Thuốc ức chế miễn dịch làm giảm hiệu quả vắc xin Covid-19?

Ngọc Minh Khuê
Ngọc Minh Khuê
06/07/2021 04:08 GMT+7

Bà June Tatelman (sống tại Boston, Mỹ) đang dùng thuốc ức chế miễn dịch để điều trị bệnh viêm phổi. Sau khi tiêm phòng Covid-19 , bà được bác sĩ thông báo không tìm thấy bất kỳ kháng thể Covid-19 nào trong cơ thể.

Theo kênh CNN, bà June Tatelman đã phải đối mặt với rất nhiều câu hỏi như liệu vắc xin có tác dụng hay không và liệu bà có nên tiêm liều thứ ba hay không. Người phụ nữ 73 tuổi này đang cân nhắc việc cắt giảm thuốc ức chế miễn dịch.
Hàng chục triệu người Mỹ khác cũng được cho là đang sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch có thể làm suy yếu tác dụng của vắc xin Covid-19. Vì vậy, các chuyên gia y tế kêu gọi những người khỏe mạnh, đủ điều kiện để tiêm chủng càng phải tiêm phòng sớm hơn.
“Ngay cả khi bạn nghĩ rằng bạn không cần phải tiêm chủng, hãy nghĩ về điều này như một sự chia sẻ với những người dễ bị tổn thương xung quanh bạn”, tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế quốc gia Mỹ, bày tỏ.

Sốt dài ngày sau khi tiêm vắc xin là triệu chứng nhiễm Covid-19?

Các chuyên gia chưa thống kê chính xác bao nhiêu người Mỹ đang dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch gây giảm mức độ hiệu quả của vắc xin như bà June Tatelman. Theo ước tính của tiến sĩ Beth Wallace tại Đại học Michigan (Mỹ), con số này có thể lên tới gần 60 triệu khi có 3% người dưới 65 tuổi được bảo hiểm tại Mỹ đang sử dụng các loại thuốc này.
Trong quá trình phát triển vắc xin, những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch không được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Tiến sĩ Kathryn Stephenson, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Harvard (Mỹ), cho biết điều đó khiến những bệnh nhân này cảm thấy hoang mang, không biết liệu vắc xin có hiệu quả hay không.
Khi mắc các bệnh như viêm khớp dạng thấp hay lupus ban đỏ, hệ thống miễn dịch của bệnh nhân xem một số bộ phận của cơ thể là một mối đe dọa và bắt đầu tấn công các bộ phận cơ thể này, từ đó gây ra tổn thương. Thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng để hạn chế sự tấn công này vào các mô của chính bệnh nhân.
Khi vắc xin được sử dụng rộng rãi hơn, một số nghiên cứu đang được tiến hành để đánh giá mức độ hoạt động của vắc xin đối với người bị suy giảm miễn dịch. Kết quả của các nghiên cứu có phần đối lập nhau.
Một nghiên cứu của Trường ĐH John Hopkins (Mỹ) trên những bệnh nhân cấy ghép nội tạng, những người dùng thuốc để ức chế hệ thống miễn dịch nhằm ngăn cơ thể từ chối các cơ quan mới, cho thấy 46% bệnh nhân không có phản ứng kháng thể sau khi được tiêm chủng đầy đủ.

Các vắc xin Covid-19 nổi tiếng ở Việt Nam sử dụng công nghệ gì?

Trong nghiên cứu thứ hai của Trường Y Washington (Mỹ), những bệnh nhân bị lupus ban đỏ, bệnh vẩy nến, bệnh viêm ruột, những người đang dùng glucocorticoid và các chất làm suy giảm tế bào B bị ảnh hưởng một cách đáng kể khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác của Trường Y Icahn (Mỹ) lại cho thấy những người dùng thuốc điều trị viêm loét đại tràng và bệnh Crohn có phản ứng kháng thể “mạnh mẽ” với vắc xin Pfizer và Moderna.
Theo CNN, các chuyên gia của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo người dân không nên tự kiểm tra mức độ kháng thể. Các cơ quan này cho rằng mức độ kháng thể không đồng nghĩa với việc bảo vệ cơ thể khỏi vi rút.
“Chúng tôi sẽ phải tìm ra những gì cần làm để bảo vệ những người đang sử dụng thuốc suy giảm miễn dịch một cách đầy đủ”, tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về dị ứng và bệnh truyền nhiễm, chia sẻ với CNN.

Vì sao không nên so sánh và ‘kén cá chọn canh’ giữa các vắc xin Covid-19?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.