Tuổi dậy thì

11/01/2012 00:00 GMT+7

Bác sĩ Dương Phương Mai (Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, TP.HCM) cho rằng, với các bé gái có kinh nguyệt ở độ tuổi 11-13 là bình thường, không phải hiện tượng dậy thì sớm như một số bậc cha mẹ thường lo lắng.

Tuổi dậy thì hiện nay

Theo bác sĩ Phương Mai, trước đây tuổi dậy thì trung bình ở các bé gái trong nước thường là 14-15, có những trường hợp còn lớn hơn nữa (đến 18-20 tuổi) mới dậy thì. Hiện nay, do chế độ dinh dưỡng, đời sống nâng cao, nên tuổi dậy thì trung bình ở các bé gái diễn ra sớm hơn (11-12 tuổi). Chỉ đối với những bé gái có chu kỳ kinh, phát triển những đặc tính sinh dục thứ cấp (ngực phát triển, có lông mu, lông nách) xảy ra trước 8 tuổi thì được xem là sớm và bất thường.

Tuổi dậy thì là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời. Trong giai đoạn này có nhiều biến động về tâm sinh lý ở trẻ, lúc này người lớn cần chuẩn bị tâm lý, kiến thức cho trẻ, đồng thời hướng dẫn trẻ biết giữ vệ sinh hằng ngày trong những ngày có kinh. Khi mới có kinh, chu kỳ kinh thường không đều, có thể 3-4 tháng sau mới có lại, nên cũng cần cho trẻ biết để trẻ không lo lắng. Ngoài ra, cần giáo dục giới tính để các bé gái biết cách tránh bị lạm dụng tình dục và mang thai ngoài ý muốn.

 
Ảnh: Shutterstock 

Nhu cầu dinh dưỡng

Bác sĩ Mai cho rằng, do đây là thời điểm trẻ thay đổi nhiều về thể chất, tâm sinh lý nên dinh dưỡng trong giai đoạn này rất quan trọng. Cần cung cấp cho trẻ khẩu phần ăn đủ chất, cân đối, có lợi cho sức khỏe và ngon miệng; cũng như đảm bảo năng lượng (đủ cho trẻ phát triển thể chất và hoạt động). Trẻ cần được cung cấp từ 2.200-2.500 kcal mỗi ngày. Việc cung cấp không đủ, hay cung cấp quá dư chất dinh dưỡng đều không tốt cho trẻ. Dư thừa chất dinh dưỡng lứa tuổi này dễ làm trẻ béo phì. Còn nếu thiếu chất có thể khiến trẻ chậm phát triển, suy dinh dưỡng, loãng xương, sỏi mật, thiếu máu, rụng tóc...

Trong 3 bữa chính, bữa ăn sáng nên được coi trọng để giúp trẻ lứa tuổi này có đủ năng lượng học tập và hoạt động. Trong mỗi bữa ăn cần cung cấp đủ tinh bột (những thực phẩm giàu bột đường như gạo, bột mì, khoai củ...), chất đạm (thịt, cá, tôm, cua, trứng, ngũ cốc, đậu...), kết hợp đồng đều giữa chất béo có nguồn gốc động vật với chất béo có nguồn gốc thực vật (dầu thực vật, mỡ cá...). Các thực phẩm như gan, trứng, thịt, các loại rau, củ, quả có màu vàng, đỏ hay xanh thẫm cung cấp vitamin A cần cho trẻ trong thời điểm dậy thì.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.