Vắc xin Covid-19 đầu tiên của châu Âu thử nghiệm trên người hoạt động ra sao?

Vũ Hân
Vũ Hân
24/04/2020 12:38 GMT+7

Theo BBC , hôm 23.4, thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên người lần đầu tiên ở châu Âu đã được tiến hành tại Đại học Oxford (Anh). Đây là một trong 4 nhóm tiên phong của thế giới thử nghiệm lâm sàng.

Một nửa trong số 800 tình nguyên viên thử nghiệm giai đọan 1 sẽ được tiêm vắc xin Covid-19, một nửa còn lại được tiêm vắc xin bảo vệ chống viêm màng não, chứ không phải virus Corona. Các tình nguyện viên sẽ không biết họ được tiêm vắc xin gì, mà chỉ có bác sĩ biết.
Trong giai đoạn cuối của thử nghiệm, nhóm chuyên gia dự kiến sẽ thực hiện trên 5.000 người, kỳ vọng sẽ được làm xong trong mùa thu năm nay, để đến tháng 9 có thể có được 1 triệu liều vắc xin.
Loại vắc xin trên đã được phát triển trong 3 tháng bởi nhóm nhà khoa học của Đại học Oxford. Sarah Gilbert, giáo sư vắc xin học tại Viện Jenner là người dẫn dắt quá trình nghiên cứu tiền lâm sàng. “Cá nhân tôi có mức độ tự tin cao về vắc xin này”, bà Gilbert nói.
“Tất nhiên là chúng ta phải thử nghiệm trên người và lấy dữ liệu. Chúng tôi phải cho thấy nó thực sự hiệu quả và ngăn chặn được việc nhiễm virus, trước khi dùng vắc xin cho nhiều người hơn”.
Giáo sư Gilbert trước đó đã nói bà “tự tin 80%” vào việc vắc xin sẽ hiệu quả, nhưng đến nay đã tránh việc nói đến con số cụ thể, chỉ nói rằng bà “rất lạc quan”.

Vắc xin hoạt động như thế nào?

Vắc xin được chế tạo từ phiên bản đã được làm yếu của virus cảm lạnh thông thường (adenovirus), được lấy từ tinh tinh, chỉnh sửa để có thể phát triển trên người.
Các nhà khoa học đã lấy gien của spike protein (protein tạo thành các gai trên bề mặt virus Corona) và đặt nó vào một con virus vô hại để làm vắc xin.
Vắc xin này sẽ được tiêm vào người bệnh nhân, xâm nhập vào tế bào, sau đó sẽ bắt đầu quá trình sản xuất spike protein của virus corona. Việc này sẽ kích thích hệ miễn dịch sản sinh ra kháng thể và kích hoạt tế bào chữ T (T-cell) để tiêu diệt các tế bào nhiễm bệnh.
Nếu người bệnh lại gặp virus Corona, kháng thể và tế bào chữ T sẽ được khởi động để chiến đấu với virus.
Nhóm chuyên gia Oxford đã từng phát triển vắc xin chống Mers - một loại virus Corona khác, sử dụng cách tiếp cận tương tự - và có được kết quả hứa hẹn từ thử nghiệm lâm sàng.

Làm sao để biết vắc xin thực sự hiệu quả?

