnh vào thập niên 1960 - 1970 ở miền Nam, và đại diện cho nó là hai đại bang Minh Tơ, Huỳnh Long. Từ biểu diễn trên sân khấu trực tiếp, cho đến thu băng cassette, hai đại bang này đều có lượng khán thính giả khổng lồ.

NSƯT Thoại Mỹ và nghệ sĩ Hoàng Đăng Khoa trong vở Mạnh Lệ Quân

H.K

Trước 1975, các băng cassette hồ quảng như Mạnh Lệ Quân, Sở Vân cứu giá, Hoa Mộc Lan, Chung Vô Diệm, Chiêu Quân cống Hồ, Bao Công tra án Trần Thế Mỹ, Đào Tam Xuân, Dương Quý Phi, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài… bán chạy như tôm tươi và phát khắp hang cùng ngõ hẻm, người ta nghe tới nghe lui cả trăm lần không chán. Các nghệ sĩ tham gia cũng toàn ngôi sao như Lệ Thủy, Minh Vương, Minh Phụng, Mỹ Châu, Thanh Sang, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Bạch Mai, Thanh Tòng…

Sau 1975, hồ quảng được gọi là cải lương tuồng cổ, với những thay đổi đáng kể. Đầu tiên là bớt các bài bản hồ quảng, thêm vào nhiều bài bản cải lương truyền thống. Thứ hai, tuồng tích Tàu cũng giảm rất nhiều, thay vào đó là tuồng sử Việt Nam, nổi bật như Câu thơ yên ngựa, Bức ngôn đồ Đại Việt, Mặt trời đêm thế kỷ, Tô Hiến Thành xử án, Bão táp Nguyên Phong… Những vở này đã trở thành kinh điển, thí sinh trong các cuộc thi thường lấy trích đoạn ra biểu diễn.

Đến thập niên 1980 - 1990, video phát triển mạnh mẽ. Các nhà sản xuất dựng lại các kịch bản nổi tiếng, và cải lương tuồng cổ cũng phát triển rực rỡ với một thế hệ nghệ sĩ mới như Vũ Linh, Ngọc Huyền, Kim Tử Long, Thanh Thanh Tâm, Tài Linh, Chí Linh, Vân Hà, Thoại Mỹ… Băng video vừa xuất sang nước ngoài cho kiều bào xem, vừa bán ngay trong nước, làm giàu cho các hãng băng, và cát sê của một nghệ sĩ ngôi sao trong một băng video lên đến vài cây vàng là bình thường.

Nhóm Chí Linh - Vân Hà vừa thông báo vở Khát vọng vương quyền sẽ được công diễn ngày 9.4 tại Nhà hát Trần Hữu Trang (TP.HCM). Còn đoàn Huỳnh Long thừa thắng xông lên, đang dựng tiếp vở Hoàn Châu cách cách.

Khi video biến mất, khoảng 10 năm nay tuồng cổ hồi sinh trên sân khấu với các vở như Mạnh Lệ Quân, Dương Quý Phi, Xử án Phi Giao, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Giang sơn và mỹ nhân… Đoàn Minh Tơ và Huỳnh Long mới phục hồi một hai năm thôi, nhưng tuồng cổ đã được các nhóm nghệ sĩ đầu tư từ lâu như nhóm Kim Tử Long, nhóm Vũ Luân, nhóm Chí Linh - Vân Hà. Họ không biểu diễn thường xuyên như các đoàn ngày xưa, mà vài tháng ra mắt một lần, tùy chọn rạp hoặc nhà hát lớn, và chỉ diễn chừng 2 - 3 suất. Vài tháng sau lại ra mắt một vở mới, cũng với phương thức như thế. Chính vì hát ít suất, nên giá vé phải cao, từ 1,5 triệu, 1 triệu, đến 700.000, 500.000 đồng. Nhưng khán giả vẫn mua ào ào, chưa bao giờ ông bầu bị lỗ.

Tóm lại, hầu như cải lương tuồng cổ chưa hề bị đứt đoạn, và nó thích ứng rất nhanh với các phương tiện kỹ thuật nghe nhìn. Trong khán phòng, khán giả trung niên chiếm phân nửa, phân nửa còn lại là khán giả trẻ, chứng tỏ tuồng cổ thu hút được thế hệ mới. Thời lượng một vở rất dài, 3 tiếng rưỡi, 4 tiếng là bình thường, chỉ có người trẻ mới ngồi xem nổi. Và khi Minh Tơ, Huỳnh Long hồi sinh, lại càng thêm đông khán giả trẻ, suất hát càng nhiều hơn, là dấu hiệu tốt cho tuồng cổ.

Phát huy ưu thế, khắc phục nhược điểm

Nói về ưu thế của tuồng cổ, NSƯT Thoại Mỹ cho biết: “Sức hấp dẫn nằm ở âm nhạc, trang phục và vũ đạo. Các bài bản hồ quảng rất rộn ràng, phấn khích, trang phục thì rực rỡ, vũ đạo uyển chuyển, rất đẹp. Ngay cả nghệ sĩ chúng tôi cũng phải tập dợt rất công phu, và khi ra diễn rất thích”. Quả đúng như vậy, hồ quảng tiếp thu từ hát bội những trình thức vũ đạo rất hay, rất đẹp và phát triển thêm lên, người xem mê mẩn. Mỗi lần nghệ sĩ đi gối, đi xuyến là khán giả vỗ tay. Một sân khấu rộn ràng và rực rỡ, rất hợp với người trẻ.

Sức hấp dẫn nằm ở âm nhạc, trang phục và vũ đạo. Các bài bản hồ quảng rất rộn ràng, phấn khích, trang phục thì rực rỡ, vũ đạo uyển chuyển, rất đẹp.

NSƯT Thoại Mỹ

Tuy nhiên, NSƯT Hữu Quốc cũng nhận ra nhược điểm của tuồng cổ, và anh đã khắc phục rất tốt trong khi dàn dựng vở Mạnh Lệ Quân cho đoàn Huỳnh Long trình diễn thành công đầu năm nay tại TP.HCM. “Khi diễn tích Tàu, nghệ sĩ rất ham múa vũ đạo mà ít chú trọng tâm lý nhân vật. Tôi phải phân tích tâm lý kỹ hơn, và thêm vào một số lớp để tăng sự ngọt ngào, cảm động”, NSƯT Hữu Quốc cho biết. Đúng là xem Mạnh Lệ Quân thấy chiều sâu nội dung hơn trước.

Về âm nhạc, tuồng cổ có một số bài bản hồ quảng chấp nhận được, và chiếm tỷ lệ không lớn. Nhưng sau này các vở dường như lạm dụng bài bản hồ quảng, vừa nhiều, dài lê thê, lại không hay. Chỉ có Mạnh Lệ Quân khôn khéo lồng vào các điệu lý, phối lại rất mới, rất thú vị. NSND Trần Ngọc Giàu nói: “Chúng ta phải động viên các nhóm khi dựng tuồng thì chú trọng biên tập lại kịch bản, chú ý âm nhạc, đừng quá sa đà vào bài bản hồ quảng. Và rất cần đội ngũ nhạc sĩ sáng tác thêm bài bản cho tuồng cổ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.