TP.HCM: Những nguy cơ khiến bữa ăn của người dân mất an toàn thực phẩm

Duy Tính
Duy Tính
30/10/2020 14:17 GMT+7

Vấn đề quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo bữa ăn an toàn cho người dân TP.HCM còn gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Phó giáo sư - tiến sĩ (PGS.TS) Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, từ khi thành lập (theo quyết định số 2349/QĐ-TTg ngày 5.12.2016 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP) đến tháng 9.2020, Ban Quản lý ATTP đã tiến hành thanh, kiểm tra 17.979 cơ sở, phát hiện 2.022 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 2007 cơ sở với số tiền là 27,3 tỉ đồng, chuyển xử lý đơn vị khác tiếp tục xử lý 3 cơ sở.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý an toàn thực phẩm, Nghị định số 115/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP đã có tính răn đe cao, xử lý nghiêm minh đối với các cơ sở vi phạm quy định trong lĩnh vực ATTP. Không còn hình thức phạt cảnh cáo nên số cơ sở bị phạt tăng.
Tuy nhiên, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm vẫn còn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc về kiểm soát và xử lý vi phạm đối với chất cấm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật.
Hiệu quả công tác quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc còn hạn chế do quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, hệ thống phân phối lạc hậu, vẫn còn các chợ tự phát, trôi nổi. Vướng mắc về thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm đối với sản phẩm nhập khẩu, như các chỉ tiêu an toàn, nội dung đối tượng sử dụng trong giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; các quy định hiện hành chưa có quy định biện pháp chế tài đối với các trường hợp thịt heo nhập chợ không có vòng niêm phong, vòng nhận diện hoặc có vòng nhưng thông tin không đầy đủ. Kinh phí phục vụ cho công tác quản lý thức ăn đường phố còn hạn chế...
Đối với công tác giám sát an toàn thực phẩm, qua lấy mẫu kiểm nghiệm, vẫn phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trên mẫu sản phẩm kiểm nghiệm và có nguồn gốc từ tỉnh đưa về TP.HCM tiêu thụ.
Việc giám sát và kiểm soát chất lượng thực phẩm tại các chợ truyền thống còn nhiều khó khăn nhất là nông sản thực phẩm.
Tình trạng sử dụng nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, chất phụ gia thực phẩm nằm ngoài danh mục, chất cấm trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vẫn còn tồn tại…
Bà Phong Lan cho biết Ban Quản lý an toàn thực phẩm sẽ tiếp tục sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đặc biệt là loại hình có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm.
Tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các sản phẩm của các cơ sở có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.