Xin sử dụng tinh trùng của người đã mất

31/12/2018 04:26 GMT+7

Vừa qua, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM từ chối về việc để gia đình bà V.N.H (ngụ Q.Phú Nhuận) nhận tinh trùng của anh T.Đ.T (con trai duy nhất của bà H.) để thụ tinh nhân tạo cho con dâu của bà (chị V.T.B.D).

Anh T. mắc bệnh, qua đời nhưng chưa có con với vợ là chị D. Hiện gia đình có nguyện vọng có con, có cháu.
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 30.12, bà H. cho hay vẫn đang chờ trả lời từ các cơ quan chức năng. Gia đình vẫn hy vọng được giải quyết để nhận mẫu tinh trùng của con trai (tinh trùng trước đó được gửi ở Bệnh viện (BV) Từ Dũ).
Trả lời Thanh Niên, bác sĩ (BS) Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc BV Từ Dũ, cho biết do anh T. bị bệnh nặng, nên có đến BV này gửi 3 mẫu tinh trùng vào năm 2014, 2015. Năm 2016 anh T. lập gia đình với chị D. Năm 2017 anh T. qua đời.
Đầu năm 2018, gia đình bà H. có gửi đơn cho BV Từ Dũ xin các mẫu tinh trùng này để thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) cho người con dâu.
Tuy nhiên theo BS Nhi, do gia đình không cung cấp được giấy đăng ký kết hôn của anh T. với chị D. nên BV không thể cho phép sử dụng tinh trùng của anh T. được. Ngay cả người sống khi muốn TTTON, bơm tinh trùng vào buồng tử cung cũng phải có giấy đăng ký kết hôn. Vì vậy, theo luật pháp thì BV “bí” chỗ này nên không thể giao mẫu tinh trùng đi... lung tung được.
“Theo quy định, khi người gửi tinh trùng mất mà không có vợ thì mẫu tinh trùng phải hủy. Tuy nhiên đến nay BV vẫn lưu giữ nhưng vẫn không thể trao cho gia đình bệnh nhân vì luật pháp chưa có hướng dẫn. BV đã làm đúng luật. Hơn nữa, BV đã có công văn gửi Sở Y tế, Bộ Y tế để xin có thể cứu xét những tình huống ngặt nghèo như vậy hay không. Tuy nhiên, hiện BV vẫn chưa nhận được trả lời”, BS Nhi nói.
Theo GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, trường hợp là vợ chồng cần có giấy đăng ký kết hôn mới có thể lấy tinh trùng của chồng để làm TTTON. Nếu không, người không có giấy đăng ký kết hôn với người có tinh trùng gửi lưu giữ thì chỉ có thể xin tinh trùng vô danh hiến tặng.
TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết thêm với trường hợp trên, BV Từ Dũ đã làm đúng quy định của pháp luật. Vì không có đăng ký kết hôn, nên không là vợ chồng theo quy định của pháp luật. Do đó, người “vợ” đó chưa đủ điều kiện để nhận tinh trùng của người gửi để TTTON.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.