Xảo thuật trong kê toa, bán thuốc

03/11/2008 23:36 GMT+7

Bài 2: Coi chừng chết vì chữ bác sĩ Dân gian thường có câu “xấu như chữ bác sĩ”, hàm ý không phải chê chữ của bác sĩ xấu, mà là tính cẩu thả trong ghi toa thuốc cho bệnh nhân. Nhưng việc viết chữ xấu trên toa thuốc không phải do cẩu thả, mà là cả một “nghệ thuật”...

Bác sĩ ghi, dược sĩ... chào thua

Giữa tháng 10.2008, chị T., một phóng viên Báo Thanh Niên ở văn phòng ĐBSCL, lên TP.HCM khám bệnh tại một bệnh viện chuyên khoa và được bác sĩ kê toa chỉ một loại thuốc. Nghĩ chỉ có một loại, lại đang công việc gấp, chị T. cầm toa thuốc về TP Cần Thơ mua. Thế nhưng, chạy lòng vòng khắp cả TP Cần Thơ mà không hiệu thuốc nào đọc ra tên thuốc. Rốt cuộc, chị T. phải gọi cho người viết bài nhờ trợ giúp, đến bệnh viện nọ hỏi lại giùm tên thuốc.

 

Toa thuốc ghi cẩu thả

“Có những bác sĩ viết chữ rất đẹp, nhưng khi ghi toa, đặc biệt là ghi tên thuốc lại rất khó đọc. Điều đó không đơn giản chỉ vì viết gấp, mà còn có những lý do khác”, một bác sĩ của một bệnh viện tư nói. Lấy ví dụ, trong một số toa thuốc của bác sĩ V.Đ.T (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM mà chúng tôi có đề cập trong bài trước), có loại thuốc kê cho bệnh nhi chỉ ghi “Ben”, nhưng chữ Ben này cũng rất khó để đọc được, mặc dù ở phần tên bệnh nhi bác sĩ viết chữ rất đẹp. Theo chủ nhân một nhà thuốc ở Q.10, “Ben” ở đây là Betalestin (thuốc kháng viêm, kháng dị ứng, trong nước sản xuất). Trong một toa khác, bác sĩ V.Đ.T chỉ ghi “AC”, ý muốn nói là paracetamol! Hay toa của bác sĩ H.T (Bệnh viện Q.6, TP.HCM) kê cho một bệnh nhân, có loại chỉ ghi “HHD”, ý nói thuốc hoạt huyết dưỡng não trong nước sản xuất.

“Ghi như thế thì có cầm toa ra ngoài mua thuốc cũng bó tay. Vì vậy, người bệnh chỉ có cách phải mua thuốc ngay tại phòng mạch, hoặc đến nhà thuốc bác sĩ chỉ định mua thôi”, một bác sĩ khi nghe chuyện nhận xét. Một dược sĩ khác cũng nói: “Với cách ghi như thế, người bệnh không biết đường nào để có thể so sánh giá cả và bác sĩ phòng mạch tha hồ “chém” đẹp”. Vị dược sĩ này còn kể thêm: “Có nhiều toa chúng tôi phải đi từ chẩn đoán bệnh để lần ra tên thuốc, nếu đọc được vài ký tự ở phần đuôi tên thuốc. Nhưng, cũng có toa phải chào thua, không thể nào đọc ra, tốt nhất không bán, lỡ có chuyện gì nguy hiểm lắm”.

Dược sĩ T., chủ nhân một nhà thuốc lâu năm ở TP.HCM kể, mới đây ông phải “chào thua”, không thể bán thuốc theo toa của bác sĩ N.T.T (phòng mạch ở Q.11, TP.HCM), vì toa ghi một loại thuốc “Ald” 250. “Mấy chục năm hành nghề, tôi chưa từng gặp ký hiệu ghi tắt như thế bao giờ. Có thể hiểu đây là một loại kháng sinh (vì có hàm lượng 250), nhưng loại nào thì đâu có bán linh tinh cho người bệnh được”, dược sĩ T. nói.

Cần sòng phẳng với người bệnh

Chuyện bác sĩ ghi toa đọc không được, dù với bất cứ lý do gì cũng đều vi phạm quy định của ngành y tế, đó là: tên, hàm lượng thuốc, cách dùng... phải viết rõ ràng (hoặc viết chữ in hoa) để người bệnh đọc được, nhằm tránh dùng thuốc sai, nguy hiểm.

Trao đổi với PV Thanh Niên về thực trạng này, nhiều bác sĩ cũng không thể chấp nhận. Một bác sĩ công tác tại Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM, bức xúc: “Những bác sĩ ghi toa cẩu thả, thiếu thông tin cơ bản trên toa, hoặc không đưa toa thuốc cho bệnh nhân sau khi khám là rất thiếu trách nhiệm, không sòng phẳng với người bệnh. Đến với bác sĩ, họ phải trả tiền để được khám, chẩn đoán, vì thế bác sĩ phải đưa cho người ta cái toa, và phải ghi chẩn đoán bệnh, ghi tên thuốc, cách dùng rõ ràng để họ biết mà sử dụng. Nếu bác sĩ có bán thuốc đắt hơn bên ngoài một tí, thì người bệnh vẫn đến một khi họ đã tín nhiệm bác sĩ”.

“Việc bác sĩ làm phòng mạch vừa khám bệnh kê toa, vừa bán thuốc là sai quy định, quy định bác sĩ chỉ được khám, kê toa, không được bán thuốc. Nhưng thực tế gần 99% bác sĩ làm phòng mạch “sống” chủ yếu nhờ vào bán thuốc. Điều này cơ quan chức năng biết hết, nhưng đều lơ đi, chỉ kiểm tra, xử phạt khi có phản ánh...”, một bác sĩ ở bệnh viện công tại TP.HCM khẳng định.

Trong quá trình thu thập tài liệu viết bài, chúng tôi có được rất nhiều những toa thuốc bác sĩ làm sai nguyên tắc, sai quy chế kê đơn thuốc. Ngay cả toa của giám đốc một bệnh viện lớn ở TP.HCM kê tại phòng mạch riêng, cũng ghi rất cẩu thả (không ghi số lượng thuốc, ngày tháng, tuổi bệnh nhân...). Toa của bác sĩ Đ.N.T (phòng mạch ở Q.3, TP.HCM) không ghi chẩn đoán bệnh, không ghi hướng dẫn sử dụng thuốc. Toa của một bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Chấn thương – chỉnh hình (TP.HCM) ghi cho bệnh nhân N.V.T.B thì không thể đọc được tên thuốc...

“Bác sĩ viết đọc không ra, trong khi nhân viên nhà thuốc của bệnh viện không có thời gian hướng dẫn cho người bệnh. Vì thế, nhiều người khám, lấy thuốc ở bệnh viện về phải chạy ra nhà thuốc để hỏi lại cách sử dụng”, chị N.N.L, nhân viên một hiệu thuốc ở Q.Tân Bình nói.

Ngoài việc sai nguyên tắc trong kê toa, một số bác sĩ còn ghi toa kiểu bán kèm những loại thuốc bổ, thuốc loãng xương... không cần thiết. Chẳng hạn, toa một tiến sĩ bác sĩ đang làm việc tại một bệnh viện tư lớn ở Q.5, TP.HCM, ghi cho bệnh nhân viêm dạ dày, kèm theo một loại thuốc chống loãng xương giá 3.000 đồng/viên, số lượng mấy chục viên!

Bài 1: Tính tiền hàng hiệu, đưa thuốc rẻ tiền

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.