Vỡ giọng kéo dài

29/04/2013 03:05 GMT+7

Vỡ giọng kéo dài là dạng rối loạn giọng ở tuổi dậy thì và thường gây nhiều mặc cảm cho người mắc phải.

Xảy ra nhiều ở nam

PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM), cho biết vỡ giọng kéo dài hay còn gọi là rối loạn giọng ở tuổi dậy thì thường xảy ra ở trẻ nữ khoảng 12-14 tuổi, nhưng nhiều nhất là ở trẻ nam từ 13-15 tuổi.

Rối loạn giọng tuổi dậy thì là giọng có âm vực cao dai dẳng. Dù một số nữ giới tiếp tục có âm vực khá cao và giọng trẻ con ở những năm tuổi dậy thì của họ, nhưng vì tần số cơ bản của nữ thấp hơn (3-4 semitones) nên kết quả phát triển thanh quản không đáng kể như ở nam giới. Mặt khác, nếu giọng nữ cao vẫn không quá khác biệt do ở mức bình thường giọng nữ vẫn là âm vực cao. Vì vậy, những bất thường về giọng nói thường gặp nhiều ở nam.

Vỡ giọng kéo dài
Hướng dẫn luyện giọng cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM - Ảnh: H.Minh

Độ tuổi thường đến khám tại Bệnh viện Tai mũi họng về vỡ giọng kéo dài là từ 16-25 tuổi, đa phần đều nhận thức được vấn đề khác thường ở giọng nói; số ít do đi khám chuyên khoa khác và được bác sĩ phát hiện.

PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Dung phân tích, ở nam, sự chuyển biến mạnh lúc tuổi dậy thì về tầm vóc thanh quản trẻ nhi sang thanh quản người lớn dưới tác động của nội tiết sinh dục. Cụ thể, dây thanh dài ra do thanh quản phát triển đặc biệt theo chiều trước ra sau và đồng thời hạ thấp xuống phía trước cổ. Những thay đổi về tầm vóc và vị trí của thanh quản dẫn đến thay đổi về âm sắc và cao độ của giọng. Cụ thể: trẻ nam trước đây quãng la 2, nay trầm xuống quãng la 1 của người lớn nam giới. Trẻ nữ giọng có trầm xuống nhưng không đáng kể chỉ khoảng 2 hoặc 3 cung (semitones). Ngoài ra, sự tăng, giảm nội tiết tố testosteron cũng là nguyên nhân gây rối loạn giọng kéo dài. Hoặc bệnh nhân mắc một số bệnh về nội tiết do âm sắc và độ cao của giọng phụ thuộc trực tiếp vào nội tiết sinh dục, thượng thận và tuyến yên.

Tự ti, mặc cảm

Bất thường giọng nói không chỉ là âm vực cao mà còn có cả giọng khàn. PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Dung chia sẻ, nhiều bệnh nhân còn có giọng không ổn định, dễ thay đổi. Chính những biểu hiện khác biệt về giọng nói đó làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều người. Khi phát hiện ra sự khác biệt trong giọng nói, nhiều người có xu hướng sử dụng âm lượng nhỏ vì sợ người nghe phát hiện giọng không hay của mình. Thường trong các trường hợp vỡ giọng kéo dài, bệnh nhân cảm giác bối rối vì “không giống ai”. Nhiều học sinh, sinh viên ngại phát biểu trong lớp; phần lớn bệnh nhân cảm thấy ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống, cảm giác mất tự tin trong giao tiếp.

Việc chữa trị để giọng nói trở về bình thường rất quan trọng. Đối với nguyên nhân gây ra giọng nói khác biệt là rối loạn nội tiết tố, hay tình trạng thần kinh cần phải được chú ý và khám các chuyên khoa liên quan. Những rối loạn giọng tuổi dậy thì sẽ được khắc phục bằng kỹ thuật trị liệu giọng nhằm mục đích giảm âm vực cao hơn âm vực bình thường, giúp bệnh nhân có giọng nói phù hợp với người đã qua tuổi dậy thì. Một số kỹ thuật được tiến hành gồm: nội soi thanh quản đánh giá, phân tích giọng bằng phần mềm máy tính và cảm thụ giọng; kỹ thuật thư giãn giúp giảm căng cơ, hỗ trợ tìm lại giọng nói nam tính như phát âm, kể chuyện, tập hát...

Hà Minh

>>  "Bể" giọng tuổi dậy thì 
>> Tuổi dậy thì
>> “Chu kỳ” thất thường ở tuổi dậy thì
>> Hơn 80% học sinh nắm kiến thức tuổi dậy thì
>> Dinh dưỡng cho tuổi dậy thì
>> Bữa điểm tâm nên có ở tuổi dậy thì
>> Dinh dưỡng tuổi dậy thì

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.