Tư vấn trực tuyến "Nhận biết và phòng ngừa cảm sốt ở trẻ em"

16/09/2010 14:00 GMT+7

(TNO) Không phải là bệnh quá nguy hiểm nhưng cảm sốt lại là bệnh gây ra nhiều khó chịu và cơ thể rất dễ mắc phải. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng vốn chưa có sức đề kháng cao nên lại càng dễ bị nhiễm bệnh. Nhằm giúp các bậc phụ huynh có thêm kiến thức để bảo vệ tốt sức khỏe của con trẻ trước bệnh thường gặp này, Thanh Niên Online đã tổ chức buổi tư vấn trực tuyến "Nhận biết và phòng ngừa cảm sốt ở trẻ em" vào lúc 14 giờ 30 ngày 16.9.

Khách mời tham dự chương trình là bác sĩ Lê Văn Nhân - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM.

Chương trình do Công ty Janssen Cilag tài trợ.

* Khi nào thì sử dụng thuốc hạ sốt? (Phan Thị Lệ, 27 tuổi, nội trợ, Quy Nhơn Biên Hòa)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Sốt là một phản ứng có lợi của cơ thể. Sốt có thể do nhiều bệnh lý gây ra, thông thường là các bệnh nhiễm trùng (sốt xuất huyết, viêm phổi, viêm phế quản, cúm…). Do đó, chỉ khi nào chúng ta bị sốt cao hoặc rất cao (chứng tỏ có những rối loạn của cơ thể trong quá trình điều hòa thân nhiệt và dẫn tới hàng loạt những rối loạn quan trọng ở những bộ phận khác của cơ thể) thì chúng ta mới cần dùng đến thuốc hạ sốt.

Trong những trường hợp nêu trên, thông thường chúng ta sẽ sử dụng ngay thuốc hạ sốt. Nhưng không phải bệnh lý nào gây ra sốt cũng có thể giải quyết được thông qua uống thuốc hạ sốt. Thông thường, chúng ta chỉ nên dùng thuốc hạ sốt (paracetamol) khoảng 2 đến 3 ngày, nếu sau đó vẫn thấy sốt (hoặc đau) tiếp tục thì cần đi khám bác sĩ hoặc đến bệnh viện để có sự hướng điều trị thích hợp (để điều trị sớm những bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết…). Mặt khác, đối với trẻ em, nếu thấy trẻ bị sốt quá cao (từ 39 độ C trở lên) thì cũng nên đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay (mà không cần phải chờ uống thuốc hạ sốt 2 đến 3 ngày), vì cháu có thể bị co giật và những biến chứng khác.

Đồng thời, cần quan tâm chú ý đến việc sử dụng thuốc chỉ có paracetamol hoặc thuốc có kèm theo thuốc kháng histamin trị dị ứng (là chlorpheniramin) và thuốc có tác dụng làm co mạch, làm tan máu chống sung huyết ở niêm mạc mũi dùng để trị  nghẹt mũi, sổ mũi (là phenylpropanolamin).

* Em có một cháu trai được 29 tháng, cháu rất hay sốt dù không ho không sổ mũi, và hay sốt về đêm. Vậy xin bác sĩ chỉ giúp em cách phòng bệnh cho cháu nhất là vào mùa mưa sắp đến, cám ơn bác sĩ. (Phương, Quảng Nam, nội trợ)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Như trên đã nói, sốt là một phản ứng có lợi của cơ thể đối với các tác nhân gây rối loạn điều hòa thân nhiệt. Sốt có thể là do nhiễm trùng, do thay đổi thời thiết, do chuyển hóa… Mùa mưa chúng ta cần chú ý đến các bệnh như sốt xuất huyết, cúm, viêm phế quản, viêm phổi, hen, nhiễm siêu vi… Việc phòng bệnh cần tập trung vào: Tiêm chủng đầy đủ; Dinh dưỡng cho bé đầy đủ; Giữ ấm cho bé khi ở nơi lạnh hoặc có nhiều gió lùa; Giữ vệ sinh sạch sẽ trong ăn uống, trong nhà, đặc biệt là nhà bếp và vệ sinh; Chống muỗi đốt và không để phát sinh lăng quăng trong nhà và xung quanh nơi ở; Hạn chế để trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm như bụi, khói, đặc biệt là khói thuốc lá; Cần mang khẩu trang cho bé khi đi ra đường… Và cuối cùng là sử dụng thuốc hạ sốt đúng cách.

* Tôi có con gái 2 tuổi, từ khi sinh ra cháu luôn có hiện tượng khò khè trong lồng ngực. Và mỗi khi trở trời cháu hay bị cảm ho và sổ mũi. Tôi cho cháu đi khám thì bác sĩ bảo cháu bị hen phổi. Vậy xin hỏi bác sĩ có cách nào chữa khỏi hiện tượng khò khè của cháu cũng như triệu chứng hen phổi đó không? Rất mong được sự trả lời sớm của bác sĩ vì tôi rất lo cho cháu. Xin chân thành cám ơn. (Nguyễn Thị Thanh Vân, Buôn Ma Thuộc, Kế toán)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Việc bác sĩ chẩn đoán cháu bị hen là phù hợp với các triệu chứng của cháu. Tuy nhiên, việc điều trị hen đòi hỏi phải kiên trì. Chị có thể đưa cháu đến BV Phạm Ngọc Thạch, BV Nhi đồng 1 hoặc BV Nhi đồng 2 để được theo dõi và điều trị tích cực.

* Chào bác sĩ! Con tôi năm nay được 4 tuổi thường xuyên sổ mũi, ho và sốt, đi khám bệnh bác sĩ cho uống thuốc khoảng 2 tuần thì bớt, được 2 tuần thì tái phát lại, lặp đi lặp lại như vậy trong 4 tháng nay, xin hỏi bác sĩ đó có phải là bệnh cảm sốt không? Cuối cùng cảm ơn và chúc sức khỏe bác sĩ. (Phan Long Đức, Quảng Ngãi, NVVP)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Trẻ em dưới 5 tuổi thường dễ bị các bệnh nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng đường hô hấp, thường xuyên tái đi tái lại và triệu chứng hay gặp là sổ mũi, ho và sốt. Việc điều trị cho bé, anh cần theo đúng hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.

