'Vắc xin' phòng bệnh từ thói quen vệ sinh tốt

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, rửa tay sạch là thói quen giúp phòng bệnh dịch hiệu quả.

Tại Việt Nam, một số bệnh dịch nguy hiểm lây truyền theo đường phân miệng vẫn chưa được khống chế một cách triệt để, có nguy cơ bùng phát bất kỳ lúc nào như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, giun sán, đặc biệt là bệnh tay - chân - miệng vẫn có số mắc và tử vong trong thời gian gần đây. Các bệnh dịch này đang lưu hành do chúng ta chưa làm tốt công tác quản lý và xử lý phân người mà cụ thể là vận động toàn dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi.
Những người mắc các dịch bệnh nêu trên là do nhiễm phải mầm bệnh có trong phân của người phát tán ra môi trường nước, đất, thực phẩm; do bàn tay bẩn hoặc qua côn trùng trung gian truyền bệnh. Dịch bệnh là một trong những nguyên nhân gây suy dinh dưỡng, thấp còi, tỷ lệ này hiện nay là 26% trên toàn quốc với nhóm trẻ dưới 5 tuổi.
Theo báo cáo của Chương trình theo dõi giám sát về nước, vệ sinh toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (năm 2013) Việt Nam vẫn còn 3% dân số phóng uế trực tiếp ra môi trường bên ngoài và 18% dân số cả nước đang sử dụng loại nhà tiêu không cách ly được nguồn phân với môi trường xung quanh. Vệ sinh môi trường yếu kém làm tăng chi phí cho công tác khám chữa bệnh, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.
Cao lớn hơn nhờ môi trường sạch
Theo Liên Hợp quốc, chỉ riêng sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đã có thể giảm được 32% và riêng rửa tay với xà phòng đúng lúc giảm được 49% bệnh tiêu chảy. Một nghiên cứu năm 2014 của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ở nông thôn, trẻ em sống trong cộng đồng mà tất cả mọi người đều sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh có chiều cao trung bình cao hơn 3,7cm so với trẻ em sống ở cộng đồng có nhiều người còn phóng uế bừa bãi và sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh.
Liên tục trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã có những tiến bộ ấn tượng về tăng tỷ lệ bao phủ nước sạch, đặc biệt là khu vực nông thôn. Nhưng vẫn còn khác biệt khá lớn về tỷ lệ bao phủ nhà tiêu hợp vệ sinh giữa các vùng miền. Theo báo cáo của Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn 2014, trong khi tỷ lệ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh ở toàn Việt Nam là 63% thì tỷ lệ này trong các hộ gia đình các dân tộc thiểu số chỉ khoảng 50%.
Vệ sinh hộ gia đình cần trở thành chỉ tiêu phát triển
Năm 2014, tại cuộc họp toàn cầu của tổ chức “Đối tác Vệ sinh và Nước cho tất cả mọi người”, Việt Nam đã cam kết xóa bỏ tình trạng phóng uế bừa bãi vào năm 2025 và toàn dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh vào năm 2030. Nghị quyết Chính phủ số 05/NQ-CP ngày về việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về y tế cũng nêu rõ tầm quan trọng của việc xóa bỏ tình trạng phóng uế bừa bãi. Nghị quyết cũng cam kết phân bổ nguồn lực cho vệ sinh và lồng ghép vệ sinh trong chương trình Nông thôn mới.
Tuy nhiên, tỷ lệ hộ gia đình sủ dụng nhà tiêu chưa hợp vệ sinh còn cao tại nhiều địa phương. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình yếu kém trong đó chủ yếu là chưa có sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền và nhận thức hạn chế của các hộ gia đình về việc xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Nhà tiêu hộ gia đình là một vấn đề liên quan chặt chẽ đến sức khỏe cộng đồng, thước đo sự phát triển của xã hội và phát triển kinh tế nhưng cho đến nay chỉ tiêu vệ sinh hộ gia đình chưa được đưa vào các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của T.Ư và địa phương, do vậy nhà vệ sinh hộ gia đình vẫn chưa được quan tâm cải thiện nhằm bảo vệ sức khỏe cũng như nâng cao tiêu chuẩn sống cho người dân và cho cộng đồng. Quốc hội nên đưa chỉ tiêu vệ sinh hộ gia đình (“Tỷ lệ % hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh” và “Tỷ lệ thôn (ấp, bản, làng), xã, huyện, tỉnh xóa bỏ hoàn toàn việc phóng uế bừa bãi”) vào chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.