Vì sao bạn cảm thấy rất đói ngay cả khi đang ăn?

31/10/2019 20:07 GMT+7

Có một số triệu chứng điển hình của bệnh đái tháo đường bạn cần lưu ý và đi khám ngay.

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), một số triệu chứng điển hình của đái tháo đường: đi tiểu thường xuyên; cảm thấy rất khát; cảm thấy rất đói, ngay cả khi đang ăn; mệt mỏi nhiều; nhìn mờ; chậm lành các vết thương hoặc vết loét; giảm cân ngay cả khi đang ăn nhiều hơn (đái tháo đường típ 1); ngứa ran, đau, hoặc tê ở tay hoặc chân (đái tháo đường típ 2). Tuy nhiên, một số người đái tháo đường típ 2 có các triệu chứng nhẹ nên không nhận biết được, do đó, khi “đói” hay “khát” quá mức nên đi khám sức khỏe để tầm soát nguy mắc đái tháo đường.

Chuyên gia về nội tiết chuyển hóa lưu ý thêm, với người được chẩn đoán tiền đái tháo đường, cần có chế độ ăn hợp lý (giảm chất béo động vật, ăn dầu thực vật, dầu cá, để giảm nguy cơ bệnh tiểu đường phát triển); tích cực vận động thể lực và tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ.

Một người được chẩn đoán tiền đái tháo đường khi có một trong các rối loạn sau đây: rối loạn glucose huyết đói (IFG): nồng độ Glucose huyết tương lúc đói từ 100 (5,6mmol/L) - 125 mg/dL (6,9 mmol/L), hoặc rối loạn dung nạp glucose (IGT): Glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ sau khi làm nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống 75 g: từ 140 (7.8 mmol/L) đến 199 mg/dL (11 mmol/L), hoặc kết quả xét nghiệm HbA1c từ 5,7% (39 mmol/mol) - 6,4% (47 mmol/mol).

Tình trạng rối loạn glucose huyết này chưa đủ tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường nhưng vẫn có nguy cơ xuất hiện các biến chứng mạch máu lớn của đái tháo đường, được gọi là tiền đái tháo đường.

Những người có nguy cơ mắc đái tháo đường: phụ nữ được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, có người thân đời thứ nhất mắc đái tháo đường; béo phì nặng có dấu gai đen… Với tất cả mọi đối tượng, xét nghiệm tầm soát đái tháo đường nên từ tuổi 45, đó là yếu tố nguy cơ của đái tháo đường típ 2.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.