* Em bé của em khoảng 1 tuổi cũng thỉnh thoảng bị sốt, bác sĩ có kê toa thuốc hạ sốt dạng gói nhưng bé thường không chịu uống vì phải pha nhiều nước. Nghe nói có dạng thuốc Tylenol dạng giọt rất dễ uống và phân liều chính xác, bác sĩ có thể cho biết sử dụng như thế nào không ạ? (Lê Đào Nguyên, 28 tuổi, nội trợ, TP.HCM)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Tylenol là một loại biệt dược của paracetamol (hay acetaminophen). Tylenol dạng giọt có 2 loại. Loại Infant’s Tylenol được dùng cho trẻ từ sơ sinh đến 36 tháng tuổi (cân nặng từ 2,5kg đến 16kg). Loại Children’s Tylenol được dùng cho trẻ từ 4 tháng tuổi đến 11 tuổi (cân nặng từ 5kg đến 42kg). Vậy thì con của chị dùng loại Infant’s Tylenol là thích hợp. Cả 2 loại trên đều có cốc hoặc ống nhỏ giọt để phân liều chính xác (trên cốc hoặc ống nhỏ giọt có vạch chia liều).

Bác sĩ Lê Văn Nhân (trái) đang tư vấn trực tuyến cho bạn đọc - Ảnh Thanh Hải

* Con tôi rất hay cảm sốt mà khi đi khám thì không tìm ra nguyên nhân, vậy nên uống thuốc kháng sinh nhiều ngày mới khỏi. Vậy xin bác sĩ cho biết rõ nguyên nhân là gì và uống thuốc gì để tăng sức đề kháng. Xin cám ơn. (Yến, Quảng Nam, kế toán)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Như trên tôi đã trình bày, trẻ em dưới 5 tuổi thường dễ bị các bệnh nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng đường hô hấp, thường xuyên tái đi tái lại và triệu chứng hay gặp là sổ mũi, ho và sốt. Nhiều trường hợp chưa thể tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng sốt của bé. Do đó, việc phòng ngừa cho bé và tăng sức đề kháng cho bé là cần thiết. Một trong những yếu tố để tăng sức đề kháng cho bé là dinh dưỡng thật đầy đủ. Còn phòng ngừa cho bé tốt nhất là vệ sinh sạch sẽ (môi trường, bản thân, vệ sinh thực phẩm…).

* Tôi có con trai năm nay cháu 4 tuổi, cách đây 1 tuần cháu bị sốt 38,4 độ, tôi đã cho cháu uống hạ sốt, nhưng sau khi uống xong khoảng 5 phút thì cháu có hiện tượng trợn mắt, môi tím, người cứng. Tôi đã chở cháu dến bệnh viện cấp cứu. Xin cho hỏi nếu như có sốt lại thì có hiện tượng trợn mắt, môi tím... hay không. Xin cảm ơn (Kim Thoa, Liên Chiểu, Đà Nẵng)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Thông thường, khi bị sốt, chúng ta cho các bé dùng thuốc hạ sốt và paracetamol là thuốc sử dụng thông dụng nhất. Có thể nói paracetamol đơn thuần (nghĩa là trong thành phần của thuốc không có thêm loại nào khác) là an toàn nếu chúng ta sử dụng đúng liều lượng. Việc chị cho bé uống hạ sốt, nhưng sau khi uống xong khoảng 5 phút thì cháu có hiện tượng trợn mắt, môi tím, người cứng, có thể có nhiều nguyên nhân: Có phải là paracetamol không? Nếu là paracetamol thì có phải là paracetamol đơn thuần không? Có sử dụng thêm thuốc khác không? Cháu có dị ứng (hay nhạy cảm) với paracetamol không? Có cho cháu uống thuốc đúng cách không? Thuốc có vào đường hô hấp không?

* Khi trẻ bị sốt có nên cho trẻ nằm máy lạnh không? (Nguyễn ThanhThủy, Vũng Tàu)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Khi trẻ sốt, không nên cho nằm máy lạnh, cũng không nên cho trẻ ở nơi có gió nhiều (như quạt máy, gió lùa…). Chỉ nên cho trẻ mặc quần áo thoáng, nằm chỗ thoáng mát.

* Con trai tôi 39 tháng, cháu ở nhà thì không bị bệnh gì, nhưng đi học được vài hôm là bị ho, sổ mũi, sốt. Có cách nào để giảm bớt tình trạng này? (Thùy Trang, Đồng Nai)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Cháu 39 tháng, nghĩa là cháu đang học lớp mầm (mẫu giáo). Theo chị mô tả cháu ở nhà thì không bị bệnh gì, nhưng đi học được vài hôm là bị ho, sổ mũi, sốt. Vấn đề này cũng là bình thường đối với những trẻ lần đầu tiên đi học. Do lần đầu tiên đi học, thay đổi môi trường, cháu tiếp xúc với nhiều người (bạn bè, thầy cô…) và cũng tiếp xúc với nhiều tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe so với khi ở nhà (khói, bụi, mưa, nắng…) nên cháu dễ bị các bệnh nhiễm trùng, thường là các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa. Vấn đề là dần dần cháu sẽ quen với những tác nhân đó. Song song đó, chị cần tăng cường dinh dưỡng cho bé, vệ sinh sạch sẽ, điều trị sớm khi cháu bệnh.

* Liều thuốc hạ sốt paracetamol sử dụng như thế nào cho trẻ em? (Nguyễn Thị Bích Hạnh, nhân viên văn phòng, TP.HCM)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Paracetamol (hay acetaminophen) là một loại thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường (như mọc răng, đau răng, đau đầu, đau sau khi tiêm chủng…). Liều thông dụng nhất được khuyên dùng đối với người lớn là liều tối đa 50 mg/kg/ngày, chia ra từ 3 đến 5 lần uống/ngày (nghĩa là khoảng 325 - 650 mg/lần hay 10 - 15 mg/kg/lần). Riêng đối với trẻ em: 10 - 15 mg/kg/lần, một ngày có thể dùng tối đa 5 lần. Tuy nhiên, đối với trẻ em dưới 5 tuổi (đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi), nên sử dụng loại dạng giọt (có sẵn cốc hoặc ống nhỏ giọt chia liều) thì tốt hơn.

* Con tôi mới được 7,5 tháng nhưng cháu thường hay bị sốt (nhiệt độ 38,5), cháu ho nhiều nhưng mỗi lần ho là cháu bị sặc ra. Mong bác sĩ giúp cho. Cảm ơn bác sĩ (Nguyễn Văn Tùng, Quảng Nam)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Theo như mô tả của anh, mỗi lần cháu sốt, ho nhiều là cháu bị nôn ra. Điều đó là bình thường vì khi ho nhiều, sẽ tăng áp lực lên vùng bụng, do ở trẻ em thì cơ thắt tâm vị chưa đóng chặt như ở người lớn, nên trẻ dễ bị nôn ra. Do đó, ở trẻ em, khi ho nhiều, chúng ta có thể dùng một số thuốc giảm ho để vừa giảm ho, vừa ngăn chặn tình trạng nôn do ho.

