Vẫn cần thực hiện 5K sau tiêm vắc xin Covid-19

Liên Châu
Liên Châu
31/05/2021 04:12 GMT+7

Một số người có thể mang tâm lý tiêm vắc xin Covid-19 rồi thì không còn sợ nhiễm SARS-CoV-2 nữa. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý: Tất cả mọi người, kể cả người đã tiêm đủ 2 liều, vẫn phải tuân thủ khuyến cáo 5K.

2 lý do chính

Theo TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiêm chủng miền Bắc - Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, tiêm vắc xin Covid-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Tuy nhiên, người đã được tiêm vắc xin Covid-19 vẫn rất cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, trong đó có 5K: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế.
TS Phạm Quang Thái nêu 2 lý do chính: Thứ nhất, vắc xin không đem lại sự bảo vệ tức thì. Ít nhất 14 ngày sau tiêm mũi 1 mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ lúc này chỉ đạt ở mức rất thấp. Sau tiêm mũi 2 từ 1 tháng trở lên thì vắc xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu, và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60 - 90% tùy loại vắc xin.
Lý do thứ 2: Vắc xin không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng phòng ngừa việc mang mầm bệnh. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vắc xin có thể không mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang vi rút và lây bệnh cho người khác.

Một số người đã tiêm vắc xin có thể không mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang vi rút và lây bệnh cho người khác

TS Phạm Quang Thái (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư)

Lưu ý khi tiêm với người có bệnh nặng

Chia sẻ thêm về chỉ định tiêm vắc xin Covid-19, đặc biệt với những người có bệnh nền (đái tháo đường, tăng huyết áp...), PGS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết tất cả các đối tượng trước khi tiêm chủng đều phải được cán bộ y tế khám sàng lọc.
Hiện vắc xin Covid-19 đang triển khai tiêm cho các nhóm ưu tiên tại Việt Nam do AstraZeneca sản xuất. Theo hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin của AstraZeneca, không chống chỉ định với các trường hợp có bệnh lý nền như: tiểu đường, tăng huyết áp... Người bệnh có các bệnh lý nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định là một trong những yếu tố cần thận trọng khi tiêm chủng. Những đối tượng này sẽ được tiêm chủng và theo dõi tại bệnh viện nếu đủ điều kiện tiêm chủng.
Các phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca có thể gặp là đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, khó chịu, sốt trên 38 độ C có thể gặp trên 10%, phản ứng tại chỗ như sưng tấy, ban đỏ tại chỗ tiêm gặp khoảng từ 1 đến dưới 1%.

Quán xá trung tâm TP.HCM "cửa đóng then cài" trước giờ giãn cách xã hội

Theo dõi phản ứng dài ngày sau tiêm
Sau khi tiêm vắc xin Covid-19, cần đến ngay cơ sở y tế nếu có một trong các biểu hiện sau:
Các dấu hiệu xuất hiện trong vòng 1 - 2 ngày đầu sau tiêm chủng:
- Choáng, hoa mắt, chóng mặt, bồn chồn;
- Buồn nôn, nôn, nôn khan, đau bụng, tiêu chảy;
- Ngứa, phát ban/mẩn đỏ toàn thân, phù mặt;
- Run tay chân, vã mồ hôi, da tái, ớn lạnh;
- Tê mặt, tê bì tay chân, co quắp tay chân;
- Tức ngực, khó thở, thở khò khè;
- Huyết áp tăng hoặc tụt, mạch nhanh;
- Nổi hạch.
Các dấu hiệu xuất hiện từ 4 - 28 ngày sau tiêm chủng:
- Đau đầu dai dẳng, dữ dội;
- Các triệu chứng thần kinh khu trú: yếu, liệt tay chân;
- Co giật, mờ mắt hoặc nhìn đôi;
- Khó thở hoặc đau ngực;
- Đau bụng dai dẳng;
- Đau, phù chi dưới;
- Chảy máu, xuất huyết da, đi ngoài phân đen...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.