Uống thuốc còn nguyên vỏ kẹt ở thực quản 10 ngày không biết

30/08/2017 16:04 GMT+7

Chiều nay (30.8), tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Bá Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), cho biết bệnh viện tiếp nhận trường hợp bệnh nhân uống thuốc còn nguyên vỏ kẹt ở thực quản 10 ngày mà không hay biết.

Cụ thể, bệnh nhân N.H.H (36 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) đến Bệnh viện Bình Dân khám vì cho rằng đang có vấn đề về dạ dày sau 10 ngày nuốt khó, đau vùng thượng vị và đầy hơi. Anh H. chỉ ăn được thức ăn mềm hoặc uống sữa.
Qua nội soi, các bác sĩ cho biết, trong đoạn 1/3 dưới thực quản của bệnh nhân có dị vật là… một viên thuốc đường kính 1,5 cm còn nguyên vỏ bao nhôm. Hai cạnh viên thuốc đã cắm vào thành thực quản gây hai vết loét tại chỗ với bờ sưng tấy, may mắn là chưa có các tổn thương như tràn dịch hoặc viêm trung thất.

tin liên quan

Gắp hạt măng cụt sắp nảy mầm trong dạ dày
Ngày 5.8, phòng nội soi, khoa chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh An Giang) cho biết vừa gắp 1 hạt măng cụt sắp nảy mầm nằm trong dạ dày của bà N.T.C (55 tuổi, ngụ H.Tịnh Biên, An Giang).
Các bác sĩ Khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân, đã tiến hành gắp viên thuốc trong lòng thực quản, sử dụng một bao chụp chuyên dụng có khả năng co giãn để bao trọn dị vật, tránh việc các cạnh sắc của viên thuốc làm tổn thương thành thực quản để đưa dị vật ra ngoài cơ thể một cách nhẹ nhàng và an toàn.
Sau thủ thuật, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện, chụp X-quang và nội soi kiểm tra để tránh nguy cơ có thể phát sinh những lỗ xì, rò do tình trạng viêm loét tiến triển từ lòng thực quản.
Viên thuốc còn nguyên vỏ với các góc cạnh sắc nhọn được nội soi gắp ra Bệnh viện cung cấp
Khi biết có vỏ thuốc mắc kẹt trong thực quản, anh H. mới nhớ ra, cách thời điểm khám bệnh gần 10 ngày, anh bị cảm và có mua thuốc về uống.
“Từ hiệu thuốc về nhà đã khá muộn, sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của mọi người trong gia đình nên tôi không bật đèn sáng để quan sát mà dốc thẳng bịch thuốc ra tay rồi uống liền. Sau khi uống, tôi cảm thấy hơi vướng vướng, nghẹn nhẹ nhưng không đến nỗi quá khó chịu nên uống thêm nước rồi đi ngủ”, anh H. kể.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Bá Hùng dị vật cắm vào thành thực quản như trường hợp của anh H., cùng với sự co bóp của thực quản có thể diễn tiến xuyên thủng thành thực quản hoặc tạo những ổ nhiễm trùng vỡ vào trung thất, với nguy cơ gây tử vong rất cao vì đây là khoang chứa phổi, tim, là các cơ quan đảm bảo sự sinh tồn.
Nếu như dị vật đã gây thủng thực quản, can thiệp ngoại khoa là điều bắt buộc để cứu tính mạng người bệnh.
Dị vật kẹt trong thực quản là một tình trạng cấp cứu cần được xử trí kịp thời, đúng cách. Phẫu thuật để lấy dị vật và vá thực quản là một kỹ thuật khó vì vùng thực quản hẹp, vết rách dễ viêm dính, dễ nhiễm trùng, khó lành và nguy cơ di chứng cao.
Bệnh viện Bình Dân thường tiếp nhận nhiều bênh nhân hóc, nuốt nhầm dị vật như các loại: xương heo, xương gà, xương cá, tăm xỉa răng, nắp chai bia, răng giả tháo lắp, đinh nhỏ, viên thuốc còn nguyên vỏ và thậm chí có trường hợp nuốt cả… bàn chải đánh răng. Trong đó có nhiều trường hợp dị vật gây thủng thực quản, thủng ruột với nhiều biến chứng phức tạp.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân luôn phải cẩn trọng trong khi ăn, uống, sinh hoạt để hạn chế tối đa nguy cơ nuốt phải dị vật.
Khi uống thuốc, cần kiểm tra kỹ để tránh nuốt nhầm thuốc chưa bóc vỏ, nhất là các loại có vỉ sắc nhọn.
Khi có tình trạng nuốt khó, nuốt vướng chưa rõ nguyên do, người bệnh nên đi thăm khám và nội soi thực quản để phát hiện và can thiệp sớm nếu có nuốt nhầm dị vật.

tin liên quan

Viêm mũi dị ứng không chừa một ai
Khí hậu ngày càng khắc nghiệt, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, kéo theo đó là tỷ lệ mắc bệnh dị ứng cũng tăng theo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.