* Kính chào bác sĩ, con trai tôi 21 tháng tuổi. Nhà tôi rất thoáng mát, nên đôi khi thành ra gió lạnh. Vì vậy tôi luôn lo lắng con mình cảm sốt. Cách nào hiệu quả nhất để phòng ngừa cảm sốt? Những thức ăn nào có thể tăng sức đề kháng cho trẻ con, thưa bác sĩ? Khi bé bị cảm sốt, có nên cho bé tắm nắng sáng không? Và làm sao phân biệt được bé sốt do cảm hay do viêm nhiễm gì đó? Cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Thị Trang Thi, Hóc Môn)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Nhà của chị thoáng mát, là tốt cho mỗi người trong nhà vì không khí được luân chuyển thường xuyên. Để phòng ngừa cảm sốt, cần nhất là tăng cường dinh dưỡng và giữ vệ sinh sạch sẽ (nhà ở, cá nhân, vệ sinh thực phẩm…), giữ ấm cho trẻ, tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, tránh gió lùa… Để tăng sức đề kháng cho trẻ, cần chú ý thức ăn cho trẻ phải đủ 4 nhóm thực phẩm, đủ số lượng và chất lượng, chú ý thêm nhiều dầu ăn trong khẩu phần. Khi bé bị cảm sốt, không nên tắm nắng. Khi bé bị sốt, để phân biệt được bé sốt do cảm hay do viêm nhiễm gì đó thì phải chú ý quan sát bé và tìm thêm những dấu hiệu bất thường khác.

* Tôi là nhân viên y tế của một trường mầm non. Hàng ngày tôi thường đón nhận rất nhiều bé bị sốt. Cho tôi hỏi là những điều gì cần tránh khi mà bé bị sốt? Và trên thị trường hiện nay thì có loại thuốc giảm sốt Tylenol dạng siro, thì xin hỏi ưu điểm của loại thuốc này so với loại thuốc khác là gì ạ? (Thúy Hằng, TP.HCM)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Trong trường mầm non, mỗi lớp có khoảng từ 20 đến 30 bé. Mỗi khi có bé bị sốt, giáo viên ngoài việc cho bé dùng thuốc hạ sốt (theo đúng liều lượng), cần chú ý quan sát và ghi nhận thêm các triệu chứng khác ở bé (như nôn, tiêu chảy, ho, đau bụng, sốt xuất huyết…), tăng cường dinh dưỡng cho bé, sử dụng loại thức ăn dễ tiêu, hạn chế cho bé tiếp xúc với các bé khác, tăng cường vệ sinh lớp học (khử khuẩn)…

Thuốc Tylenol dạng sirô có 2 loại là Infant’s Tylenol được dùng cho trẻ từ sơ sinh đến 36 tháng tuổi (cân nặng từ 2,5kg đến 16kg) và Children’s Tylenol được dùng cho trẻ từ 4 tháng tuổi đến 11 tuổi (cân nặng từ 5kg đến 42kg). Cả 2 loại này có ưu điểm là vị ngọt, thơm, dễ uống.

* Xin bác sĩ có thể cho biết bệnh sốt rét biểu hiện như thế nào? Và cách điều trị khi bị sốt rét? Bệnh sốt rét có thể trị ở nhà được không? Và dùng thuốc nào là phù hợp ạ ? (Vân, TP HCM)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Biểu hiện của bệnh sốt rét: rét, sốt, đổ mồ hôi. Điều trị: Dùng đúng phác đồ điều trị sốt rét (tùy thuộc vào loại ký sinh trùng). Việc điều trị ở nhà và dùng thuốc nào sẽ do bác sĩ khám và chỉ định.

* Con của tôi năm nay 34 tháng tuổi (cháu gái), đã gửi trẻ được 8 tháng nay, cháu hay bị cảm, sốt và ho, cứ bình quân 1 tháng cháu bị đau từ 2 đến 3 lần. Hiện giờ cháu đang bị ho, đưa đến bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, bác sĩ khám và kết luận bị viêm phế quản, cho đơn và mua thuốc uống hơn tuần nay nhưng vẫn còn ho nhiều. Bên cạnh đó cứ mỗi đêm cháu ngủ lại bị nghẹt mũi, khó thở. Mong bác sĩ tư vấn giúp. (Nguyễn Hoàng An, Tam Kỳ)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Bác sĩ chẩn đoán bệnh của cháu là viêm phế quản, phù hợp với triệu chứng là sốt, ho. Nếu cháu dùng toa thuốc hơn 1 tuần mà vẫn còn ho nhiều, bạn nên mang cháu đến bác sĩ để được khám lại và kê toa thuốc phù hợp hơn. Việc cháu bị nghẹt mũi có thể dẫn đến ứ nước mũi trong hốc mũi, sẽ dẫn đến viêm nhiễm và gây sốt. Do đó, tốt nhất là anh mua dung dịch rửa mũi cho cháu (như nước muối sinh lý, có bán tại các nhà thuốc), sẽ giúp mũi cháu được thông và giảm sốt.

Nên để bé nằm ngửa, nhỏ 1 - 2 giọt dung dịch vào một bên lổ mũi, lổ mũi bên kia lấy ngón tay cái bịt kín lại, và đếm từ 1 - 3, sau đó đưa miệng của bạn vào mũi đã nhỏ dung dịch để hút dịch ra. Làm liên tiếp từ 3 đến 5 lần. Làm tiếp tục bên lổ mũi bên kia.

* Con tôi bé trai được 30 tháng tuổi, lâu lâu đêm bé sốt cao, tôi cho bé uống thuốc hạ sốt thì bé hết sốt và đổ mồ hôi. Đến sáng bé trở lại bình thường, vẫn ăn, ngủ, vui chơi. Xin hỏi bác sĩ tình trạng có có nguy hiểm không? Cảm ơn bác sĩ (Trần Thị Thy Hương, Tân Bình)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Nói chung là bình thường vì bé vẫn ăn, ngủ và vui chơi tốt. Tuy nhiên, chị cần quan sát thêm các triệu chứng khác của bé.

* Con tôi bị sốt và ho, cháu hay buồn ngủ. Xin BS cho biết khi bé bị sốt thì cách xử lý ban đầu ở nhà như thế nào? Nếu khi nóng khi nguội thì có uống thuốc hạ sốt được không? Và các loại thuốc cần thiết của gia đình dành cho trẻ nhỏ là gì? Cảm ơn bác sĩ. (Trần Thanh Dũng, 33 tuổi, Công chức, Bà Rịa - Vũng Tàu)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Khi bé bị sốt, cách xử lý ban đầu ở nhà là: uống thuốc hạ sốt, lau mát những vùng da mỏng như nách, bụng, đùi..., mặc quần áo thoáng mát hoặc không mặc quần áo, không nằm chỗ có gió lùa hoặc có máy lạnh, quạt máy, ngoài trời, và đặc biệt phải quan sát thêm những triệu chứng khác của bé như nôn, tiêu chảy, ho, đau bụng...