Cách duy nhất để nhóm nhà khoa học biết vắc xin có hiệu quả hay không là so sánh số người bị nhiễm virus Corona trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng (so sánh tỷ lệ nhiễm bệnh của tình nguyện viên được tiêm vắc xin và tỷ lệ nhiễm bệnh chung).
Nếu số ca nhiễm ở Anh giảm mạnh, việc nghiên cứu sẽ gặp vấn đề, vì sẽ không có đủ dữ liệu.
Giáo sư Andrew Pollar, quản lý Nhóm vắc xin Oxford, người dẫn dắt quá trình thử nghiệm lâm sàng, cho biết: "Chúng tôi đang chạy đua với phần đáy của làn sóng đại dịch này. Nếu chúng tôi không bắt kịp, chúng tôi sẽ không thể biết là vắc xin có hiệu quả hay không trong vài tháng tới. Nhưng chúng tôi có cho rằng sẽ có thêm ca bệnh trong tương lai, vì virus vẫn còn đó”.
Những nhà nghiên cứu vắc xin ưu tiên tuyển mộ những nhân viên y tế địa phương để thử nghiệm, vì họ có khả năng bị nhiễm virus cao hơn người khác. Một thử nghiệm lớn hơn, với khoảng 5.000 tình nguyện viên, sẽ bắt đầu trong những tháng tới và không có giới hạn về tuổi.
Người già thường có phản ứng miễn dịch yếu hơn với vắc xin. Các nhà nghiên cứu đang đánh giá xem liệu họ có cần đến 2 liều hay không.
Nhóm nghiên cứu cũng đang cân nhắc việc thử nghiệm ở châu Phi, có thể là Kenya, nơi tỷ lệ lây lan đang tăng nhanh, trong khi số ca bệnh còn thấp.
Vậy tại sao không để những người thử nghiệm vắc xin nhiễm virus Corona? Đó là cách nhanh và chắc chắn để tìm ra liệu vắc xin có hiệu quả không, nhưng nó sẽ làm phát sinh vấn đề đạo đức, vì hiện nay chưa có biện pháp đặc trị Covid-19.
Tuy nhiên, phương pháp này có thể được thực hiện ở tương lai. Giáo sư Pollard cho biết: "Nếu chúng ta có vài phương pháp điều trị và có thể cam kết an toàn cho các tình nguyện viên, đó là một cách rất tốt để thử vắc xin”.

Nó có an toàn không?

Những tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng sẽ được giám sát cẩn trọng trong vài tháng tới. Họ đã được dặn trước là có thể có đau cánh tay, đau đầu hoặc sốt nhẹ trong vài ngày đầu tiêm vắc xin.
Họ cũng được lưu ý là có những rủi ro về lý thuyết, như virus được chọn làm vắc xin có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng với virus Corona, đã từng xảy ra trong giai đoạn đầu nghiên cứu vắc xin SARS trên động vật.
Nhưng nhóm Oxford dẫn dữ liệu nghiên cứu cho thấy rủi ro vắc xin có thể sinh ra một bệnh tăng cường là rất nhỏ.
Các nhà khoa học hy vọng sẽ sản xuất được 1 triệu liều vào tháng 9 tới và sẽ nâng nhanh quy mô sản xuất, nếu vắc xin chứng tỏ được hiệu quả.

Ai sẽ có vắc xin trước?

Giáo sư Gilbert cho biết, điều này chưa được quyết định. "Chúng tôi không có nhiệm vụ chỉ đạo chuyện gì sẽ xảy ra. Chúng tôi chỉ phải cố gắng để làm cho vắc xin hiệu quả và có đủ số lượng, sau đó người khác sẽ phải quyết định".
"Chúng tôi đảm bảo là chúng tôi sẽ có đủ liều cho những người cần nó nhất, không chỉ ở Anh, mà còn ở các nước đang phát triển", GS Pollard cho biết thêm.
Một nhóm khác ở Trường Imperial College London cũng kỳ vọng sẽ thử nghiệm lâm sàng trên người vào tháng 6.
Nhóm Oxford và nhóm Imperial đã được nhận hơn 40 triệu bảng từ Chính phủ Anh. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock đã khen ngợi cả 2 nhóm và cho biết Anh sẽ “ném mọi thứ chúng ta có” vào phát triển vắc xin vì sự tích cực của việc trở thành quốc gia đầu tiên phát triển thành công vắc xin là quá lớn.
Trong khi đó, Cố vấn Y tế trưởng của Anh, giáo sư Chris Whitty, đã từng cho biết sẽ không có vắc xin hoặc thuốc đặc trị nào với Covid-19 xuất hiện trong năm tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.