Vi rút cúm gia cầm dễ biến đổi thành chủng nguy hiểm

10/04/2013 22:30 GMT+7

(TNO) Ngày 10.4, Bộ Y tế đã chính thức Ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H7N9 ở người”. Và tiếp tục cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm vi rút gia cầm có độc lực mạnh.

(TNO) Ngày 10.4, Bộ Y tế đã chính thức Ban hành“Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H7N9 ở người”. Và tiếp tục cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm vi rút gia cầm có độc lực mạnh.

Theo phác đồ điều trị cúm A/H7N9 mới ban hành, người bệnh cần được lấy mẫu bệnh phẩm, khẳng định bằng xét nghiệm, phân tích gen để xác định chắc chắn nhiễm cúm. Cần phân biệt cúm do H7N9 với các bệnh cúm khác như cúm A/H5N1, H1N1, viêm phổi nặng do vi rút.

 

 Vi rút cúm gia cầm dễ biến đổi thành chủng nguy hiểm
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư sẵn sàng cho tiếp nhận các ca bệnh nhiễm vi rút nguy hiểm - Ảnh: Dương Ngọc

 

 

Bộ Y tế khuyến cáo các ca bệnh nghi ngờ đều cần được khám tại viện, cách ly và làm xét nghiệm đặc hiệu chẩn đoán. Bệnh nhân cần được sử dụng thuốc kháng vi rút Oseltamivir hoặc Zanamivir càng sớm càng tốt. Bệnh nhân có thể diễn biến nặng: suy hô hấp, suy đa tạng. Chỉ được xuất viện sau 3-5 ngày khi tình trạng sức khỏe tốt.

“Sau xuất viện bệnh nhân cần tự tiếp tục theo dõi thân nhiệt 12 giờ/lần. Nếu nhiệt độ hơn 38 độ C trong hai lần đo liên tiếp hoặc có dấu hiệu bất thường khác cần tái khám ngay", TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) lưu ý.

 

Theo ông Phan Trọng Lân, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, vi rút cúm A/H7N9 là chủng mới có nguồn gốc gen từ vi rút cúm gia cầm và một số loài chim, có khả năng gây nhiễm cho người dẫn đến viêm phổi nặng và tiến triển nhanh, tỷ lệ tử vong cao.

Bộ Y tế khuyến cáo, các biện pháp phòng lây nhiễm cúm A/H7N9 bao gồm tăng cường tuyên truyền, không buôn bán vận chuyển, giết mổ sử dụng gia cầm chưa được kiểm dịch đúng quy định; che miệng, mũi khi ho, hắt xì hơi, xì mũi bằng khăn giấy hoặc vệ sinh tay; sử dụng phòng hộ, rửa tay bằng xà phòng khi tiếp xúc gia cầm; tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh hô hấp cấp.

 

Cảnh giác với chim nuôi

GS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế lưu ý, tại Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm cúm A/H7N9. Tuy nhiên với sự xuất hiện trở lại của vi rút cúm A/H5N1 trên người (gần đây nhất là ca vong của cháu bé 4 tuổi), sự tồn tại cúm A/H1N1, làm tăng nguy cơ vi rút cúm tái tổ hợp bùng phát lây lan cho người.

Vi rút cúm có nguồn gốc từ gia cầm có khả năng thích nghi cao, thường xuyên biến đổi cấu trúc gen để tránh sự đề kháng của cơ thể.

“Sự trở lại cúm A/H5N1, tồn tại của cúm A/H1N1 đại dịch và nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập nước ta thực sự là đáng lo ngại cho những biến đổi của vi rút khó lường trước. Nó đặc biệt nguy hiểm bởi cơ thể người chưa có kháng thể chống lại những vi rút mới”, GS Huấn lưu ý.

Theo GS Trịnh Quân Huấn, đáng ngại là tình trạng chim mang vi rút mà không có biểu hiện bệnh, tương tự như gia cầm thủy cầm mang mầm bệnh mà không có biểu hiện bệnh nhưng chúng vẫn là nguồn lây cho người. 

Cũng theo ông Huấn, các vi rút cúm H7N9, H5N1 được biết đến là vi rút tồn tại trong chim hoang dã. Việc chúng di cư có thể gieo rắc mầm bệnh khiến người ta quan ngại về sự bùng phát của một đại dịch cúm. Chúng cũng có thể tồn tại trong chim nuôi: bồ câu, chim cảnh.

Để hạn chế nhiễm chủng vi rút nguy hiểm từ các loài chim, những gia đình nuôi chim cảnh cần nuôi chim trong lồng và ở những khu riêng biệt.

Liên Châu

>> Thêm người chết vì cúm gia cầm H7N9 ở Trung Quốc
>> Thượng Hải tăng cường giám sát sau vụ tử vong vì cúm gia cầm
>> Việt Nam khống chế dịch cúm gia cầm
>> Đối phó với dịch cúm gia cầm
>> Dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.