Nếu lúc sốt lúc không sốt thì vẫn có thể uống thuốc hạ sốt được. Các loại thuốc cần thiết của gia đình dành cho trẻ em là thuốc hạ sốt, thuốc tiêu chảy, cồn, băng dán, dầu gió...

* Xin BS cho biết: 1. Các dấu hiệu đầu tiên cho biết trẻ bị cảm sốt? 2. Cho trẻ ăn uống các thực phẩm nào trong thời gian trẻ bệnh để tăng sức đề kháng giúp trẻ mau lành bệnh? 3. Nên dùng thuốc gì trị cảm sốt cho trẻ dưới 3 tuổi? Nếu trẻ hết sốt nhưng vẫn bị sổ mũi thì dùng thuốc gì? Trân trọng cám ơn. (Duong Thuy Chieu Quan, 34 tuổi, CNV, Q.BT TP.HCM)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Khi bị cảm sốt thì trẻ bị nóng (đo nhiệt kế hoặc dùng bàn tay áp sát vào trán của trẻ để biết), lừ đừ quấy khóc. Trẻ có thể có thêm triệu chứng khác như chảy nước mũi, ho...

Khi trẻ bệnh, phải chú ý duy trì dinh dưỡng đầy đủ để tăng sức đề kháng, chú ý thức ăn phải dễ tiêu, phù hợp với khẩu vị của bé, cho bé uống nước đầy đủ, nên dùng các loại nước trái cây như nước cam, nước chanh...

Chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường nơi ở hoặc nơi học của bé.

Khi bé dưới 3 tuổi bị cảm sốt thì thuốc hạ sốt đầu tay là Paracetamol. Nếu trẻ hết sốt mà vẫn bị sổ mũi thì rửa mũi thường xuyên cho bé và có thể dùng thêm thuốc chống dị ứng là Clorpheniramin.

* Thưa bác sĩ! bé nhà em được 17 tháng nặng 9,3kg. Em định chích ngừa cảm cúm cho cháu, xin hỏi BS cháu chích có được không? (Nguyễn Thị Thanh Thúy, 34 tuổi, Kế toán, Thuận Phước, ĐN)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Chị có thể mang bé đến chích ngừa tại trung tâm y tế dự phòng thành phố, trung tâm y tế dự phòng quận huyện, bệnh viện...

* Bé nhà em được chẩn đoán bị viêm hô hấp trên nhưng đã gần 1 tuần mà chưa khỏi, và đã sốt (nước mũi cháu chảy rất nhiều, ho ít nhưng có khò khè). BS có thể tư vấn cho em những biểu hiện nặng hơn, và cách phòng ngừa như thế nào. Chân thành cám ơn. (Trần Thị Thúy Vy, Nhân viên kinh doanh, Q.BT, TP.HCM)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Những biểu hiện nặng gồm: sốt ngày càng tăng, đặc biệt là từ 39 độ C trở lên, co giật, lừ đừ bỏ bú hoặc bỏ ăn, khó thở... Khi bé có những biểu hiện này phải mang bé đi bệnh viện ngay.

* Con của cháu được hơn 16 tháng (bé đang mọc hai răng hàm trên, nướu răng hàm dưới đang sưng lên). Tuần vừa rồi bé sổ mũi và hay ho vào buổi sáng sớm, mỗi lần ho là có đờm. Chiều ngày 14.9 bé sốt cao ra nhiều mồ hôi, mệt mỏi, bị táo bón (bình thường không bị). Sáng 15.9 cháu có mang bé đi khám và bác sĩ cho xét nghiệm máu. Bác sĩ chẩn đoán sốt nhiễm trùng và viêm hô hấp trên. Bác sĩ có hẹn tái khám nếu không đỡ. Về bé uống thuốc thì thấy đỡ, tối uống thuốc thì lại nôn ra hết, sáng nay cháu lại thấy bé có hiện tượng sốt lại. Vậy xin Bác sĩ cho cháu biết sốt nhiễm trùng là bệnh nguy hiểm không? Bé hết sốt rồi lại sốt lại có nguy hiểm không? Xin cám ơn. (Thu Hoài, 27 tuổi, Kế toán, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Sốt nhiễm trùng là triệu chứng sốt do các bệnh nhiễm trùng. Nói chung các bệnh nhiễm trùng thường có triệu chứng ban đầu là sốt. Sốt nhiễm trùng có nguy hiểm hay không phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, cợ địa của bé, sức đề kháng của bé, bé có tiêm vắc-xin hay không...

Bé hết sốt rồi lại sốt có nguy hiểm hay không phải xem xét đến tính chất của sốt, tình trạng của bé và các triệu chứng khác.

* Con tôi năm nay 8 tuổi, cháu sốt cao 39 độ. Tôi cho đi khám và thử máu, cháu bị viêm amidan, nhiễm virut. Sốt đến ngày thứ 5, cháu mọc ban từ chân lên. Tôi muốn hỏi sốt phát ban có lây không vì cháu còn có 1 em trai năm nay 2 tuổi. (Phạm Phương Lan, 34 tuổi, Cán bộ, Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Sốt phát ban là triệu chứng của nhiều bệnh nhiễm trùng như sốt xuất huyết, sởi.... Các bệnh này là bệnh lây.

* Em có 1 bé trai được 24 tháng tuổi và bé gái 8 tháng tuổi. Bé trai hay sốt nóng lạnh sổ mũi, bé gái khi mọc răng cũng bị sốt và mới đây bị sốt do phát ban đỏ. Xin hỏi: bé sốt do đâu, sốt trên 40 độ có gây nguy hiểm không. Khi nào thì dùng khăn lạnh và thuốc giảm sốt để nhét hậu môn. (Võ Trung Bửu, Bình Chánh)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Theo mô tả của bạn thì bé trai bị sốt có thể do nhiễm trùng, bé gái do phản ứng của cơ thể và do bệnh. Sốt trên 40 độ C thì rất nguy hiểm..

