WHO cảnh báo tiêm kết hợp vắc xin Covid-19 là 'xu hướng nguy hiểm'

Ngọc Minh Khuê
Ngọc Minh Khuê
14/07/2021 04:08 GMT+7

Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 12.7, tiến sĩ Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học gia của Tổ chức Y tế thế giới ( WHO ), phát biểu: “Đó là một xu hướng nguy hiểm. Chúng ta đang không có đủ dữ liệu và bằng chứng về việc tiêm kết hợp các loại vắc xin Covid-19 ”.

Theo đó, nhà khoa học hàng đầu của WHO đã phản đối việc tiêm chủng kết hợp các loại vắc xin Covid-19 của các nhà sản xuất khác nhau cho liều đầu tiên và liều thứ hai.
“Các nghiên cứu đang được thực hiện, chúng ta cần phải chờ đợi kết quả trước khi quyết định. Việc tiêm kết hợp vắc xin có thể sẽ là một cách tiếp cận tốt. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi chỉ có dữ liệu về vắc xin AstraZeneca và Pfizer. Tình trạng hỗn loạn sẽ xảy ra ở nhiều quốc gia nếu người dân quyết định khi nào và ai sẽ tiêm liều thứ hai, thứ ba và thứ tư”, Reuters dẫn lời tiến sĩ Soumya Swaminathan.

WHO nói pha trộn và kết hợp vắc xin Covid-19 là "xu hướng nguy hiểm"

Cùng chia sẻ trong buổi họp báo, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng khoảng cách về nguồn cung cấp vắc xin Covid-19 trên toàn cầu là “cực kỳ không đồng đều và không công bằng”. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết một số quốc gia và khu vực đang đặt hàng triệu liều tăng cường trong khi các quốc gia khác không có đủ nguồn cung để tiêm chủng cho nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương.
Bà Swaminathan nhấn mạnh sự cần thiết phải phân phối vắc xin công bằng trên toàn cầu. “Hiện có 4 quốc gia đã công bố các chương trình tiêm tăng cường và một số quốc gia khác đang tính đến việc này. Nếu11 quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao quyết định tiêm tăng cường cho người dân của mình, hoặc thậm chí là các nhóm nhỏ, thì sẽ cần đến 800 triệu liều vắc xin”, bà Swaminathan phân tích.
Tiến sĩ Swaminathan nhắc lại rằng không có bằng chứng khoa học nào cho thấy chắc chắn cần phải tiêm nhắc lại, đặc biệt là sau khi đã tiêm đủ 2 liều. Thay vào đó, vắc xin cần được phân phối thông qua chương trình COVAX đến các quốc gia chưa tiêm chủng cho nhân viên tuyến đầu, người già và người dễ bị tổn thương.
Tiêm kết hợp vắc xin Covid-19 là phương pháp tiêm chủng sử dụng 2 liều tiêm từ các nhà sản xuất khác nhau. Khi biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới, WHO khuyến cáo mọi người nên sử dụng bất kỳ loại vắc xin nào có sẵn thay vì lựa chọn nên tiêm loại nào. Tuy nhiên, nhiều người sau đó đã quyết định chuyển sang dùng vắc xin sản xuất theo công nghệ mRNA cho liều thứ hai.

Úc cam kết hỗ trợ Việt Nam 1,5 triệu liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca

Hầu hết các loại vắc xin hiện đang được sử dụng, gồm vắc xin của Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca cũng như Sputnik V của Nga, đều được yêu cầu tiêm 2 liều với khoảng thời gian quy định giữa các mũi tiêm khác nhau cho mỗi loại. Trong khi đó, Sputnik V Lite của Sputnik V và Johnson & Johnson là loại vắc xin đơn liều.
Theo Fox News, một nghiên cứu từ Trường ĐH Oxford (Anh) công bố vào cuối tháng 6 đã được trích dẫn nhiều lần như một căn cứ cho phương pháp tiêm kết hợp nói trên. Trong đó, các nhà khoa học đã tìm thấy lịch tiêm chủng hỗn hợp với liều đầu tiên là AstraZeneca, sau đó là Pfizer, sẽ giúp tạo ra kháng thể và phản ứng tế bào T cao hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa trải qua quá trình đánh giá ngang hàng của các nhà khoa học trong cùng lĩnh vực.
Canada, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh là một số quốc gia sử dụng cách tiếp cận tiêm kết hợp. Tại Đông Nam Á, chính phủ Thái Lan ngày 12.7 cũng công bố kế hoạch tiêm liều thứ hai là AstraZeneca cho những ai đã tiêm vắc xin Sinovac.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.