Vụ ngộ độc pate Minh Chay: Vẫn còn nhiều bệnh nhân chờ thuốc giải độc

08/09/2020 04:53 GMT+7

Ngày 7.9, TS-BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết trong các ngày gần đây trung tâm liên tục tiếp nhận các trường hợp đến khám, kiểm tra sức khỏe sau khi ăn pate Minh Chay .

Hiện chưa ghi nhận thêm các ca ngộ độc nặng nhập viện liên quan sản phẩm trên, nhưng trong số đến khám, có các trường hợp ngộ độc nhẹ như: mỏi, yếu cơ. “Các trường hợp này được theo dõi tại y tế cơ sở, triệu chứng do ngộ độc có thể giảm dần. Tuy nhiên, nếu diễn biến bất thường cần đến lại bệnh viện ngay”, BS Nguyên khuyến cáo.

WHO sẽ cấp thuốc giải độc cho bệnh nhân ăn pate Minh Chay mức độ nặng

BS Nguyên lưu ý sau thời điểm Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo khẩn cấp thu hồi sản phẩm “Pate Minh Chay” trên cả nước do sản phẩm này nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum hôm 29.8, vẫn có thêm các trường hợp sử dụng sản phẩm này do không nhận được thông tin và sản phẩm cũng chưa được các địa phương thu hồi hết. Gần đây nhất, ngày 3.9 có trường hợp sử dụng sản phẩm và ngộ độc.
Về sức khỏe hai bệnh nhân đầu tiên (là hai vợ chồng) điều trị tại Trung tâm chống độc do ngộ độc Botulinum sau khi sử dụng pate Minh Chay, BS Nguyên cho hay cả hai đang có diễn biến sức khỏe khả quan hơn sau khi được sử dụng thuốc giải độc hôm 29.8. Trong đó, bệnh nhân nữ có diễn biến tốt hơn hẳn, hiện còn liệt nhẹ ở họng nhưng đã tự ngồi, tự chăm sóc cá nhân, nói được rõ, đã uống được nước, hết sặc và sẽ sớm ăn được trở lại bằng đường miệng. Bệnh nhân nam cải thiện chậm hơn do ăn nhiều pate Minh Chay hơn, nhiễm độc nặng hơn. Các bác sĩ nhận định tình trạng của bệnh nhân này sẽ được cải thiện trong các ngày tới.

Người ngộ độc pate Minh Chay vẫn bị liệt, phải thở máy lâu dài

BS Nguyên cũng thông tin đang có 10 bệnh nhân ngộ độc Botulinum nặng điều trị tại các bệnh viện ở TP.HCM chưa được dùng thuốc giải độc. Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang tiếp tục khẩn trương làm thủ tục nhập 10 lọ thuốc giải độc cho các bệnh nhân này. Thuốc vẫn do WHO viện trợ từ kho dự trữ, có chi phí 8.000 USD/lọ. Trong lần đầu, 2 lọ thuốc giải độc viện trợ được nhập về từ kho dự trữ của WHO tại Thái Lan. Lần này, thuốc sẽ nhập về từ kho dự trữ của WHO tại châu Âu. Đây là thuốc rất hiếm do ít nhà sản xuất vì không sử dụng phổ biến.
Các nước đều ít ghi nhận ngộ độc do Botulinum, nhưng các ca ngộ độc Botulinum do thực phẩm nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum thường rất nặng vì độc tố gây nhiễm độc thần kinh với triệu chứng đặc trưng là: liệt từ vùng đầu mặt lan dần xuống thân và các chi. Bệnh nhân ngộ độc khó nói, liệt cơ hô hấp, liệt tay, chân, thở máy dài ngày, thậm chí tử vong.
“Ngoài các ca ngộ độc liên quan sử dụng sản phẩm pate Minh Chay, không loại trừ cũng có ca khác do thực phẩm ô nhiễm sản xuất tại cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình không đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, có thể do xuất hiện lẻ tẻ, không có triệu chứng điển hình, nên không được chẩn đoán đúng”, TS-BS Nguyễn Trung Nguyên nhận định.

Hai người ngộ độc pate Minh Chay ở Đồng Nai mất hàng tháng để hồi phục

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.