* Nếu bị sốt kéo dài nhiều ngày có làm trẻ sút cân không, trẻ mọc răng có bị sốt cao không? (Phan Quốc Tuấn, Quảng Bình)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Nếu trẻ bị sốt kéo dài nhiều ngày thì trẻ sẽ bị sút cân, vì do tăng nhu cầu dinh dưỡng, do thức ăn hấp thu kém, do trẻ biếng ăn… Trẻ mọc răng có thể bị sốt hoặc không bị sốt

* Con tôi hiện tại được 13 tháng, hôm ngày 7.9 vừa rồi con tôi có sốt cao và tôi cho cháu đi khám. Bác sĩ bảo cháu bị viêm phổi và cho cháu uống thuốc nhưng từ đó đến nay con tôi vẫn sốt nhẹ, cháu rất khó chịu. Tôi muốn hỏi nếu bây giờ tôi bỏ bú cho cháu thì có được không, nếu bỏ bú thì bệnh của cháu có nặng thêm không. Làm thế nào để có thể phòng bệnh cho cháu. (Phương, Đà Nẵng)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Thực tế, khi nếu có điều kiện thì chị nên duy trì cho bé bú mẹ, cộng thêm ăn dặm (ăn sam). Trong sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp tăng cường miễn dịch cho bé. Phần phòng bệnh chị cần tập trung vào: Dinh dưỡng cho bé đầy đủ; Giữ ấm cho bé khi ở nơi lạnh hoặc có nhiều gió lùa; Giữ vệ sinh sạch sẽ trong ăn uống, trong nhà, đặc biệt là nhà bếp và vệ sinh; Chống muỗi đốt và không để phát sinh lăng quăng trong nhà và xung quanh nơi ở; Hạn chế để trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm như bụi, khói, đặc biệt là khói thuốc lá; Cần mang khẩu trang cho bé khi đi ra đường… Và cuối cùng là sử dụng thuốc hạ sốt đúng cách.

* Con toi hien la 15 thang tuoi, thuong hay bi len sot co giat va vo chong toi da dua be di nhi dong 2 nhap vien. Xong bac si xet nghiem mau thay khong co gi. Vay xin bac si cho toi hoi con toi co phai bi dong kinh khong? Vo chong toi nen phai lam gi? Chu hien be yeu lam va thuong hay co giat (Trần Văn Nam, Q.7).

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Khi bé sốt cao (từ 39 độ C trở lên), bé thường hay bị biến chứng là co giật. Nếu chúng ta để bé bị co giật do sốt cao thường xuyên, dần dần cháu có thể sẽ bị co giật kiểu động kinh do tồn tại những ổ co giật trong não. Vậy bạn chú ý: Trước tiên đưa cháu đi khám lại tại BV Sức khỏe Tâm thần TP.HCM (đường Hàm Tử, Q.5, TP.HCM) để được biết chính xác bệnh lý của cháu. Mặt khác, phải chú ý không được để cháu sốt cao.

Trong những trường hợp bé sốt, thông thường chúng ta sẽ sử dụng ngay thuốc hạ sốt. Nhưng không phải bệnh lý nào gây ra sốt cũng có thể giải quyết được thông qua uống thuốc hạ sốt. Thông thường, chúng ta chỉ nên dùng thuốc hạ sốt (paracetamol) khoảng 2 đến 3 ngày, nếu sau đó vẫn thấy sốt (hoặc đau) tiếp tục thì cần đi khám bác sĩ hoặc đến bệnh viện để có sự hướng điều trị thích hợp (để điều trị sớm những bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết…). Mặt khác, đối với trẻ em, nếu thấy trẻ bị sốt quá cao (từ 39 độ C trở lên) thì cũng nên đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay (mà không cần phải chờ uống thuốc hạ sốt 2 đến 3 ngày), vì cháu có thể bị co giật và những biến chứng khác.

* Con em bị sốt 38 độ, ăn gì nôn đấy kể cả nước trắng, không đi tiêu. Em đã cho cháu lên viện Nhi TW bác sĩ chẩn đoán họng đỏ, có truyền 1 chai nước và 1 chai muối và uống Zinat 250mg. Cháu có đỡ về nhà được 2 ngày thì cháu bị lại như thế, em vẫn cho cháu uống thuốc như ở bệnh viện và kèm theo men tiêu hóa nhưng không đỡ và cháu còn bị đi tiêu thêm. Vậy xin bác sĩ tư vấn giúp em nên điều trị như thế nào, chứ nhìn con ngày một còi cọc thêm em lo lắm. Con em đã được 2 tuổi và cháu thường hay bị viêm V.A khi thay đổi thời tiết. Em xin cảm ơn bác sĩ. (Đào Hương, Hà Nam)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Qua thư của chị, có thể thấy rằng cháu bị sốt, tiêu chảy, nôn, viêm VA. Tốt nhất trong trường hợp này chị nên cho cháu đi BV để được tái khám lại và có hướng điều trị tiếp tục. Việc dùng thuốc quá nhiều cho cháu phải cẩn trọng, vì có thể làm cho tình trạng của cháu nặng thêm.

* Theo thông tin gần đây, thì hiện nay thuốc Tylenol đang bị thu hồi ở Mỹ, không biết là ở Việt Nam có bị thu hồi không? Vì trước đây tôi thường cho con uống Tylenol, nhưng sau vụ đó thì tôi cũng rất ngại khi dùng? Rất mong được sự tư vấn của bác sĩ (Hoàng Thị Hương, TP.HCM)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Theo thông tin của Bộ Y tế, Tylenol sản xuất tại Mỹ do tập đoàn McNeil Consumer Healthcare (công ty con của tập đoàn Johnson & Johnson) thông báo quyết định thu hồi sau khi đã tham khảo ý kiến của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Nhà máy của tập đoàn McNeil Consumer Healthcare ở Fort Washington, bang Pennsylvania. Trong khi đó thuốc Tylenol của công ty Janssen Cilag (tập đoàn Johnson & Johnson) đang lưu hành tại Việt Nam thì được sản xuất tại Thái Lan bởi công ty OLIC Limited. Nguồn nguyên liệu để sản xuất của hai loại thuốc này hoàn toàn khác nhau. Đồng thời, Công ty Janssen Cilag cũng tiến hành kiểm nghiệm thuốc và gửi kết quả cho Bộ Y tế, kết quả kinh nghiệm đạt yêu cầu chất lượng các chỉ tiêu theo Tiêu chuẩn nhà sản xuất.

* Con em thỉnh thoảng bị sổ mũi, nước mũi màu trắng, em cho cháu uống thuốc pamin trẻ em, điều trị trong 5 ngày, cháu đã đỡ thì bắt đầu có biểu hiện sốt cao khoảng 39,5 độ. Em cho cháu đi khám, bác sĩ nghi là cháu sốt virút, cho uống thuốc pamin trẻ em kết hợp với thuốc cefixim, sau 5 ngày thì cháu cắt cơn sốt. Cháu đã bị ốm như thế lần thứ 2. Em muốn hỏi có liệu pháp chữa bệnh nào hiệu quả, xin bác sĩ chỉ giúp. Xin nói thêm, cháu không có biểu hiện bất cứ viêm nhiễm nào ngoài dấu hiệu sổ mũi, em đã cho chụp Xquang, xét nghiệm máu, soi họng, làm tất cả các yêu cầu của bác sĩ. Bác sĩ trả lời có nguy cơ là sốt virút, vì ở trên em chưa có test thử để khẳng định có bị sốt virút hay không. Nếu sốt virut thì phải chữa thế nào ạ, có chữa khỏi được hay không, hay là mỗi lần cơ thể yếu là lại bị tái phát? Rất mong được sự tư vấn của bác sĩ, em xin chân thành cảm ơn. (Trần Thị Dinh, 30 tuổi, Cán bộ, Thị trấn Mộc Châu, Huyện Mộc Châu, Tỉnh Sơn La)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Các loại nhiễm trùng do virút cũng thường có triệu chứng sốt. Để phòng các bệnh do virút nên tiêm ngừa vắc-xin những bệnh đó (sởi, Rubela...). Sốt do vi rút thông thường không có thuốc đặc trị, nếu BS cho dùng kháng sinh chủ yếu là để diệt vi khuẩn bội nhiễm chứ không có tác dụng diệt virút.

