Vì sao ta ganh tị, đố kỵ với người khác?

Tạ Ban
Tạ Ban
24/07/2019 10:30 GMT+7

Khi so sánh ta với người khác, ta có thể ganh tị và cảm thấy kém cỏi, thiếu khả năng. Làm sao để thoát khỏi “con quái vật mắt xanh” này?

Từ tiếng Đức Schadenfreude có nghĩa là “harm-joy” hoặc là niềm vui bắt nguồn từ những bất hạnh của người khác. Nhà tâm lý học xã hội Richard Smith cho rằng: “Schenenfreude là một cảm xúc tự nhiên của con người” và “cách so sánh bản thân với người khác đóng vai trò quan trọng trong lòng tự trọng của chúng ta… bản thân sự cạnh tranh là một quá trình so sánh”.
Để củng cố thêm quan điểm này, Smith dẫn lời các nhà tâm lý học tiến hóa, Sarah Hill và David Buss, giải thích rằng sự ganh tị, đố kỵ cảnh báo để chúng ta cải thiện những gì xếp hạng thấp hơn người khác trong các lĩnh vực quan trọng đối với sự sống còn và sinh sản. Cũng giống như cảm giác đói, buồn và sợ hãi, ganh tị là một cảm xúc bình thường, cảnh báo về tình trạng hiện tại của chúng ta, theo theladders.
Trước đó, lý thuyết so sánh xã hội được đề xuất bởi nhà tâm lý học Leon Festinger chỉ rõ, con người nhìn vào người khác như một tiêu chuẩn để đo lường khả năng và hình ảnh của chính họ. Chúng ta có xu hướng so sánh bản thân với (và ghen tị với) những người trong vòng tròn xã hội hoặc địa vị của chúng ta, hơn là những người bên ngoài.
Điều này giải thích tại sao khi ai đó trong nhóm xã hội tương tự nhau bỗng vượt trội, chúng ta cảm thấy ganh tị. Thành công của họ gây ra sự bất an vì khiến chúng ta cảm thấy kém cỏi và thiếu khả năng. Khi họ yếu kém hơn chúng ta theo bất kỳ cách nào, chúng ta cảm thấy tốt hơn, làm tăng lòng tự trọng của chúng ta, theo theladders.
Ngày nay, nhu cầu tiến hóa này của con người diễn ra ở hầu hết các khía cạnh xã hội: Học sinh giỏi và theo học tại các trường đại học danh tiếng được coi là vượt trội so với những người có điểm thấp hơn. Các chuyên gia kiếm được nhiều tiền lương và làm việc cho các tập đoàn lớn được coi là vượt trội so với những người kiếm được ít tiền hơn và làm việc cho các công ty ít được biết đến… Chúng ta còn so sánh sinh ra đố kỵ và ganh tị về mức độ hấp dẫn, hình dáng cơ thể, con cái, vợ chồng, xe hơi và thậm chí cả… chó.
Bên cạnh đó, mạng xã hội phát triển cũng dẫn đến so sánh xã hội quá mức khi người ta cứ nhìn lên những điều tốt đẹp nhất của người khác rồi lại nhìn về điểm thấp kém của bản thân và ganh tị. Không có gì ngạc nhiên khi các nghiên cứu gần đây kết luận rằng người chơi mạng xã hội có nhiều khả năng gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, sự cô đơn và bất hạnh, theo theladders.
Các chuyên gia nhận định lối thoát duy nhất khỏi cái bẫy đố kỵ, ganh tị là nhìn nhận sự so sánh một cách lành mạnh thay vì tránh nó bằng mọi giá. Đừng chỉ đỏ mắt ghen ghét người giỏi hơn mà hãy biến thành công của họ thành động lực, hy vọng và thúc đẩy chúng ta đạt được mục tiêu của mình. Chúng ta có thể học hỏi từ sai lầm của họ và cải thiện những gì họ làm đã có hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.