Ở nơi chua nhất trong ổ bụng

24/04/2018 12:03 GMT+7

A xít dạ dày mạnh đến độ nếu đem nhỏ vài giọt lên lát gỗ mỏng, nó sẽ ăn thủng trong giây lát. Đôi khi, a xít dạ dày “gặm” thủng cả niêm mạc dạ dày.

       
A xít là một thành phần quan trọng trong dịch vị dạ dày, có tên gọi hóa học là a xít clohydric (HCl). Độ mạnh của a xít nói chung thường được đo dựa trên độ pH với thang đo từ 0 - 14, trong đó độ pH càng nhỏ thì tính a xít càng mạnh. Độ pH của HCl ở mức từ 1 - 3, tức thuộc loại rất mạnh. Trong công nghiệp, HCl được dùng để tẩy sạch gỉ kim loại, để trung hòa nước thải, xử lý nước hồ bơi... Khi khai thác dầu, người ta bơm HCl vào tầng đá của giếng dầu để làm hòa tan bớt đá, tạo các lỗ rỗng. Thậm chí, khi trộn HCl đậm đặc vào a xít nitric đậm đặc, hợp chất này có khả năng hòa tan vàng và bạch kim!
Bạn thấy sức mạnh HCl vẫn quá xa vời ? Nếu muốn tẩy rửa nhà bếp, bồn cầu cho thật sạch sẽ, bạn có thể “xin” dạ dày một chút chất chua. Mọi thứ sẽ bóng loáng ngay cả khi bạn đã pha loãng loại a xít đậm đặc đó với kha khá nước.
Hẳn nhiều người sẽ thắc mắc nếu HCl "hung hăng" như thế, tại sao nó không “xơi tái” luôn món dạ dày sần sật ? HCl sẽ làm điều đó nếu không có lớp chất nhầy bám chặt vào niêm mạc dạ dày, làm trung hòa a xít để HCl không “gặm nhầm” niêm mạc dạ dày. Chính vì thế, nếu vì một lý do nào đó mà đội quân HCl trong dạ dày quá thừa thãi hoặc xảy ra trục trặc ở hàng rào chất nhầy, HCl có thể chọc thủng tuyến phòng ngự để tấn công sang niêm mạc, gây ra chứng viêm, loét dạ dày đau đớn.
Chiến binh đa năng
Nhưng tại sao tạo hóa lại phái kẻ hủy diệt chua lét đến ngự trị trong một cơ quan tối quan trọng như dạ dày? Chính HCl đóng vai trò then chốt để cơ thể có thể hấp thu, tiêu hóa được các chất dinh dưỡng mà chúng ta nạp vào cơ thể. Loại hóa chất này thực sự là cỗ máy nghiền cực xịn để phá vỡ protein trong thức ăn thành các chuỗi a xít amin nhỏ, nhờ đó cơ thể mới hấp thu được chất đạm, theo trang web sức khỏe WebMD. Cũng chính HCl kích thích tuyến tụy và ruột non sản sinh ra các enzym tiêu hóa, hoạt động như những con dao cực bén để tiếp tục phân cắt chất dinh dưỡng thành các đơn chất mà máu có thể hấp thu.
A xít dạ dày cũng cùng lúc là chiến binh tinh nhuệ và cần mẫn để săn lùng và diệt các vi khuẩn, nấm gây bệnh “trà trộn” vào thực phẩm hòng xâm nhập cơ thể. Nhờ thế mà chiến binh mang mã số HCl ngăn chặn đáng kể hàng loạt căn bệnh nguy hiểm, bao gồm ung thư.
Quân ta đánh quân mình
A xít dạ dày lợi hại là thế nhưng rất nhiều rắc rối đều liên quan đến loại hóa chất chua lét này. Một trong những chứng phổ biến, nhất là ở trẻ em, là trào ngược dạ dày thực quản. A xít dạ dày nhiều khi không chịu ở yên ở nơi nó đã "đăng ký hộ khẩu thường trú" mà mon men phá rào lên thực quản, có khi trào lên tới mũi, gây viêm nhiễm ở các cơ quan này. Trên thực tế, đã có nhiều người điều trị viêm xoang mũi lâu ngày không hết cho đến khi phát hiện được căn nguyên: loại dịch vị dạ dày đi hoang. Ngoài ra, a xít dạ dày quá thừa mứa còn có thể làm viêm, loét dạ dày, viêm thanh quản, viêm phổi...
Vậy lượng HCl thấp có an toàn? Hoàn toàn không, trái lại nó có thể khiến cho cơ thể không hấp thu tốt chất dinh dưỡng, khiến vi rút đường ruột phát triển quá mức, thậm chí có thể là nguyên nhân của chứng ung thư dạ dày nguy hiểm...
Một số biểu hiện của chứng dư và thiếu a xít dạ dày lại khá giống nhau, vì thế lắm lúc bị quy hết vào dư a xít: ợ chua, ợ hơi, nóng rát vùng ngực, cổ, đầy bụng... Nhìn chung, tất cả các dấu hiệu cảnh báo liên quan đến đường tiêu hóa đều cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, nhất là khi nó xảy ra kéo dài: đầy bụng, táo bón, chán ăn, đau bụng... Tất cả đều có thể liên quan đến sự rối loạn a xít dạ dày.
(còn tiếp)
Yumangel - Thuốc dạ dày chữ Y hân hạnh hỗ trợ thực hiện chuyên mục này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.