Điều cần chú ý là chế độ dinh dưỡng, vệ sinh cho bé, phải theo dõi tình trạng của bé liên tục.

* Tôi có cháu bé 3 tuổi, nặng 13kg. Thỉnh thoảng cháu rất hay bị cảm ho sổ mũi. Cháu vốn dĩ rất lười ăn, nên mỗi khi bệnh là bỏ ăn. Do ba cháu có bệnh di truyền bẩm sinh là bị viêm mũi dị ứng nên tôi sợ cháu cũng giống ba, rất hay bị khi thời tiết thay đổi. Mỗi lần bị cháu cũng ít sốt, hoặc sốt nhẹ. Chủ yếu là cháu hay sổ mũi và ho nặng tiếng. Vì cháu ốm và lười ăn hơn mấy đứa trẻ cùng lứa khác nên tôi rất sợ cho cháu uống kháng sinh, nhà lại xa bệnh viên nhi đồng. Gần nhà tôi có vài phòng khám tư bác sĩ bệnh viện nhi đồng, họ không cho toa thuốc mà chỉ cho thuốc. Tôi không biết là thuốc gì. Cháu có uống và bớt. Nhưng tôi thấy lo. Xin bác sĩ hướng dẫn về cách phòng tránh bệnh, và những loại thuốc cần thiết để cháu uống mau khỏi. Chân thành cảm ơn bác sĩ. (Minh Châu, 30 tuổi, Nhân viên, Quang Trung Gò Vấp)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Viêm mũi dị ứng không phải là bệnh di truyền bẩm sinh. Bệnh này liên quan đến cơ địa của bệnh nhân nhạy cảm với một yếu tố nào đấy của môi trường như nhiệt độ, gió, phấn hoa, lông súc vật...

Để biết tên thuốc đang dùng cho bé, chị nên mang bé đến bệnh viện để được khám và có toa thuốc đầy đủ.

* Cháu nhà mình được 2 tuổi, mỗi khi cháu bị ốm rất khó đo được nhiệt độ của cháu để cho uống thuốc, bác sĩ có thể cho mình biết có loại cặp nhiệt độ nào đo được nhiệt độ chính xác mà nhanh không? (Loại kẹp nách cháu không cho kẹp)? Khoảng bao nhiêu độ là phải uống thuốc (thấy nhiều bác sĩ bảo là 38 độ, không biết có đúng không)? (Minh Hậu, 27 tuổi, Kỹ sư, Nghệ An)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Nếu cháu không cho đo nhiệt độ ở nách, bạn có thể dùng loại nhiệt kế đo ở hậu môn (mua ở nhà thuốc hoặc cửa hàng dụng cụ y khoa). Chú ý khi dùng loại này chỉ được dùng cho một người duy nhất để tránh lây bệnh, mỗi lần dùng xong phải rửa và sát trùng bằng cồn, dùng phải cẩn thận và nhẹ nhàng để tránh gãy đầu dưới của nhiệt kế, nhiệt độ đọc được của nhiệt kế là thân nhiệt của bé, không phải cộng thêm 0,5 độ như đối với nhiệt kế đo ở nách.

Nếu bé vẫn không cho đo ở hậu môn thì bạn có thể dùng mu bàn tay áp vào trán hoặc và ngực của bé rồi so sánh với thân nhiệt của mình để ước tính nhiệt độ của bé.

* Con tôi 5 tuổi thường bị thẹo thâm ở chân khi bị muỗi đốt hoặc bị dị ứng. Hỏi bác sĩ đến khi lớn có hết thẹo không và sử dụng thuốc gì tha cho đừng có thẹo. (Thanh Thảo, Bà Rịa)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Trẻ em khi bị muỗi đốt hoặc bị dị ứng, có thể để lại vết sẹo thâm. Thông thường khi trẻ lớn, những vết sẹo này sẽ nhạt dần và biến mất. Tuy nhiên, để phòng sẹo, khi bé bị muỗi đốt, chị có thể dùng thuốc bôi Eurax để giảm ngứa, giảm sưng.


Bác sĩ Lê Văn Nhân đang tư vấn cho bạn đọc - Ảnh Thanh Hải

* Con em năm nay được 2 tuổi, thời gian gần đây cháu hay có triệu chứng ho nhiều về ban đêm, mặc dù đã đi khám ở nhiều bác sĩ chuyên khoa Nhi (các bác sĩ bảo rằng cháu bị sốt do thời tiết thay đổi, mọc răng, viêm họng...) bác sĩ có cấp thuốc về uống nhưng vẫn không khỏi. Vì lý do trên nên em nhờ bác sĩ vui lòng tư vấn giúp, em xin chân thành cảm ơn! (Trần Giang Nam, Nha Trang)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Tôi không biết chị cho bé khám ở đâu. Nhưng tốt nhất là chị cho bé khám lại tại BV Nhi đồng 1 hoặc Nhi đồng 2 để xem lại bệnh lý của cháu. Chị phải mô tả thêm các triệu chứng của cháu: có sốt không, có nôn không, có tiêu chảy không...

* Con tôi nay được 6 tháng, cháu bị nghẹt mũi vào ban đêm, lâu lâu hay ho vài tiếng, nhỏ nước muối sinh lý ngày 2 lần, vậy tới khi nào cháu mới hết nghẹt mũi và tôi phải làm sao để bảo vệ cho bé bớt nghẹt mũi, có người nói là nhỏ muối sinh lý hoài cháu sẽ bị viêm xoang, vậy đúng không, và khuyên cho cháu nằm nghiêng để nhỏ từng bên và cho chảy ra bên kia khi nhỏ bên này, nhưng tôi nhỏ vào mà không thấy chảy ra mũi bên kia, chảy ngược lại, cháu nhỏ nước muối biển của Pháp được không? Xin cảm ơn bác sĩ (Kim Nhung)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Nhỏ nước muối sinh lý không làm viêm xoang, vì nó có tác dụng rửa mũi, sát trùng niêm mạc mũi và thông mũi. Chị cho cháu nhỏ nước muối biển của Pháp cũng tốt.

* Chào bác sĩ, con em 10 tháng rưỡi tuổi, chỉ nặng 7,5kg. Khoảng 3 tuần nay cháu bị ho, nhiều đờm, hay nôn trớ, sổ mũi, thỉnh thoảng sốt nhẹ, kém ăn, ngủ không ngon giấc. Đã đi khám tại Viện Nhi 2 lần và uống thuốc theo đúng đơn của bác sĩ, đã điều trị 2 đợt kháng sinh nhưng chưa khỏi hẳn. Từ sáng qua cháu lại sốt 39 độ, da nổi đỏ giống như triệu chứng sởi. Thời tiết mưa nên tôi chưa đưa vào viện khám được. Xin bác sĩ chỉ giúp tôi nên làm gì? (Nguyễn Vĩnh Cường, 28 tuổi, Kỹ sư xây dựng, Hà Nội)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Cháu bị sốt 39 độ và nổi ban đỏ, bạn nên mang bé đến bệnh viện ngay để được khám và điều trị kịp thời.

* Con tôi hiện nay được 17 tháng tuổi, cháu hay bị viêm mũi và viêm họng khoảng 1 tháng 1 lần. Hằng ngày tôi có xịt nước xịt mũi xisat cho bé nhưng bé vẫn cứ bị chảy nước mũi. Vậy cho tôi hỏi khi biết cháu sắp sổ mũi thì tôi nên làm gì để bé không bị chảy nước mũi? (Đỗ Thị Thu Hương, 28 tuổi, Kế toán, Nha Trang)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Thuốc Xisat là một loại dung dịch rửa mũi, cần rửa mũi cho bé thường xuyên để tránh ứ đọng và nghẹt mũi, đó là nguyên nhân gây sốt. Chị có thể dùng thuốc kháng dị ứng cho bé để giảm chảy nước mũi, nhưng phải đúng liều lượng và không nên dùng quá nhiều ngày.

* Con gái tôi 4 tuổi, nặng 17kg. Cháu bị viêm amidan thường bị sốt về đêm, sốt rất cao 39 - 40 độ C. Tôi cho cháu uống thuốc hạ sốt thì thấy hạ. Tôi muốn hỏi trẻ bao nhiêu tuổi thì cắt amidan được và tôi phải làm gì để phòng ngừa bé sốt? (Tran Nguyen Yen Trang, Ke toan, Binh Phuoc)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Amidan là tổ chức tập trung nhiều bạch cầu, có chức năng phòng tuyến bảo vệ cơ thể chống lại những mầm bệnh từ bên ngoài. Do đó khi bé bị nhiễm trùng, amidan là nơi sẽ bị viêm nhiễm trước tiên. Việc cắt hay không cắt amidan sẽ do BS chuyên khoa Tai mũi họng quyết định, nhưng thông thường người ta không cắt khi bé còn nhỏ tuổi.

* Xin chào bác sĩ! Con tôi đã được 26 tháng tuổi. Cháu bị sốt cao, co giật 2 lần, mỗi lần dưới 5 phút. Hiện tại cháu đang đi học mầm non, lúc nào trong túi cháu cũng có thuốc chống giật và hạ sốt. Xin bác sĩ cho biết, sau khi mở nắp hộp thuốc thì thời hạn sử dụng của thuốc còn được bao nhiêu lâu nữa ạ (thuốc đều ở dạng siro uống, không bảo quản trong tủ lạnh được vì phải cho vào cặp cho cháu đến lớp mỗi ngày)? Xin bác sĩ tư vấn giúp để tôi có thể biết chắc thuốc vẫn còn chất lượng cho cháu dùng (tất nhiên là chưa hết hạn sử dụng)! Xin chân thành cảm ơn! Chúc Bác sĩ sức khỏe! (Swan, 21 tuổi, TP.HCM)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Khi dùng thuốc phải bảo đảm còn hạn sử dụng. Đối với các thuốc dạng si rô, khi mở nắp hộp thuốc, thời hạn sử dụng sẽ được ghi trong toa thuốc kèm theo hộp thuốc. Nếu trong toa thuốc có quy định nhiệt độ đi kèm thì nên bảo đảm đúng nhiệt độ quy định.

Trong trường hợp có quy định nhiệt độ, nhưng phải mang thuốc đi theo mà không thể đảm bảo nhiệt độ được, chị có thể liên hệ với nhà trường để có thể gởi hộp thuốc trong tủ lạnh của nhà trường (như phòng y tế).

* Bé gái nhà em được gần 2 tuổi, cân nặng 11,5kg, em cũng đã chích ngừa cảm cúm cho bé rồi nhưng lâu lâu bé vẫn có triệu chứng của cảm cúm, kèm theo ho nữa. Xin bác sĩ tư vấn giúp cách phòng ngừa và điều trị. (Nguyễn Thị Chung, 26 tuổi, Q.1 TP.HCM)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Khi chích ngừa cúm thì bé chỉ được miễn dịch với bệnh cúm, còn các bệnh khác thì không thể miễn dịch được, bé vẫn có thể bị bệnh với triệu chứng ban đầu giống như cảm cúm. Do đó, cần tiêm ngừa thêm cho bé những bệnh khác như sởi, quai bị, Rubela, viêm màng não, trái rạ...

* Xin hỏi miếng dán hạ sốt đối với trẻ là không hiệu quả hạ nhiệt có đúng không? bé sốt dưới 38 độ nhưng kéo dài có nên cho uống thuốc hạ sốt không (pamin)? (Dao Thi Chuc, Cong chuc, TP.HCM)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Miếng dán hạ sốt vẫn có tác dụng hạ sốt. Bé sốt dưới 38 độ nhưng kéo dài chị cũng có thể dùng thuốc hạ sốt được.

* Bé của em được 26 tháng. Bé bị bệnh tay chân miệng ngày 4.9, xuất viện ngày 11.9 (lúc bệnh có hiện tượng chới với, 5 lần/tiếng, có thở gấp). Ngày 15.9, bé có nóng hầm hầm, đo nhiệt kế 37 độ, bé có nổi hạch hai bên tai. Bé bị bệnh tay chân miệng lần này là lần thứ 3, xin hỏi bé có mắc bệnh này nữa không? Vì em nghe nói bệnh này không có kháng thể và có thể mắc nhiều lần... Xin hỏi thêm BS lúc bé nhập viện 3 ngày thì anh của bé cũng bị lây tay chân miệng, vậy lúc bé hết trước anh có thể bị anh lây ngược trở lại không... Mong nhận được tư vấn của bác sĩ. (Phạm Thị Ngọc Điệp, 34 tuổi, CNV, Cần Thơ)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Bệnh tay chân miệng có thể mắc nhiều lần và bị lây. Điều quan trọng để tránh bị lây bệnh là vệ sinh môi trường thật sạch sẽ (nhà ở, phòng ngủ, nhà vệ sinh, trường học...), vệ sinh cá nhân (rửa tay thường xuyên với nước sạch và xà phòng), dinh dưỡng đầy đủ.

* Nửa tháng trước, cháu nhà em sốt siêu vi, 1 tuần mới hết. Nay đỏ mắt 3 ngày, sau đó lại sốt kèm theo chảy mũi nước (ít), ban ngày chỉ ấm, bắt đầu sốt từ chiều tối. Xin hỏi các bác sĩ 1. Cách phòng chống, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, nhất là các trẻ đi mẫu giáo 2. Đau mắt đỏ và sốt có liên quan gì đến nhau không, tại sao xảy ra cùng 1 thời điểm? 3. Cách phân biệt sốt siêu vi và sốt do các bệnh khác 4. Cách chăm sóc trẻ trong những ngày sốt cao? Xin cám ơn. (Bùi Thị Ngọc Hà, 31 tuổi, Kế toán, Đà Nẵng)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Đau mắt đỏ và sốt có thể có liên quan vì đây là một bệnh nhiễm trùng, do đó có thể gây sốt.

Sốt do siêu vi thường kéo dài, tái đi tái lại, dùng thuốc hạ sốt thường không giảm hoặc giảm không đáng kể.

* Bác sĩ cho em hỏi: em bé nhà em không sốt nhưng khoảng nửa đêm về sáng ho rất nhiều. Em đưa cháu đi bác sĩ uống thuốc 5 ngày rồi mà không khỏi. Ban ngày thì nó không ho mà chỉ ho lúc nửa đêm về sáng thôi. Bác sĩ có cách gì không giúp em với. Em xin cảm ơn. (Trần Thị Thanh Sự, 28 tuổi, Kế toán, Quảng Nam)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Khi bị ho vào ban đêm mà không kèm theo sốt hoặc sốt rất nhẹ, không có thêm những triệu chứng nào khác, uống thuốc thấy không giảm, thì chúng ta có thể nghĩ đến bé đang bị hội chứng Loeffler, là hội chứng ấu trùng của giun (giun đũa, giun móc...), đang ở phổi. Hội chứng này thông thường kéo dài khoảng 1 tuần, tự hết mà không cần dùng thuốc. Chị có thể ngừa nhiễm giun cho bé và gia đình bằng cách vệ sinh cá nhân (rửa tay), vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống (hạn chế ăn sống, nếu dùng rau sống phải rửa thật sạch), tẩy giun định kỳ một năm từ 2-3 lần.

* Con tôi thường hay bị cảm sốt, xin hỏi bác sĩ uống thuốc trị cảm sốt lâu dài có bị ảnh hưởng gì đến sự phát triển trí não... của cháu hay không? Rất cám ơn câu trả lời của bác sĩ. (Lê Tấn Thời, 34 tuổi, Giáo viên, An Giang)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Dùng thuốc trị cảm sốt lâu dài không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của trí não. Tuy nhiên khi bé bị sốt cao, phải dùng ngay thuốc hạ sốt và lau mát, không được để bé bị co giật. Vì co giật sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của bé sau này.

* Bé tôi 4 tháng tuổi, đang đi học mẫu giáo, bé thường hay sốt. Tôi có mua Tylenol để cho bé uống mỗi khi bé sốt và thường gởi cô giáo để nhờ cho cho uống giúp. Vậy liều uống như thế nào là phù hợp thưa bác sĩ? (Thanh Nga, 28 tuổi, Giáo viên, TP.HCM)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Chắc là chị ghi nhầm số tuổi của bé, chắc là bé 4 tuổi. Chị mua Tylenol gửi cho cô giáo để cho bé uống khi bé sốt thì được. Liều uống chị xem trong toa thuốc kèm trong hộp thuốc.

* Con toi 1 tuoi, chau bi sot do viem tai giua, 39,5 do. Toi tam cho chau bang nuoc am nho hon than nhiet cua chau 2 do, roi cho uong ha sot, nhung nhiet do co the khong giam, cac lo chan long toi co cam giac to ra nhu nguoi bi cam lanh. Xin hoi chau có sao khong? Khi nao nen tam de ha nhiet va tam nhu the nao? (Pham Thanh Hien, Giang vien, Ha Noi)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Khi sốt, cần phải lau mát, uống thuốc hạ sốt. Đối với biện pháp tắm để hạ sốt phải theo đúng quy định về nhiệt độ của nước là 37 độ C (đo bằng nhiệt kế). Biện pháp này không khuyến khích sử dụng tại gia đình, chỉ nên sử dụng tại bệnh viện.

* Tylenol là thuốc hạ sốt tôi hay dùng cho con tôi tại nhà. Xin bác sĩ cho biết có nên để để dành thuốc nếu còn dư không? (Phan Bao Vy, Nhan vien, TP.HCM)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Nói chung các loại thuốc dạng si rô, sau khi mở nắp, phải bảo đảm đúng nhiệt độ quy định của thuốc, không làm nhiễm bẩn thuốc còn lại trong chai và tốt nhất chỉ nên sử dùng cho một đợt điều trị, không nên để dành cho những đợt sau.

* Con tôi năm nay được 30 tháng tuổi, cháu hay bị mọc mụn nhọt, mỗi lần cháu mọc đều phát sốt và sốt rất cao. Tôi có cho cháu đi bác sĩ da liễu rồi nhưng bệnh vẫn phát đi phát lại. Không chỉ riêng mọc mụn nhọt cháu mới sốt mà hầu như tháng nào cháu cũng sốt 1, 2 lần cả. Xin bác sĩ tư vấn dùm tôi làm cách nào để con tôi khỏi sốt và cách phòng ngừa cũng như chữa trị mụn nhọt cho cháu. Xin cảm ơn chương trình và bác sĩ rất nhiều! (Trần Thị Tố Ni, 30 tuổi, Kế toán, Đà Nẵng)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Để phòng ngừa mụn nhọt, điều thông thường nhất là vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường cho tốt, đặc biệt chú ý đến vệ sinh ngoài da.

* Xin hỏi bác sĩ về cách phòng ngừa cảm sốt ở trẻ em? Nhất là khi người lớn bị cảm thì có cách nào hạn chế tối đa sự lây nhiễm từ người lớn sang trẻ em không? (Nguyễn Thanh Nam, 35 tuổi, Kế toán, Vũng Tàu)

- Bác sĩ Lê Văn Nhân: Để hạn chế tối đa sự lây nhiễm bệnh nói chung từ người lớn sang trẻ em:

- Không tiếp xúc giữa người bệnh và trẻ em. Nếu có tiếp xúc, thì phải mang khẩu trang, tay phải rửa sạch.

- Không dùng chung đồ dùng cá nhân giữa người lớn và trẻ em.

Ban Thanh Niên Online
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.